Chuyện “bếp núc” đường băng

HOÀNG HÀ-PHÚC THẮNG |

Nói đến Bộ đội Không quân, hẳn nhiều người sẽ hình dung ngay đến những chàng phi công cao to, đẹp trai hay những chiếc máy bay chiến đấu hiện đại ngang dọc bầu trời. Vậy nhưng, để mỗi chiếc máy bay có thể vút lên từ đường băng, đòi hỏi phải có sự nỗ lực cố gắng của rất nhiều thành phần khác nhau. Những việc làm thầm lặng của họ đôi khi được gọi vui là chuyện “bếp núc” đường băng…

Dọn đường lên… trời

Trung tuần tháng tư, gió mùa vẫn tràn về, kèm theo những trận mưa phùn khiến cỏ bên đường băng sân bay Kép thêm mơn mởn, tạo cơ hội cho ốc sên sinh trưởng và phát triển. Tưởng như chẳng có sự liên quan giữa ốc sên với hoạt động của "hổ mang chúa" SU-30MK2, nhưng sự thật lại không phải vậy.

Trên đường băng thênh thang rộng tới hơn 40m, được thiết kế 10 ô vuông chiều ngang, 10 chiến sĩ thuộc Trung đội công binh, Đại đội 21 (Tiểu đoàn Hậu cần, Trung đoàn 927, Sư đoàn 371, Quân chủng Phòng không-Không quân) dàn hàng ngang.

Phía bên kia là đường lăn, 3 chiến sĩ cũng xếp thành hàng ngang. Tất cả đều "hành tiến" từ đầu đông về đầu tây sân bay, với nhiệm vụ làm sạch đường băng, đường lăn, sân đỗ, bảo đảm cho những chiếc tiêm kích đa năng SU-30MK2 cất cánh an toàn. Nhiệm vụ thường nhật này được ví von là công việc "dọn đường lên trời".

Sau trận mưa phùn rả rích kéo dài từ đêm sang buổi sáng, các chiến sĩ công binh đặc biệt chú ý thu gom những con sên bò lổm ngổm trên đường băng. Bởi khi máy bay cất cánh, sên rất dễ bị hút vào khoang động cơ gây hỏng hóc máy bay, thậm chí có thể ảnh hưởng đến an toàn bay.

Đại úy Vũ Tiến Thành, Chính trị viên Đại đội 21 chia sẻ: "Có ngày lực lượng vệ sinh sân đường thu gom được hàng trăm con sên trên suốt chiều dài hơn 2.000m đường băng.

Nhiều loài vật khác như chim, chuột cũng có thể mang các vật ngoại lai vào đường băng, đường lăn, sân đỗ, nếu không được vệ sinh kịp thời, sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động bay của đơn vị".

Theo quy định, nhiệm vụ bảo quản, sửa chữa và kiểm tra kỹ thuật sân bay luôn được tiến hành trước ngày bay; trước, trong và sau khi bay. Trong đó, việc quét dọn, thu nhặt các loại đá, sỏi, sắt, thép và những vật ngoại lai khác trên đường băng, đường lăn, sân đỗ luôn được quan tâm chú ý.

Thượng úy Lại Đức Tùng, Đại đội trưởng Đại đội 21 cho biết thêm:

Việc kiểm tra phải được tiến hành thường xuyên, liên tục bởi có thể đường băng, đường lăn, sân đỗ vừa được vệ sinh sạch sẽ, nhưng khi các loại xe đặc chủng hoạt động, có thể phát sinh bụi, bẩn, buộc cán bộ, chiến sĩ công binh phải vệ sinh lại, thậm chí phải sử dụng vật liệu để khắc phục ngay, rồi nhanh chóng giải phóng đường băng để tiếp tục phục vụ hoạt động bay.

Lao động ngoài trời với cường độ cao, hoàn toàn bằng phương pháp thủ công nên đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm cao của những người "dọn đường lên trời". Có những ngày tổ chức bay sớm, cán bộ, chiến sĩ công binh phải đi kiểm tra, vệ sinh đường băng từ 4 giờ sáng.

Ngày nắng nóng, nhiệt độ ngoài trời "cộng hưởng" với nhiệt tỏa ra từ đường băng khiến công việc của các anh càng thêm vất vả.

Về Trung đoàn 927 lần này, chúng tôi được nghe câu chuyện cảm động của các chiến sĩ Cấn Văn Đạt và Bùi Văn Cầu. Mùa nắng nóng năm 2017, trong quá trình vệ sinh đường băng, hai chiến sĩ này đã bị ngất xỉu do nắng nóng.

Được đồng đội đưa vào chỗ mát tiến hành các biện pháp hồi sức, khi tỉnh lại, dù được cho phép về đơn vị nghỉ song Đạt và Cầu vẫn hăng hái trở lại đường băng tiếp tục thực hiện nhiệm vụ. Có lẽ, quyết tâm ấy xuất phát từ trách nhiệm, tình cảm của các chiến sĩ đối với con đường thân thuộc - "đường lên bầu trời" …

Những "quả dù" giảm tốc

Hôm nay, Trung đoàn 927 tổ chức ban bay ngày khí tượng phức tạp. Sau một chuyến bay chặn kích trong giờ thứ hai của ban bay, các phi công điều khiển "hổ mang chúa" SU-30MK2 về hạ cánh. Sau khi tiếp đất, từ phía đuôi máy bay, 2 vòm dù bật ra căng tròn.

Tốc độ máy bay nhanh chóng giảm nhờ lực cản của dù đuôi. Ngay sau khi phi công tiến hành ngắt dù đuôi, hai nhân viên của Tổ Dù (Tiểu đoàn Kỹ thuật hàng không) nhanh chóng cơ động lên đường băng, thu gọn và sơ bộ gấp dù đưa về vị trí quy định để giải phóng đường băng cho chiếc máy bay tiếp theo về hạ cánh.

Chuyện “bếp núc” đường băng - Ảnh 1.

Nhân viên Tổ Dù thu gom dù đuôi trong ban bay

Trời không nắng nóng song mồ hôi vẫn lăn thành dòng trên khuôn mặt của Đại úy QNCN Nguyễn Văn Sự, người đã có tới 27 năm thâm niên trong nghề và Thiếu úy QNCN Đặng Minh Lợi, mới "nhập môn" năm 2017.

Khi được hỏi về nỗi vất vả của nghề thu gom dù đuôi ngoài đường băng, các anh đều cười hiền và chia sẻ rằng, vì hoạt động diễn ra ngoài trời nên mùa hè thì nắng nóng, mùa đông thì gió rét, trong khi tiếng ồn động cơ máy bay rất lớn.

Vậy nhưng, đó cũng là nỗi vất vả chung của bao đồng đội khác đang hoạt động ngoài sân bay. Vì vậy ai cũng tâm niệm phải luôn cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ trên từng cương vị, chức trách được giao.

Khu vực làm việc của Tổ Dù được bố trí liên hoàn các gian nhà: Hong phơi dù; gấp ép dù; kho bảo quản tạm thời. Trong gian hong phơi dù, những bóng đèn sợi đốt công suất lớn được thắp sáng trưng. Vòm dù được kéo cao lên phía trần nhà.

Thiếu tá QNCN Nguyễn Thành Lưu, Tổ trưởng Tổ Dù chia sẻ: Thời điểm này, độ ẩm không khí cao nên sau khi được thu về từ đường băng, dù được đưa vào hong khô. Vào mùa hè, dù bị nóng bởi nhiệt độ ngoài trời và nhiệt độ động cơ máy bay phả vào nên khi đưa về đây sẽ phải làm mát dù.

Sau khi kết thúc công đoạn hong khô, dù được đưa vào gấp theo nguyên tắc hai nhân viên gấp, dưới sự giám sát, kiểm tra của Tổ trưởng Tổ Dù, rồi đưa vào máy ép thủy lực. Thời gian ép không quá 5 phút, lực ép không quá 50kg nhằm bảo đảm cho dù không bị dính khi bung khỏi khoang dù đuôi máy bay.

Sau khi ép xong, những quả dù được đưa sang phòng cất giữ, sẵn sàng "hành trình" ra đường băng để phục vụ các chuyến bay. Những tuần đơn vị tổ chức bay nhiều, với số lần chuyến trong một ban bay lớn thì chuyện gấp, ép dù vào buổi tối là "chuyện thường ngày" ở Tổ Dù.

Tổ trưởng Nguyễn Thành Lưu cho biết thêm: "Nếu dù đã được lắp vào đuôi máy bay, sau một tháng không sử dụng sẽ phải đưa ra gấp ép lại. Với dù được cất giữ trong kho thì thời gian phải gấp ép lại là 3 tháng".

Nhờ chấp hành nghiêm những quy định, quy trình mang tính chuẩn mực như vậy nên những quả dù đuôi "xuất xưởng" từ Tổ Dù đều phát huy tốt tính năng, tác dụng hãm đà máy bay, góp phần làm nên những chuyến bay an toàn, hiệu quả…

Chuyện người "đo gió, xem mây"

Trên đài chỉ huy bay, có một người luôn chăm chú quan sát tình hình mây, gió trên khu vực sân bay; lắng nghe thông báo khí tượng từ các phi công đang hoạt động trên các không vực, đường dài; đồng thời thu thập thông tin về tình hình khí tượng tại các sân bay dự bị, để sẵn sàng tham mưu kịp thời với chỉ huy bay là Thượng tá, phi công cấp 1 Nguyễn Thế Huỳnh, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 927.

Người đang làm công việc "đo gió, xem mây" ấy là Trung tá QNCN Trần Văn Chung, Trạm trưởng Trạm Dự báo khí tượng Trung đoàn 927.

Ở các đơn vị không quân, hoạt động bay chịu tác động, chi phối mạnh mẽ, trực tiếp bởi điều kiện khí tượng. Nếu dự báo tình hình khí tượng không chính xác có thể sẽ dẫn đến bỏ lỡ thời cơ bay, hoặc cũng có thể khiến đơn vị phải dừng bay giữa chừng do thời tiết chuyển xấu đột ngột. 

Thế nên, để tham mưu, giúp người chỉ huy hạ quyết tâm tổ chức bay chính xác, an toàn, hiệu quả, đòi hỏi sự nỗ lực, cố gắng cao độ của đội ngũ cán bộ, nhân viên ngành khí tượng hàng không.

Luôn nhận thức được rằng, thời tiết khí hậu ngày càng diễn biến bất thường, nên cùng với tăng cường trau dồi kiến thức chuyên môn nghiệp vụ thì những người "đo gió, xem mây" ở Trung đoàn 927 luôn tích cực trao đổi, truyền thụ kinh nghiệm giữa các thế hệ để cùng nhau nắm chắc đặc điểm và quy luật khí tượng theo mùa tại sân bay, làm cơ sở để phán đoán, dự báo sát, đúng xu hướng diễn biến khí tượng trong mỗi tuần bay, ban bay.

Nếu trước đây, việc nắm khí tượng chỉ bằng kinh nghiệm hay qua cách quan sát mắt, mở ra-đa theo dõi, hoặc nắm thông tin từ các sân bay bạn qua hệ thống thông tin liên lạc, thì nay nhờ tận dụng tối đa lợi thế mang lại từ internet, tình hình khí tượng được các anh thu thập từ rất nhiều nguồn, cả trong nước và quốc tế.

Nhờ đó, tính chính xác trong công tác dự báo khí tượng ngày càng được nâng cao. Trung tá QNCN Trần Văn Chung tự hào chia sẻ: "Kể từ khi máy bay SU-30MK2 được đưa vào khai thác đến nay, chưa có ban nào đơn vị phải dừng bay giữa chừng do phán đoán sai điều kiện khí tượng".

Sau ban bay ngày khí tượng phức tạp hoàn thành 100% kế hoạch, bảo đảm an toàn tuyệt đối, Thượng tá Nguyễn Thế Huỳnh chia sẻ:

"Để mỗi ban bay an toàn, thắng lợi, chúng tôi luôn động viên và phát huy cao độ tình cảm, quyết tâm, trách nhiệm của các lực lượng, thành phần trong đơn vị. Dù trực tiếp hay gián tiếp phục vụ hoạt động bay thì tất cả đều đã và đang góp phần giúp những cánh bay SU-30MK2 của đơn vị ngày một vững vàng hơn trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ bầu trời Tổ quốc".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại