Tuổi thơ nghèo khổ và... ông ngoại!
Tôi sinh năm 1980 trong một gia đình lao động bình thường ở huyện Từ Liêm, Hà Nội. Bố mẹ tôi đã nghỉ hưu từ lâu nhưng trước đây, bố tôi là thợ sửa xe máy, mẹ bán hàng ăn.
Thời đó, so với các gia đình xung quanh, nhà tôi cũng thuộc hàng khá giả. Sau này xảy ra một vài biến cố cả về con người và kinh tế khiến gia đình tôi đã có thời gian dài rơi vào tình trạng vô cùng khó khăn.
Tuổi thơ của tôi có rất nhiều ngày tháng phải đi vay gạo hàng xóm để nấu cơm. Lúc đó tôi đang học cấp 2. Cứ tưởng chuyện chạy ăn từng bữa ở đâu xa, thực ra cảnh gia đình tôi lúc đó diễn ra đúng như vậy.
Trong thùng chỉ có bát rưỡi gạo, đến bữa tôi lại đi vay thêm bát rưỡi hai bát nữa để nấu cơm vì nhà đông anh chị em.
Nhà tôi có 5 chị em, tôi là thứ 4. Để nuôi từng ấy đứa con đi học là cả một sự cố gắng lớn của mẹ. Để có tiền cho chị em tôi đi học, mẹ phải vay mượn rất nhiều. Và có những món nợ kéo dài cho đến tận khi tôi đi hát.
Tôi nhớ hoài những lần đã tới hạn chót đóng học phí mà mẹ chưa xoay được tiền, tôi không dám vào lớp vì ngại với bạn bè. Tôi đến lớp rồi mẹ mới vay được tiền đến sau để nộp.
Ca sĩ Thái Thùy Linh.
Họ hàng nhà tôi không có ai theo nghệ thuật chuyên nghiệp. Ông ngoại tôi từ xa xưa cũng tham gia vào gánh hát ả đào nhưng đó chỉ là một gánh hát nghiệp dư. Nhưng tôi vẫn nghĩ, ông chính là người đã truyền năng khiếu, đam mê văn nghệ cho con cháu sau này.
Ông tôi rất thích các cháu biết hát hò và chơi nhạc cụ. Hồi tôi còn bé xíu, ông hay dẫn tôi ra đình làng học kéo nhị. Đó là kỷ niệm tôi không bao giờ quên được.
Hồi ấy nhà tôi ở ngoại thành, đường còn tối mù tối mịt. Đường đi ra cái đình học kéo nhị phải qua một bãi tha ma, ếch nhái kêu râm ran. Ngồi học trong đèn dầu, ánh sáng tù mù.
Trong không gian thanh vắng ấy cái tiếng nhị cứ vang lên và lại ngay cạnh nghĩa địa. Cái cảnh tượng hãi hùng ấy sẽ gây ấn tượng với tất cả những ai tham dự lớp học như thế, nhất lại là một đứa bé gái như tôi. Thế nên dù rất thích thì tôi cũng chỉ học có vài buổi vì sợ quá.
Với lại, ngày ấy cũng chỉ là theo học một bác trong làng dạy chứ không có bài bản gì.
Ông tôi vốn là người trông coi mấy cái đền, am ở thôn. Hồi nhỏ ông vẫn hay chở tôi đằng sau xe đạp mỗi lần ra đền, tôi cũng dọn dẹp bàn thờ, cắm hoa, thay nước... phụ ông.
Mỗi lần ông chở tôi trên chiếc xe đạp như thế, ông cứ hát cho tôi nghe những bài từ rất xưa. Lúc tôi đang học thanh nhạc, ông tôi lúc nào cũng ước ao được nhìn thấy tôi trên ti vi. Nhưng tôi còn chưa nổi tiếng thì ông đã mất.
Ông
mất lúc tôi mới vào Sài Gòn lập nghiệp. Năm 2001, tôi
nam tiến với một nhiệm vụ lớn nhất là giúp gia đình
trả nợ.
Trong nhiều năm, tôi phải trả dần những khoản nợ của gia đình. Ngay bây giờ, vợ chồng tôi cũng đang lo chuyện học của 3 đứa con và 3 đứa cháu cả nội lẫn ngoại.
Tuy phức tạp nhưng gia đình của ca sĩ Thái Thùy Linh rất hạnh phúc. Trong ảnh, chồng Thái Thùy Linh đang chơi với cậu con trai gần 1 tuổi và bé Thái An, con gái riêng của cô.
Để ở với nhau lâu dài giới hạn là sự tôn trọng
Tôi
vẫn thường nói vui rằng, người ta 1 cộng 1 bằng 2 còn nhà
tôi 1 cộng 1 bằng 7. Tại vì có con anh, con em, con chúng ta là
3 rồi, lại có cháu của anh, cháu của em nữa.
Trước đây còn có con nuôi của anh và con nuôi của em, những đứa trẻ vợ chồng tôi nhận đỡ đầu trong những lần làm từ thiện.
Chi phí lớn nhất của gia đình tôi trong 1 tháng là các thể loại học phí của con. Đó là khoản đầu tư lớn nhất nhưng cũng là khoản đầu tư không lo bị lỗ.
Một gia đình bình thường đôi khi đã có rất nhiều vấn đề giữa vợ chồng với nhau, giữa cha mẹ với con cái. Thế nên với sự phức tạp như gia đình tôi đương nhiên cũng không tránh khỏi có lúc này lúc khác.
Thực ra giữa người lớn với nhau, dù rất thương yêu nhau đôi khi vẫn có những bất đồng. Đó là điều không thể tránh khỏi vì ai cũng có cái tôi riêng.
Trẻ con chưa nghĩ được nhiều nên tụi nó cũng xích mích với nhau là chuyện bình thường. Cũng có những hiểu lầm, cũng có những ghen tỵ giữa những đứa trẻ. Ngay như 5 chị em tôi ngày xưa cũng thế, tỵ nạnh nhau suốt.
Chỉ mỗi việc ai rửa bát cũng căng thẳng. Tôi luôn cố gắng không áp đặt mà sẽ giải thích để các con tự giải quyết vấn đề với nhau.
Đôi khi Nếp (con gái riêng của Thái Thùy Linh – pv) đành hanh vì nghĩ là mình bé hơn, được quyền em út. Ngược lại, Minh cá mập cũng bị thành kiến rằng em Nếp luôn được chiều hơn.
Những lúc như thế, tôi nói "bây giờ các con thử ngồi đếm xem ai là người bị mẹ xử lý nhiều nhất trong nhà, đấy là em Nếp". Quan điểm của tôi là càng gần tôi, tôi càng nghiêm khắc, kể cả với con hay học sinh.
Thái Thùy Linh trong chương trình Mang âm nhạc đến bệnh viện Đại học Y dược TPHCM ngày 19-5 vừa qua. Chương trình âm nhạc từ thiện này đến nay đã làm được 149 số.
Với 1 gia đình nhiều con như thế, phức tạp như thế tất nhiên có nhiều cái cũng làm mình stress, vì đôi khi tôi không thể đối xử công bằng với tất cả.
Dù có cố gắng đến mấy cũng không thể có chuyện công bằng tuyệt đối được.
Là con ruột, tôi có thể trừng phạt, có thể nặng lời nhưng với cháu, với con nuôi tôi không thể làm vậy được. Càng không phải con đẻ, tôi lại càng phải nhẹ nhàng, phải tâm lý, phải giảm trừ đi rất nhiều, không thể đối xử như với con ruột được.
Vợ chồng tôi cũng có một vài bất đồng trong chuyện dạy con, xử lý tình huống nhưng chưa bao giờ những chuyện của con làm bố mẹ căng thẳng, mâu thuẫn. Tất nhiên, để thành thật, chúng tôi cũng có lúc không hoàn toàn vui vẻ.
Chồng tôi là người nóng tính, anh ấy cũng có sự nghiêm khắc của người đàn ông. Tôi cũng nghiêm khắc nhưng khi gặp vấn đề, tôi là người hay truy ra tận nguồn cơn và có những tình tiết giảm nhẹ, cả tình cả lý. Còn anh ấy 1 là 1, 2 là 2.
Gần đây, anh ấy chia sẻ với mọi người rằng, anh ấy khá yên tâm trong việc giao con cho tôi dạy. Có lẽ anh ấy cũng thấy tôi đọc nhiều tài liệu về việc nuôi dạy con nên tin tưởng hơn.
Trước
khi lấy nhau, chúng tôi đã nói chuyện thẳng thắn về
việc tôn trọng cá nhân, cùng nhau tìm ra cách tốt
nhất để giải quyết vấn đề nảy sinh trong cuộc
sống.
Và trong trường hợp xấu nhất, nếu không tìm được sự tương đồng thì phải có giới hạn để mọi người tôn trọng nhau.
Chị thường đưa con đi cùng, thậm chí cho bé lên sân khấu biểu diễn.
Và khi đến giới hạn đó, dù có thể không đúng ý mình nhưng không thể can thiệp sâu hơn. Đó là thực tế để đỡ bị ắp đặt, đỡ bị khó chịu khi người kia không được như ý mình.
Chẳng ai hoàn hảo cả nên không thể áp cho nhau được. Ví dụ, mình muốn người kia thay đổi, theo ý mình là tốt, người kia cũng nghĩ như vậy. Nhưng nếu hai ý nghĩ đó không trùng nhau thì đừng cố cải tạo nhau.
Trẻ
con cũng vậy, có những thứ mình không thể phạm vào thế
giới riêng của nó. Mỗi người cần phải hiểu và biết
tôn trọng thế giới riêng của người khác thì mới sống
với nhau được.
Nếu tất cả mọi người đều đưa ra những quan điểm của mình và muốn mọi người theo thì gia đình khó mà ở với nhau lâu dài.
Các con hầu như đều sợ và yêu tôi có lẽ vì tôi nghiêm. Trong bất cứ chuyện gì, chỉ cần có một chút gian dối hoặc né tránh, tôi sẽ rốt ráo cho ra đầu ra cuối. Nhưng ngược lại, tôi cũng rất chiều con.