Một người chưa rõ danh tính đã giành được chiếc vé đầu tiên cùng Jeff Bezos bay vào vũ trụ. (Ảnh minh họa)
Theo thông báo trên Twitter của công ty công nghệ vũ trụ Blue Origin mà vị tỷ phú Mỹ thành lập năm 2000, danh tính của người chiến thắng sẽ được công bố sau, nhưng nhiều khả năng đây là một tỷ phú siêu giàu cuồng không gian.
“Thành viên phi hành đoàn thứ 4 và cuối cùng sẽ được công bố, hãy chú ý theo dõi”, công ty Blue Origin tweet sau cuộc đấu giá.
Theo công ty, 7,6 nghìn người từ 159 quốc gia đã tham gia cuộc đấu giá cho chiếc vé trên tàu vũ trụ New Shepard.Đồng thời, sau cuộc đấu giá, những người trả giá cạnh tranh nhất sẽ được liên hệ để tham gia các chuyến bay trong tương lai.
Blue Origin cho biết mức giá khởi điểm được đưa ra là 4,8 triệu USD. Cuộc đấu giá đã kết thúc chỉ sau 7 phút với mức giá cuối cùng là 28 triệu USD. Như vậy, người chiến thắng sẽ trả 2,7 triệu USD mỗi phút cho chuyến bay vào vũ trụ kéo dài 11 phút.
Trong khi khoản đấu giá cho sự kiện sẽ được dùng làm từ thiện cho Câu lạc bộ vì Tương lai - quỹ do công ty Blue Origin tạo ra. Blue Origin cũng đặt kỳ vọng có thể kích thích sự hứng thú đối với mảng du lịch không gian sau buổi đấu giá trên.
Sứ mệnh của quỹ là truyền cảm hứng cho các thế hệ tương lai theo đuổi sự nghiệp trong lĩnh vực STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học) và giúp phát minh ra tương lai của cuộc sống trong vũ trụ.
Chuyến bay của người sáng lập Amazon vào vũ trụ dự kiến vào ngày 20/7 cũng là ngày kỷ niệm 52 năm ngày nhân loại hạ cánh xuống Mặt Trăng. Tỷ phú Mỹ cũng gọi đây là “cuộc phiêu lưu vĩ đại với người bạn thân nhất” và nói thêm rằng ông đã mơ về du hành vũ trụ từ khi mới 5 tuổi.
Ngoài ra, chuyến bay này sẽ đưa ông Bezos dẫn trước đối thủ của mình là tỷ phú Elon Musk, người sở hữu Công ty SpaceX nổi tiếng hơn nhưng chưa bao giờ du hành vũ trụ.
“Nhìn ngắm Trái đất từ không gian sẽ thay đổi bạn. Điều đó sẽ thay đổi quan hệ của bạn với hành tinh này, với loài người”, ông Bezos nói.
Được biết, cả SpaceX và Blue Origin đều hướng tới mục tiêu: giảm chi phí khám phá không gian bằng tên lửa đẩy có thể tái sử dụng. Điểm khác biệt lớn nhất có lẽ ở chỗ ông Musk biết cách biến đam mê thành cơ hội kiếm tiền, trong khi ông Bezos lấy tiền từ hoạt động kinh doanh khác để nuôi đam mê.
Trong khi SpaceX rầm rộ với các dự án tên lửa đẩy Falcon, Blue Origin hoạt động lặng lẽ đến khoảng năm 2003 và chỉ nổi lên năm 2015 khi bắt đầu thử nghiệm tàu vũ trụ New Shepard.
New Shephard đã thực hiện hơn chục chuyến bay thành công mà không có phi hành đoàn. Tàu có các cửa sổ lớn, công nghệ này được thiết kế để mang đến cho khách du lịch không gian tầm nhìn khó quên về độ cong của Trái đất, cũng như vài phút trong tình trạng không trọng lực.