Chuyện chưa từng có trong vòng 10 năm trở lại đây đang xảy ra tại Thế giới Di động

Pha Lê |

Thế giới Di động là nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam với hơn 5.700 cửa hàng trên cả nước. 3 tháng đầu năm, lợi nhuận trung bình mỗi cửa hàng mang về cực thấp.

Chuyện chưa từng có trong vòng 10 năm trở lại đây đang xảy ra tại Thế giới Di động - Ảnh 1.

CTCP đầu tư Thế giới Di động (MWG) được thành lập năm 2009. Cổ phiếu của Công ty được niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh với mã chứng khoán “MWG" năm 2014.

Hoạt động chủ yếu của công ty và các công ty con chủ yếu là mua bán, bảo hành, sửa chữa thiết bị tin học, điện thoại, linh kiện và phụ kiện điện thoại với thương hiệu Thế giới Di động, các mặt hàng điện máy với thương hiệu Điện máy Xanh và các mặt hàng lương thực, thực phẩm, đồ uống và các hàng hóa khác với thương hiệu Bách hóa Xanh.

Mới đây, công ty đã có báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2023. Theo đó, trong 3 tháng đầu năm, doanh thu công ty đạt 27.105,8 tỷ đồng, giảm 25,7% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong báo cáo này không công bố cụ thể từng mảng doanh thu của Thế giới Di động. Tuy nhiên, trong báo cáo cập nhật tình hình kinh doanh 3 tháng đầu năm, Thế giới Di động cho biết, chuỗi Thế giới Di động và Điện máy Xanh có tổng doanh thu lũy kế hai chuỗi giảm 34% từ nền cơ sở rất cao của quý 1/2022.

Chuyện chưa từng có trong vòng 10 năm trở lại đây đang xảy ra tại Thế giới Di động - Ảnh 2.

Doanh thu của hầu hết sản phẩm điện thoại và điện máy giảm từ 25 - 35% so với cùng kỳ, ngoại trừ máy tính bảng, máy tích xách tay giảm mạnh khoảng 40 - 50%. Các sản phẩm ICT chiếm tỷ trọng lớn trong doanh số từ kinh doanh online của TGDĐ và ĐMX. Do đó, doanh thu online cũng sụt giảm 40% so với cùng kỳ.

Tháng 4 bắt đầu vào mùa nắng nóng là đợt bán hàng cao điểm đối với sản phẩm điện lạnh, dự kiến doanh số máy lạnh trong tháng 4 năm nay có thể tăng khoảng 20% - 30% so với cùng kỳ.

Với kết quả khá tích cực của 5 shop điện máy EraBlue đầu tiên (4,5-5 tỷ đồng/ cửa hàng/ tháng duy trì ổn định từ tháng 12/2022 đến nay), trong tháng 4, Ban Lãnh đạo MWG đã có chuyến làm việc thực địa cùng đối tác liên doanh và gặp gỡ 62 nhà cung cấp hàng đầu trong lĩnh vực viễn thông và điện tử tiêu dùng tại Indonesia. Đây là dịp để chia sẻ tầm nhìn, sứ mệnh và các giá trị khác biệt mà Erablue cam kết mang lại cho người tiêu dùng tại thị trường này. EraBlue đang từng bước hoàn thiện mô hình kinh doanh và sẽ bắt đầu mở rộng một cách thận trọng từ nửa cuối 2023.

Còn tại chuỗi Bách hóa Xanh, doanh thu lũy kế của BHX trong quý 1/2023 tăng 5% mặc dù chuỗi đã giảm 20% về số điểm bán so với quý 1/2022. Riêng kênh online tăng trưởng 19%.

Thực phẩm tươi sống là động lực chính, tăng trưởng 40% so với cùng kỳ. Doanh thu FMCCs tương đương cùng kỳ trong khi đóng góp từ sản phẩm gia dụng giảm so với quý 1 năm trước do BHX đã tối ưu lại danh mục sản phẩm, bỏ không kinh doanh một số mặt hàng gia dụng sau tái cấu trúc.

Doanh thu bình quân tháng 3 của BHX đạt hơn 1,3 tỷ đồng/cửa hàng và dự kiến sẽ tiếp tục cải thiện trong tháng 4. Số lượng hóa đơn và sản lượng tiêu thụ đang duy trì ổn định trong khi giá trị hóa đơn chỉ bằng khoảng 85% so với cùng kỳ.

Cũng trong kỳ này, doanh thu hoạt động tài chính của công ty đạt 359 tỷ đồng, chi phí tài chính là 296 tỷ đồng, tăng gần 90 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái.

Chuyện chưa từng có trong vòng 10 năm trở lại đây đang xảy ra tại Thế giới Di động - Ảnh 3.

Tổng chung, lợi nhuận sau thuế hợp nhất trong quý 1/2023 của công ty đạt 21 tỷ đồng, giảm 99% so với quý 1/2022 là 1.445 tỷ đồng. Trung bình, doanh thu của Thế giới Di động đạt 7 tỷ/tháng. Con số này chỉ bằng 1/3 nếu so sánh với lợi nhuận trung bình một quý cách đây 10 năm của MWG.

Lý giải về việc sụt giảm mạnh lợi nhuận, báo cáo giải trình của Thế giới Di động cho biết, sức mua điện thoại và điện máy suy yếu kể từ quý 4/2022 và tiếp tục giảm mạnh hơn so với dự báo trong quý 1/2023. Tâm lý thận trọng, trì hoãn trong quyết định chi tiêu đối với các sản phẩm giá trị cao diễn ra ngay cả đối với nhóm khách hàng cao cấp do suy giảm niềm tin tiêu dùng.

Ngoài ra, khách hàng có nhu cầu thực ở phân khúc thu nhập thấp khó khăn hơn trong việc tiếp cận vay tiêu dùng qua hình thức mua trả góp.

Đối với các mặt hàng thực phẩm, hàng tiêu dùng nhanh và dược phẩm, xu hướng tiết kiệm cũng diễn ra bằng việc mua các sản phẩm cùng công dụng với mức giá thấp hơn.

Để thích nghi với tình trạng này, công ty chủ động thực hiện chiến lược giá bán cạnh tranh, đưa ra nhiều lựa chọn mua sắm linh hoạt, tăng cường giảm giá khuyến mãi để thu hút khách hàng. Biên lợi nhuận gộp giảm từ 22% quý 1/2022 xuống 19% quý 1/2023, trong khi chi phí hoạt động mặc dù đã giảm đáng kể nhưng mức giảm chi phí không tương ứng với sự sụt giảm doanh thu do một số chi phí cố định, dẫn đến tác động mạnh lên lợi nhuận ròng.

Thêm nữa, doanh thu và lợi nhuận trong quý này sụt giảm đáng kể so sánh với nền cơ sở rất cao trong quý 1/2022 khi nhu cầu mua sắm tăng mạnh do bị dồn nén sau dịch Covid.

Ngoài ra, chi phí phát sinh một lần từ việc đóng cửa hàng tại Campuchia, việc dọn dẹp hoạt động kinh doanh về cơ bản đã hoàn tất trong quý 1/2023.

Mặc dù vậy, công ty đang có tiền ròng (tổng tiền, các khoản tương đương tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn - tổng nợ vay) hơn 2.500 tỷ đồng. Số dư tiền rộng dương tại cuối quý 1/2023 sau nhiều năm hoạt động là nền tảng vững chắc tạo điều kiện cho công ty đầu tư vào các sản phẩm mới, hàng hóa bán chạy và các chương trình thúc đẩy bán hàng hấp dẫn để phục vụ người tiêu dùng tốt hơn. Ngoài ra, công ty cũng có dư địa kiểm soát chi phí tài chính hiệu quả hơn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại