Những bức ảnh biết nói
Thảm họa núi lửa phun trào tại Pompeii là một trong những sự kiện chết chóc nhất lịch sử Châu Âu. Theo tờ The Sun, thảm họa này xảy ra vào năm 79 sau CN tại nước Ý, xóa sổ nhiều thành phố Lã Mã cổ đại và giết chết hơn 16.000 người.
Gần 2.000 năm sau, nhiều nạn nhân Pompeii đã được các nhà khảo cổ học tìm thấy dưới lớp cát sâu và đưa về bảo quản trùng tu. Nhóm chuyên gia sẽ cẩn thận phá vỡ các phôi đá để lộ ra thi thể nạn nhân mà không làm ảnh hưởng đến cấu trúc bên trong.
Các nạn nhân trong thảm họa Pompeii ( Ảnh minh họa: piusxii.info)
Để tái hiện sinh động hơn, các nhà khoa học đã sử dụng thêm máy chụp cắt lớp vi tính (CT) để tạo ra các mô hình 3D chi tiết của hài cốt. Phương pháp chụp CT đã từng được sử dụng để nghiên cứu xác ướp Ai Cập, và hiện nay nó đang trở thành một phương pháp phổ biến để kiểm tra di tích khảo cổ học.
Trong số 86 thi thể nạn nhân được đưa vào nghiên cứu năm 2015, các nhà khoa học phát hiện một cậu bé khoảng 4 tuổi đang ở trong tình trạng đông cứng.
Cậu bé được phát hiện bên cạnh thi thể của hai người lớn, được cho là cha mẹ của bé. Cũng giống như những đứa trẻ khác, đứng trước lưỡi hái tử thần, cậu bé này chỉ biết ôm chặt lấy mẹ của mình.
Thông qua công nghệ siêu âm 3D (kỹ thuật y khoa thường sử dụng trong siêu âm thai kỳ), các nhà khoa học có thể nhìn thấy bộ quần áo của cậu bé vẫn còn nguyên vẹn dưới lớp đá vôi.
Cơ thể gầy gò cùng khuôn mặt hoảng loạn, đôi môi mím chặt sợ hãi khiến cho người ta không kìm được xúc động khi nghĩ đến những đau đớn mà cậu bé và gia đình đã phải trải qua trước khi chết.
Nạn nhân 4 tuổi trước được đưa vào máy chụp CT (Ảnh minh họa: dailymail)
Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng sử dụng thêm chất cản quang (những dung dịch có chứa Iod, được tiêm vào cơ thể khi chụp CT scan) để mô phỏng lại các mô cơ và da của một nạn nhân khác, giúp hình ảnh của hộp sọ của người này được tái hiện chân thực.
Những hình ảnh quét được làm nổi bật hàm răng của các nạn nhân, nhưng hai hốc mắt trống rỗng và chiếc mũi sụp xuống của họ mang đến cảm giác vô cùng rùng rợn. Kết quả quét cũng cho thấy nhiều nạn nhân tại Pompeii bị thương nặng ở đầu, nguyên nhân có thể là do nhà cửa đổ sập.
Hình ảnh 3D mô phỏng lại cậu bé 4 tuổi đang núp trong vòng tay mẹ trước khi chết (Ảnh: Dailymail)
Tư thế của các nạn nhân khi được tìm thấy đã cho thấy cái chết của họ: Một số bị mắc kẹt trong các tòa nhà, có người thì tay ôm đầu người co mình lại, người khác thì tay ôm mặt gục đầu xuống đất hoặc ôm túi tiền tháo chạy hoảng hốt.
Đau lòng hơn, các nhà khảo cổ còn tìm thấy những người mẹ bồng con cùng chết hoặc những nô lệ tìm cách phá khóa buồng giam nhưng không được, nên khi chết, cơ thể họ vẫn bị trói chặt trong xiềng xích.
Stefania Giudice, chuyên gia từ Bảo tàng khảo cổ học quốc gia Naples, một trong những thành viên chủ chốt của nhóm nghiên cứu đã không giấu nổi xúc động: "Thật sự đau lòng khi phải đứng trước những bộ hài cốt này!"
Quan sát ảnh chụp CT, các nhà nghiên cứu cũng vô cùng bất ngờ bởi sau hàng nghìn năm, hàm răng của người dân Pompeii dường như vẫn còn nguyên vẹn. Điều này chứng tỏ rằng họ phải có một chế độ ăn uống ít đường, nhiều chất xơ và thậm chí có chế độ ăn uống của họ có thể lành mạnh và dinh dưỡng hơn cả chúng ta ngày nay.
Ảnh chụp CT cho thấy hộp sọ đã bị vỡ, nhưng hàm răng vẫn còn nguyên vẹn, thậm chí còn được đánh giá là hoàn hảo (Ảnh minh họa: Daily Mail)
Nhìn lại thảm họa 2.000 năm trước
2.000 năm trước, Pompeii được coi là một trong những thành phố cực thịnh của Đế chế La Mã cổ, với dân số ổn định cùng những vùng đất nông nghiệp vô cùng nhộn nhịp nằm ngay dưới chân ngọn núi lửa Vesuvius.
Năm 79, ngọn núi lửa Vesuvius sau bao năm ngủ yên bỗng thức giấc với những đợt phun trào nham thạch liên tiếp trong hai ngày, đổ xuống Pompeii và thành phố chị em Herculanium.
Núi lửa Vesuvius phun trào (Ảnh minh họa: Sites.google)
Hàng chục nghìn cư dân nơi đây cố gắng chạy trốn trong hoảng loạn tột cùng. Thế nhưng, những dòng nham thạch 800°C nóng rẫy và hàng nghìn hòn đá rực lửa rơi xuống với vận tốc 200 km/h đã nhanh chóng xóa sạch mọi sự sống.
Nham thạch trào xuống thung lũng, tiến vào sâu vào từng căn nhà, qua từng khu vườn. Không còn lối thoát! Tro bụi len vào từng kẽ hở, khiến người dân thành phố chết ngạt. Pompeii cùng Herculanium bị chôn vùi dưới lớp đất bụi dày 18m.
Pompeii và các thành phố bị ảnh hưởng bởi núi lửa phun trào (Ảnh: Dailymail)
Theo công trình nghiên cứu "A Tale of Two Cities: In Search of Ancient Pompeii and Herculaneum" của đại học Kỹ thuật Trung Đông Thổ Nhĩ Kỳ, sau thảm họa, hai thành phố Pompeii và Herculanium dường như bị rơi vào lãng quên gần 2.000 năm cho đến khi tình cờ được phát hiện vào năm 1738 bởi các công nhân xây dựng cung điện cho Vua Naples, Charles Bourbon.
Các nhà khảo cổ đã được khai quật và phát lộ nhiều ngôi nhà, nhiều bức bích họa nguyên vẹn tại hai thành phố này.
Pompeii hiện đang là một địa điểm du lịch nổi tiếng, được xếp hạng là Di sản Thế giới của UNESCO và thu hút hơn 2,5 triệu khách du lịch đến thăm mỗi năm.
Bài viết tham khảo từ Dailymail, National Geographic