Chuyện chưa kể về gia tộc giàu nhất châu Á và cuộc chiến 'huynh đệ tương tàn' kéo dài suốt một thập kỷ khiến cả nền kinh tế Ấn Độ lao đao

Hà My |

Để xây dựng nên đế chế Reliance khổng lồ và thành công như ngày hôm nay, ít ai biết rằng ông Mukesh Ambani đã phải trải qua gần một thập kỷ đối đầu với chính người em trai ruột của mình sau khi cha ông - Dhirubhai Ambani qua đời mà không để lại di chúc.

Đối với người dân Ấn Độ, thật khó để trải qua một ngày mà không sử dụng đến dịch vụ của gia tộc Ambani – từ xăng dầu, ti vi, điện thoại đến đọc báo hay đi siêu thị. Gia tộc Ambani sở hữu tập đoàn Reliance Industry – một trong những công ty giá trị nhất Ấn Độ. Điều này cũng giúp cho ông chủ của Reliance – tỷ phú Mukesh Ambani trở thành người giàu nhất Ấn Độ với khối tài sản trị giá 79 tỷ USD (theo ước tính của Forbes đến tháng 7 năm 2020).

Tuy nhiên, để xây dựng được đế chế Reliance khổng lồ và thành công như ngày hôm nay, ít ai biết rằng ông Mukesh Ambani đã phải trải qua gần một thập kỷ đối đầu với chính người em trai ruột của mình sau khi cha ông - Dhirubhai Ambani, qua đời mà không để lại di chúc.

Sóng gió bắt đầu sau sự ra đi đột ngột của người cha

Là một cựu nhân viên trạm xăng tại một thị trấn hẻo lánh thuộc bang Gujarat, phía tây Ấn Độ, vào đầu những năm 1970 ông Dhirubhai Ambani nhanh chóng phát hiện ra một khoảng trống trong thị trường tiêu dùng. Khi đó, ngành cung cấp nylon, polyester và các vật liệu tổng hợp khác vẫn còn mới lạ ở Ấn Độ.

Nhờ tài nhạy bén trong kinh doanh, năm 1973, ông Dhirubhai đã thành lập công ty Reliance với mô hình sản xuất sợi, sau đó sản xuất các tiền chất hóa học và tinh chế dầu được sử dụng trong sản xuất công nghiệp. Vào cuối những năm 1980, công ty của ông đã chiếm ưu thế trên thị trường và trở thành một trong những nhà sản xuất độc quyền về một loạt các hóa dầu quan trọng.

Dhirubhai nuôi dạy hai người con trai là Mukesh sinh năm 1957 và Anil sinh năm 1959 rất nghiêm khắc. Vào cuối tuần, Anil cho biết, ông Dhirubhai sẽ dẫn hai anh em đi dã ngoại, có những chuyến đi bộ dài 10km dưới mưa và phần thưởng là một hộp xoài. Nhưng để trừng phạt các cậu bé khi có hành động không đúng, ông Dhirubhai đã từng giam cầm họ trong 2 ngày ở nhà để xe.

Khi cả hai bước vào độ tuổi đôi mươi, họ bắt đầu đảm nhận những vai trò nổi bật trong công ty gia đình. Mukesh là người quản lý các cơ sở, bao gồm nhà máy polyester trong nước và Anil là giám đốc điều hành mảng pháp chế, đối tác, và báo chí.

Năm 2001, Reliance trở thành tập đoàn lớn nhất Ấn Độ và bất kì căng thẳng nào giữa huynh đệ nhà Ambani đều được giấu kín. Tuy nhiên, năm 2002, ông Dhirubhai đột ngột qua đời vì đột quỵ ở tuổi 69 tuổi và không để lại bất kì di chúc nào.

Chuyện chưa kể về gia tộc giàu nhất châu Á và cuộc chiến huynh đệ tương tàn kéo dài suốt một thập kỷ khiến cả nền kinh tế Ấn Độ lao đao - Ảnh 1.

Kể từ đó, mối quan hệ giữa Mukesh và Anil bắt đầu trở nên căng thẳng. Cả hai lao vào tranh giành gia tài mà người cha để lại. Cuộc chiến này đạt được thoả thuận đầu tiên vào năm 2005 khi bà Kokilaben Ambani, mẹ của Mukesh và Anil quyết định đứng ra can thiệp.

Khi đó, Tập đoàn Reliance được chia thành 2, Mukesh sẽ điều hành các doanh nghiệp lọc hóa dầu, khai khoáng còn Anil sẽ sở hữu dịch vụ tài chính, sản xuất điện và viễn thông. Sau quyết định chia tách, các cổ đông của Tập đoàn Reliance cũng bị phân chia và khiến nhiều người tỏ ra "bất mãn" vì cho rằng đây là tranh chấp gia đình chứ không nên chia tách doanh nghiệp.

Cuộc chiến "huynh đệ tương tàn" khiến Ấn Độ lao đao

Mặc dù đã chia đôi tài sản nhưng mối quan hệ của hai anh em nhà Ambani vẫn không ngừng căng thẳng. Những cạnh tranh gay gắt trong kinh doanh khiến cho mối quan hệ của hai anh em trở nên thù địch.

Tháng 11 năm 2006, Anil Ambani – người nắm quyền kiểm soát Reliance Group đã công khai đặt dấu hỏi chấm về các điều khoản của thoả thuận cung cấp khí đốt được ký kết giữa công ty Reliance Industries Ltd của Mukesh và Reliance Natural Resources Ltd của Anil tại thời điểm chia tách.

Theo đó, công ty thăm dò của Mukesh được cho là sẽ bán khí đốt cho công ty điện lực của Anil với mức giá thấp hơn so với thoả thuận ban đầu. Khi Chính phủ chấp nhận thoả thuận này, Anil nghi ngờ rằng anh trai mình đã bí mật "đi đêm" với Chính phủ để có được thoả thuận.

Năm 2008, Anil tiếp tục kiện anh trai mình ra tòa vì tội phỉ báng sau khi ông Mukesh chỉ trích em trai trên tờ New York Times. Theo đó, ông Mukesh đã trả lời phỏng vấn trên New York Times về một "cơ quan tình báo" bao gồm các nhà vận động hành lang và gián điệp thu thập thông tin lớn nhất Ấn Độ dưới sự chỉ đạo của Anil. Anil đâm đơn kiện và đòi anh trai "bồi thường danh dự" 2,12 tỷ USD.

Tháng 6 năm 2008, Anil nghi ngờ công ty của mình đánh mất hợp đồng do có "bàn tay" của Mukesh sắp đặt. Tuy nhiên, Mukesh phản pháo rằng "Anil mất hợp đồng là do số liệu của công ty trên thị trường chứng khoán không thực sự tốt".

Mùa hè năm 2009, Anil Ambani gửi thư cho Thủ tướng Ấn Độ, trong đó có đoạn nói rằng "Việc cắt điện trên diện rộng, đặc biệt ở phía Bắc Ấn Độ đã trở nên phổ biến và gây khó khăn cho hàng trăm triệu người tiêu dùng. Và nguyên nhân của điều này thật đáng buồn, chúng xuất phát từ long tham của công ty Reliance Industries dưới sự điều hành của Mukesh Ambani".

Cũng trong năm 2009, Anil Ambani thoát chết trong một vụ ám sát trên phi cơ riêng. Sau đó, tập đoàn của ông đệ đơn kiện nói rằng cuộc sống của Anil "đang bị đe doạ". Tuy nhiên, đơn kiện không đề cập đến mối thù "huynh đệ nhà Ambani".

Đến tháng 8 năm 2009, công ty Reliance Natural Resources Ltd của Anil Ambani đăng quảng cáo trên The Times of India và 32 tờ báo khác của Ấn Độ với nội dung: Chính phủ Ấn Độ đã đứng về phía công ty của Mukesh để tăng giá khí đốt trên lưu vực sông Krishna Godavari. Không những thế, nội dung quảng cáo còn tuyên bố Reliance Industries sẽ thu được lợi nhuận khổng lồ và hóa đơn tiền điện sẽ tăng 50%.

Trước những cuộc kiện cáo và cạnh tranh không hồi kết giữa hai anh em nhà Ambani, Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Pranab Mukherjee buộc phải tuyên bố cuộc chiến "huynh đệ" đã ảnh hưởng đến "an ninh quốc gia" và kêu gọi anh em nhà Ambani giải quyết tranh chấp một cách riêng tư bởi ông lo sợ những cuộc tranh đấu và kiện cáo sẽ ảnh hưởng xấu tới thị trường và nền kinh tế Ấn Độ. Tuy nhiên, đến tháng 10 năm 2009, hai anh em nhà Ambani tiếp tục lôi nhau ra toà vì vấn đề tranh chấp khí đốt.

Năm 2010, một lần nữa, ông Anil và ông Mukesh lại kiện nhau ra Tòa án Tối cao Ấn Độ. Lần này toà án tối cao đã đưa ra phán quyết đứng về phía Mukesh và tuyên bố rằng Reliance Industries có thể bán khí đốt cho công ty tài nguyên thiên nhiên của Anil Ambani với giá cao hơn giá đã thoả thuận trong "hiệp ước gia đình năm 2005".

Thời điểm đó, hai anh em nhà Ambani sống ngay cạnh nhau trong một khu phố cao cấp ở phía Nam Mumbai nhưng lại hiếm khi gặp mặt hay nói chuyện với nhau.

"Không có bất cứ cuộc trò chuyện nào, họ chọn cuộc sống của ai người nấy biết. Thi thoảng, tôi thấy họ buộc phải bắt tay nhau, nhưng không ai nhìn mặt ai cả", một người láng giềng của nhà Ambani chia sẻ.

Trước bối cảnh đó, bà Kokilaben – mẹ của hai anh em, lại phải đứng ra giải quyết căng thẳng và đưa ra những điều khoản không cạnh tranh giữa hai con trai.

Chuyện chưa kể về gia tộc giàu nhất châu Á và cuộc chiến huynh đệ tương tàn kéo dài suốt một thập kỷ khiến cả nền kinh tế Ấn Độ lao đao - Ảnh 2.

Đến tháng 6 năm 2010, phát ngôn viên của Anil Ambani tuyên bố rút đơn kiện ông Mukesh và không đòi bồi thường 2,12 tỷ USD vì tội "phỉ báng danh dự".

Kể từ khi đế chế Ambani bị chia cắt và cuộc chiến "huynh đệ tương tàn" gần đến hồi kết, ông Mukesh – người vốn luôn được ca tụng bởi sự giản dị và khiêm tốn, đã xây dựng một toà nhà 27 tầng đặt tên là Antilla. Toà nhà này có bãi đậu xe đủ cho 300 người và sân bay trực thăng.

Sau tất cả, đến tháng 8 năm 2010, Anil Ambani tuyên bố rằng cuộc chiến giữa mình và anh trai đã được giải quyết. "Chúng tôi đã đạt được một thoả thuận quan trọng và các nhà đầu tư không cần phải lo lắng quá nhiều. Đây không phải là một cuộc chiến, chỉ là vấn đề cần giải quyết và cuối cùng chúng tôi đã tìm ra giải pháp thoả đáng. Chúng tôi sẽ có một khởi đầu mới và đều đang tiến về phía trước. Tôi tin chắc rằng Mukesh sẽ làm tốt".

Thành công của Mukesh Ambani

Trong 13 năm qua, Mukesh Ambani bắt đầu các dự án mới như Reliance Retail và Reliance Jio và mở rộng hoạt động kinh doanh dầu khí cốt lõi của mình dưới Reliance Industries, tạo ra gần 6 tỷ đô la lợi nhuận ròng hàng năm. Trong khi đó, Anil Ambani đã mất tiền trong liên doanh viễn thông của mình và mở rộng sang các doanh nghiệp không liên quan như cơ sở hạ tầng và sản xuất quốc phòng khiến các công ty của ông mắc nợ lớn và gặp khó khăn trong việc xử lý nợ, dẫn đến sụp đổ nhiều công ty con.

Năm 2010, khi giá dầu thô trên thế giới tăng lên khiến mảng lợi nhuận từ lọc dầu mà ông Mukesh Ambani đang nắm giữ bị sụt giảm nghiêm trọng. Lúc này, lĩnh vực mà ông đang để mắt đến là viễn thông, một mảng mà người em Anil Ambani của ông đang nắm giữ.

Ngay lập tức, anh em nhà Ambani trở thành đối thủ trên thương trường. Ông Mukesh mở rộng kinh doanh và tấn công vào lĩnh vực mà em trai đang nắm giữ. Tại thời điểm đó, chỉ có khoảng một nửa dân số Ấn Độ có điện thoại di động. Điều này cho thấy có một lượng lớn khách hàng tiềm năng trong tương lai.

Năm 2016, Reliance đã tiết lộ rằng Jio là một nhà khai thác viễn thông di động hứa hẹn mức giá rẻ hơn nhiều so với các đối thủ cạnh tranh khác. Trong một cuộc phỏng vấn, ông Mukesh nói rằng Internet di động sẽ là công nghệ đi đầu trong sự phát triển của con người. Ông cảm thấy may mắn khi là người mang lại cuộc cách mạng di động cho 1,2 tỷ dân Ấn Độ.

Thành công từ Jio của Mukesh đã truyền cảm hứng cho nhiều người. Với Jio, ông Mukesh khao khát sẽ thống trị thị trường không dây siêu cạnh tranh của Ấn Độ. Ông tin rằng mình có thể làm được điều đó bằng cách biến hàng trăm triệu người nghèo trở thành khách hàng của mình. Với số tiền vốn khổng lồ, dịch vụ của Jio hoàn toàn miễn phí, được cung cấp dưới dạng thử nghiệm beta mở rộng tới 3 triệu khách hàng.

Chiến lược kinh doanh của Mukesh đã khiến cho số phận của người em Anil bị sụp đổ hoàn toàn. Năm 2019, Raliance Communications, công ty của Anil Ambani đã nộp đơn xin phá sản. Trong khi đó, số tài sản của ông Mukesh không ngừng tăng lên và năm 2019, ông trở thành tỷ phú giàu nhất Châu Á với khối tài sản hơn 50 tỷ USD.

Căng thẳng được hóa giải sau gần 20 năm

Những ngày đầu năm 2019, phòng số 6 trong tòa nhà của Tòa án Tối cao New Delhi chật cứng người. Đám đông ở đó chứng kiến Anil, người đã không còn là tỷ phú, được triệu tập để trả lời những cáo buộc hình sự với khoản nợ trị giá 80 triệu đô la.

Vài tháng sau đó với các cuộc đàm phán và Anil gần như bị tống giam, ông và Mukesh đã đạt được thỏa thuận. Trong một thông cáo báo chí, Anil cảm ơn anh trai mình đã đứng ra trả cho ông khoản nợ 80 triệu đô la.

Trong phần lớn sự nghiệp của mình, Mukesh thường tránh các nhiếp ảnh gia và tham gia những cuộc phỏng vấn truyền thông một cách miễn cưỡng, đầy lo lắng. Bây giờ, ông đã sẵn sàng đứng ra quảng bá cho Jio, tham gia hội thảo thường xuyên tại các sự kiện như Diễn đàn kinh tế thế giới và Sáng kiến đầu tư tương lai. Ông và vợ Nita cũng thường tổ chức các sự kiện lớn tại Antilia, biệt thự 27 tầng của gia đình ở một quận lớn nhất thủ đô.

Anil, ngược lại, đã gần như ở ẩn. Giờ đây, ông bắt đầu một buổi sáng với một chuyến chạy bộ 10 dặm. Mỗi ngày ông cầu nguyện tại đền thờ Hindu cùng mẹ và nói với bạn bè rằng giờ đây ông thấy rằng thành công vật chất rỗng tuếch so với sự thỏa mãn tinh thần. Mặc dù vậy, Anil vẫn cố gắng xoay chuyển mọi thứ, làm việc 14 giờ mỗi ngày để giải cứu các công ty của mình và bảo vệ số tài sản còn lại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại