Theo thông tin mới nhất được công bố bởi NASA, trực thăng Ingenuity sẽ thay đổi kế hoạch bay ban đầu, vốn dự kiến diễn ra vào hôm nay (12/4). Thay vào đó, lịch trình bay của Ingenuity sẽ diễn ra không sớm hơn ngày 14/4.
Được biết, Ingenuity đã tiến hành một cuộc kiểm tra tốc độ cao đối với các cánh quạt của nó vào thứ Sáu vừa qua. Tuy nhiên, cuộc thử nghiệm đã phải kết thúc sớm hơn dự định khi hệ thống giám sát của Ingenuity tự động dừng lại các chuỗi lệnh điều khiển (được gửi từ Trái Đất) do phát hiện một số trục trặc trong quá trình vận hành cánh quạt. Chính sự cố bất ngờ này khiến NASA phải dời lại lịch trình bay.
Theo NASA, nhóm vận hành Ingenuity khẳng định chiếc trực thăng vẫn hoạt động bình thường. Tuy nhiên, các thành viên của nhóm đang xem xét dữ liệu để xác định vấn đề khiến cuộc thử nghiệm ngừng hoạt động. Sau cuộc đánh giá này, việc kiểm tra tốc độ cao đối với cánh quạt của máy bay trực thăng sẽ được dời lại.
NASA đánh giá chuyến bay chưa từng có tiền lệ của Ingenuity gặp khá nhiều rủi ro và là một thử thách thực sự do mật độ khí quyển trên sao Hỏa quá loãng, chưa bằng 1% áp suất khí quyển của Trái Đất. Điều này có nghĩa Ingenuity sẽ phải quay cánh quạt với tốc độ nhanh hơn nhiều so với khi cất cánh trên Trái Đất.
Dù được gọi là trực thăng, Ingenuity có bề ngoài tương tự thiết bị bay không người lái cỡ nhỏ. Nó có 4 chân, phần thân có dạng hộp và 4 cánh quạt làm bằng sợi carbon được sắp xếp trên 2 trục quay theo hướng ngược nhau. Trực thăng được trang bị thêm 2 camera, các máy tính và cảm biến dò đường. Với trọng lượng khoảng 2 kg, trực thăng sao Hỏa của NASA ngốn tới 85 triệu USD để phát triển và chế tạo.
Giống như trường hợp của xe tự hành Perseverance, Ingenuity ở khoảng cách quá xa để các kỹ sư NASA có thể trực tiếp điều khiển từ Trái đất. Do vậy, nó được thiết kế để có thể tự bay. Các máy tính trên trực thăng sẽ phối hợp với các cảm biến và camera để duy trì trực thăng trên tuyến đường đã lập trình sẵn.
Nếu chuyến bay diễn ra thành công, chiếc trực thăng siêu nhỏ này có thể thu thập những dữ liệu quý giá trên Sao Hỏa, trong đó có việc chụp ảnh bề mặt và đường chân trời của Hành tinh Đỏ. Trong chuyến bay đầu tiên, Ingenuity sẽ bay với tốc độ khoảng 1m/s đến độ cao ba mét, lơ lửng ở đó trong 30 giây, sau đó hạ cánh trở lại bề mặt. Trong mỗi chuyến bay, Ingenuity sẽ chụp ảnh độ phân giải cao bề mặt của Sao Hỏa. Khoảng 5 chuyến bay với độ khó tăng dần đã được lên kế hoạch trong tháng này.
Chuyến bay của Ingenuity đã được chuẩn bị trong nhiều năm và được coi là một dấu mốc mới trên hành trình chinh phục không gian. Thậm chí, chuyến bay này còn được được ví như một khoảnh khắc quan trọng thứ hai trong lịch sử nhân loại, sau khoảnh khắc "anh em nhà Wright" (cha đẻ của máy bay) thực hiện chuyến bay đầu tiên.
Đáng chú ý, trong sứ mệnh lên hành tinh Đỏ lần này, Ingenuity mang theo một mảnh vải, vốn từng được sử dụng để phủ lên cánh của chiếc máy bay đầu tiên đồng hành cùng anh em nhà Wright vào năm 1903.