Vệt đỏ kì lạ trên áo dài và những chuyện đau đầu do chính thợ chụp kỷ yếu tiết lộ

Duy Nam |

Khách trả đồ, mùi hôi kinh khủng cùng những vết ố khó định nghĩa, hoa mắt mỗi lần chụp dưới cái nắng gắt... chỉ là 2 trong muôn vàn nỗi khổ mà dân chụp kỉ yếu phải trải qua.

Lúc gửi đi, đồ long lanh mới tinh, lúc trả về, bẩn không nhận ra 

Mới đây, trong một group đông thành viên trên Facebook, câu chuyện của chàng trai làm nghề chụp kỷ yếu bất ngờ gây chú ý.

"Ngành nghề gì cũng có nỗi khổ của nó. Mình chụp ảnh kỷ yếu và cho thuê áo dài. Còn đây là kết quả sau mỗi lần đi chụp ở tỉnh, khách trả đồ về. Lần thì đo đỏ màu hoa phượng, lần thì vàng nắng hạ. Có ai thẩm giúp mình xem kia là vết gì không?", Lê Đức Anh viết.

Vệt đỏ kì lạ trên áo dài và những chuyện đau đầu do chính thợ chụp kỷ yếu tiết lộ - Ảnh 1.

Bức ảnh Đức Anh đăng kèm bài viết.

Bài đăng của chàng trai nhận được nhiều dân mạng đồng cảm. Bên cạnh những ý kiến chỉ trích ý thức kém của các nữ sinh, số khác tò mò về những sự cố mà thợ chụp ký yếu gặp phải.

Đức Anh tâm sự là con trai, phải kiêm việc quản lý váy áo là một cực hình. 

"Thực ra đây cũng không phải lần đầu mình gặp tình huống thế này. Mỗi lần khách trả đồ về thì mình chủ yếu chỉ kiểm tra số lượng thôi, chất lượng không xét hết được. Nhưng hôm nay nhận đồ khách tỉnh trả, mình thật sự choáng vì đồ vô cùng bẩn, mùi bốc lên kinh khủng. Khách cầm 5 ngày rồi mới gửi trả mà không nỡ giặt đi", 9x bức xúc.

Vệt đỏ kì lạ trên áo dài và những chuyện đau đầu do chính thợ chụp kỷ yếu tiết lộ - Ảnh 2.

Chân dung chàng trai vừa là thợ chụp ảnh vừa kiêm quản lý trang phục cho khách.

Chàng trai cho hay khách có tâm lý đồ đi thuê nên không cần giữ, có khi để mốc lên cũng mặc kệ.

"Nhà mình thậm chí còn không bao giờ giặt máy mà chỉ giặt tay để giữ chất liệu và dáng áo cho khách mặc", anh chia sẻ thêm. 

Với những trường hợp thế này, Đức Anh buộc phải bỏ luôn chiếc áo dài, kể cả trước đó nó có là đồ mới được nhập về.

"Có báo lại thì khách cũng chối, chẳng ai nhận. Lúc giao thì đồ long lanh, lúc nhận lại thì không biết có phải đồ nhà mình không nữa. Khách thuê không có ý thức thì cũng đành chịu".

Vệt đỏ kì lạ trên áo dài và những chuyện đau đầu do chính thợ chụp kỷ yếu tiết lộ - Ảnh 3.

Số lượng quần áo lớn mà ekip chụp kỉ yếu của Đức Anh phải xử lý trong một ngày.

"Đi chụp như đi bốc vác"

Bước chân vào nghề từ những năm còn là sinh viên, đến nay Lê Đức Anh đã có 5 năm lăn lộn trong ekip chụp ảnh kỷ yếu. Chàng trai 24 tuổi hay đau đầu nhất là khi xảy ra sự cố mà không nỡ bắt đền các em học sinh.

"Khách hàng của bọn mình chủ yếu là các em học sinh, có khi còn chưa 18 tuổi, suy nghĩ chưa chín chắn nên có những chuyện phát sinh khiến ekip bối rối. 

Có lần bọn mình đưa một lớp từ Bắc Giang xuống Hà Nội chụp kỷ yếu. Buổi chụp suôn sẻ cho đến khi về làm ảnh xong, nhắc đến chuyện thanh toán và trả ảnh thì phía lớp nói: 'Thôi bọn em không lấy nữa, các bạn bảo không cần'. Bó tay luôn!", Đức Anh nhớ lại.

"Hy hữu lắm mới có trường hợp các em phải đền tiền cọc ban đầu vì kí hợp đồng rồi mà hủy chụp", Đức Anh cho hay.

Đức Anh cầm máy trong những ngày chụp kỷ yếu cho học sinh cấp 3.

9x cũng tiết lộ những nổi khổ của dân chụp kỷ yếu mà không phải ai cũng biết.

"Có những lớp ở tỉnh xa, chúng mình phải di chuyển bằng xe khách cùng đồ đạc lỉnh kỉnh cho mấy chục con người sử dụng. Anh em trong nghề gọi đấy là đi bốc vác.

Kết thúc buổi chụp có khi là 9-10 giờ đêm, thuận tiện thì có xe về Hà Nội không thì vạ vật chờ đợi trên đường là chuyện bình thường. Mệt quá thì thuê nhà nghỉ mà còn có những nơi còn không có chỗ mà thuê.

Đồ đạc mà thợ chụp kỷ yếu phải mang theo mỗi lần đi làm. 

Anh em lúc mới đi chụp luôn khí thế, muốn có ảnh đẹp cho khách nhưng đôi khi sự nhiệt tình đó không được đón nhận. Lớp nào thao tác nhanh thì không nói. Đằng này muốn chụp một kiểu tập thể ưng ý mà khản giọng và hoa đom đóm mắt vẫn chưa tập hợp được các em". 

Mùa kỷ yếu thường kéo dài từ vài tháng trước Tết nguyên đán đến những tháng mùa hè. Những đợt cao điểm vào tháng 4,5, ekip của Đức Anh thay nhau chụp xuyên giờ ăn trưa để đáp ứng yêu cầu của khách.

"Có thợ quá sức, phải vào nghỉ ngơi, uống nước mới có thể tiếp tục", cậu chia sẻ. Theo Đức Anh, thợ có "nhiệt" đến mấy mà lớp không hợp tác thì ảnh cũng không thể đẹp.

"Năm đầu làm nghề đã có tiền đi xuyên Việt"

Đức Anh nhớ lại những ngày đầu, chỉ định chụp cho vui mà chụp miễn phí trong khoảng thời gian dài. Nhưng đến nay, chụp kỷ yếu lại là nghề mang lại thu nhập chính cho cậu.

"Nhờ nó mà năm nhất đại học mình đã có tiền đi xuyên Việt bằng xe máy hơn 40 ngày", 9x bật mí. 

Vệt đỏ kì lạ trên áo dài và những chuyện đau đầu do chính thợ chụp kỷ yếu tiết lộ - Ảnh 6.

Thu nhập hàng tháng của Đức Anh không cố định nhưng trung bình cũng phải 8 con số.

"Có những khi chỉ một ngày chủ nhật thôi mà cả ekip kiếm được vài chục triệu nhưng nhiều khi không có hợp đồng nào", chàng trai thẳng thắn.

Lương khá cao nhưng chi phí đầu tư máy móc cũng không hề nhỏ. Muốn chuyên nghiệp, ekip của Đức Anh cần có nhiều loại ống kính máy ảnh. Mỗi lần mua ống kính mới cũng tốn vài chục triệu, chưa kể chi phí thay thân máy mỗi năm một lần.

Bên cạnh những khó khăn hay những tình huống trớ trêu trong nghề, Đức Anh cũng không ít lần nhận được tình cảm đặc biệt từ các em học sinh.

"Đợt đó, nhóm mình đi xe giường nằm 12 tiếng đồng hồ để lên Sa Pa chụp trong hai ngày. Gặp lớp chuyên Văn, toàn con gái nên các em rất tình cảm. Lúc chia tay, hai bên còn nghẹn ngào mãi.

Có những em mình chụp kỷ yếu đã 4 năm rồi nhưng khi đến Hà Nội nhập học, mình vẫn đưa đến trường và tìm phòng trọ giúp. Nhiều em đến bây giờ vẫn thân thiết với mình như anh em ruột", chàng trai tâm sự. 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại