Chuyện cháu bé kéo đàn bị hỏi giấy phép: Âm nhạc và pháp luật

Tứ Anh |

Chúng ta sống trong 1 xã hội có pháp luật, trong một xã hội thèm được đi vào khuôn khổ của pháp luật, trong một quốc gia có hiến pháp.

Tiếng vĩ cầm Bờ Hồ, câu chuyện xoay chiều một cách chóng mặt. Con người ta bị xô rất nhanh từ cảm tính sang lý tính, và khi xuất hiện lời xin lỗi của phụ huynh cậu bé kéo vĩ cầm 15 tuổi, công khai trên facebook, gửi tới những cán bộ trong đoàn kiểm tra liên ngành, nhiều người mới chợt nhận ra mình vội vã đến mức nào.

Song, nói chuyện đúng-sai, nói về thái độ của các bên là câu chuyện quá cũ. Tôi chỉ nghĩ đến một nhận xét của một người anh đồng nghiệp khi nói về câu chuyện này. Anh ấy nói, ngắn gọn "âm nhạc bị tổn thương". Tôi thì không cho như vậy. Âm nhạc chẳng có gì phải tổn thương cả. Còn những người yêu âm nhạc, thích chơi nhạc có thể chạnh lòng thì đó cũng là lẽ thường.

Sau sự vụ, nhiều facebookers lặng lẽ tải lên trang cá nhân của mình hình ảnh của những người chơi nhạc trên các tuyến phố du lịch ở châu Âu. Họ có thông điệp không? Có chứ. 

Và bản thân tôi, sau những lần đắm đuối với vẻ đẹp châu Âu, cũng vẫn còn lưu giữ đây video những người nghệ sỹ chơi nhạc ở nhà ga xe điện ngầm, ở quảng trường, ở con phố gần nhà chị tại Place d’Italie, Paris, ở quán Galerie D’Art trên con đường lên đồi Montmartre… 

Nhưng tôi hồi tưởng lại không để luận giải tình-lý trong câu chuyện vĩ cầm Bờ Hồ, mà để nghĩ về những thứ sau nó rất xa.

Chuyện cháu bé kéo đàn bị hỏi giấy phép: Âm nhạc và pháp luật - Ảnh 1.

Nghệ sĩ đường phố ở nước ngoài.

Âm nhạc có trước hay pháp luật có trước. Chúng ta dám khẳng định, âm nhạc có trước. Đó là âm nhạc của tự nhiên, của chim chóc, của suối sông, của biển, của gió và của rừng. Thứ âm nhạc ấy không tồn tại dưới bất kỳ một thứ pháp luật nào mà nó chỉ tuân thủ 1 thứ duy nhất: Quy luật của tự nhiên.

Rồi từ sự mô phỏng, tưởng tượng, bay bổng, âm nhạc của con người được niêm luật lại, thành nhạc lý, một thứ "luật" để người trình diễn âm nhạc đưa ra một thứ thang âm phù hợp với chính sinh lý của người nghe cũng như chính mình. Ngược sinh lý, thứ âm nhạc ấy rất khó được hấp thụ, và cực khó được trình tấu.

Cái luật riêng của âm nhạc đó vẫn chưa phải là luật mà chúng ta muốn nhắc tới. 

Nhưng cũng đã có mâu thuẫn từ đó nảy sinh. Triết gia Immanuel Kant từng viết, trong cuốn Critique of Judgment rằng "Ngay cả những bài ca của chim chóc, thứ mà chúng ta không thể áp đặt nó vào bất kỳ niêm luật nhạc lý nào, dường như cũng chứa đựng nhiều tính tự do, nhiều màu sắc, hơn là những ca khúc của con người, thứ được viết dưới 1 niêm luật nhạc lý chặt chẽ. 

Đơn giản, chúng ta dễ cảm thấy mệt mỏi, chán nản với những gì thường lặp đi lặp lại và kéo dài".

Không nhiều nhưng cũng chẳng phải ít người biết rằng, âm nhạc và triết học, toán học, vật lý học gần nhau thế nào. Note La 4 mẫu đầu tiên, với tần số đo được khoảng 432 Hz, đã được định ra từ cổ đại, bởi một người không phải nhạc sỹ. Người ấy là Pythagoras.

Note La 4 mẫu sau này được điều chỉnh nhiều và gần đây nhất, nó được quy ước ở tần số 442Hz, sau một thời gian rất dài quy ước ở 440Hz. Thậm chí, bây giờ, người ta vẫn dùng 440 Hz như chuẩn và chỉ số ít người sử dụng tần số 442 Hz. 

Tranh cãi giữa hai quan điểm vẫn có, nhưng không phải để đạt đến cái mục tiêu là "cái nào chuẩn hơn" mà chỉ nhằm chứng minh ở tần số nào thì hợp với ngưỡng nghe của con người hơn mà thôi.

Điều đó chứng tỏ, âm nhạc cũng chỉ là âm thanh và nó phải làm cho người nghe không cảm thấy mệt, không làm cho người nghe cảm thấy mình bị cưỡng bức phải nghe thứ không hợp nhĩ với mình. Thế nên, Immanuel Kant mới đánh giá rằng trong các loại hình nghệ thuật, âm nhạc là hạ cấp nhất.

Kant không hạ thấp âm nhạc, mà ông đề cao tính người, tính dân chủ của một xã hội. Sẽ ra sao nếu bạn không thích nhạc sến mà người ngồi cạnh bạn cứ mở oang oang ra loa ngoài điện thoại miệt mài hết bản nhạc sến này qua bản nhạc sến khác. 

Ngược lại, bạn có xấu hổ không khi bạn phá vỡ không gian yên tĩnh của người khác bằng cách mở lớn những bản rock mạnh mẽ mà bạn thích để rồi nhận về ánh mắt khó chịu của những người xung quanh?

Chuyện cháu bé kéo đàn bị hỏi giấy phép: Âm nhạc và pháp luật - Ảnh 2.

Câu chuyện cháu bé bị hỏi giấy phép ở phố đi bộ gây nhiêu tranh luận trong thời gian qua.

Thế nên, trải theo lịch sử loài người, âm nhạc từ chỗ của những tay hát rong, qua đến âm nhạc trong khán phòng, bắt đầu tồn tại những quy định pháp luật để âm nhạc lúc nào thì vang lên, ở đâu thì vang lên và cái gì thì nên vang lên. 

Đó không phải là vấn đề về kiểm duyệt. Đó là câu chuyện của bất kỳ xã hội nào nhằm hướng tới sự công bằng nhờ công cụ pháp luật. Người này tận hưởng âm nhạc ư? Đó là quyền lợi. Nhưng hãy lưu ý đến quyền lợi của những người khác, đó là không muốn bị làm phiền.

Và đó cũng là điều mà chúng ta cần nghĩ tới sau câu chuyện vĩ cầm Bờ Hồ. Chúng ta sống trong 1 xã hội có pháp luật, trong một xã hội thèm được đi vào khuôn khổ của pháp luật, trong một quốc gia có hiến pháp. 

Vậy thì chơi nhạc cũng cần phải tuân thủ theo pháp luật, quy định và cả những thoả ước ngầm rất văn minh giữa người với người.

Trước âm nhạc, chúng ta có thể cảm tính nhưng thực hành âm nhạc, chúng ta cần lý tính nữa. Pháp luật được sinh ra để xã hội không trở nên hỗn loạn và chúng ta thì thường dựa vào cảm tính để tạo ra hỗn loạn một cách rất vô tình.

Và chúng ta càng cảm tính hơn khi người kéo vĩ cầm là một đứa trẻ. Hãy tự hào khi con mình nhắc mình "bố sai, bố vượt đèn đỏ" chứ đừng tự hào khi con mình "có tài mà cậy tài để vi phạm pháp luật một cách hồn nhiên".

"Nếu bạn trừng phạt một đứa trẻ vì nó hư và tưởng thưởng cho nó vì nó làm việc đúng đắn, nó sẽ có xu hướng làm việc đúng đắn để lĩnh thưởng. 

Nhưng rồi khi đứa trẻ ấy ra đời, và nó nhận ra rằng làm điều đúng đắn không hẳn sẽ có thưởng, làm việc xấu xa không hẳn sẽ bị trừng phạt, nó sẽ có xu hướng làm việc bất chấp đúng-sai mà chỉ cần việc ấy có lợi cho chính mình".

Đó là một câu rất nổi tiếng của Immanuel Kant. Và cậu bé 15 tuổi kéo vĩ cầm Bờ Hồ kia là một điển hình để chúng nhìn vào hiện tại và tương lai mà hành động. Đừng để trẻ con lớn lên với tâm thế đúng sai không cần biết, chỉ cần biết được việc mình.

Nên nhớ, tất cả chúng ta, không một ai có quyền đặt mình trên pháp luật cả. Âm nhạc của loài người cứ bay bổng thoải mái, nhưng nó cũng thể vượt qua niêm luật của chính nó. Đơn giản, vì chúng ta không phải chim chóc, không phải côn trùng rả rích, không phải muông thú với thứ "âm nhạc" tự do của riêng chúng. Chúng ta là con người.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại