Chuột thí nghiệm đang bị thảm sát vì Covid-19

Bảo Nam |

Một số lượng lớn các động vật nhỏ trong những phòng thí nghiệm đã bị đóng cửa vì ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đang bị giết theo lô.

Với sự lây lan một cách bùng nổ của Covid-19, các ngành công nghiệp khác nhau dần bị ảnh hưởng và tác động của dịch bệnh cũng đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới lĩnh vực nghiên cứu khoa học. Nó khiến các thử nghiệm lâm sàng về ung thư và các bệnh mãn tính, các dự án hợp tác quốc tế và nghiên cứu khoa học vùng cực bị chậm hoặc thậm chí đình trệ hoàn toàn. Biểu hiện trực quan ban đầu của hiện tượng này là các hội nghị học thuật trên toàn cầu đã bị hủy bỏ. Tạp chí khoa học Nature thậm chí còn bình luận rằng 2020 sẽ là năm "phi thường nhất" trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học.

Chuột thí nghiệm đang bị thảm sát vì Covid-19 - Ảnh 1.

Một trường đại học ở Milan, Ý, đã bị đóng cửa do dịch bệnh bùng phát và nhiều phòng thí nghiệm tại đây đã phải chọn ngừng hoạt động.

Nhưng đồng thời, đây cũng trở thành một cơ hội để cải cách các hội nghị về học thuật. Nhiều nhà khoa học bắt đầu chia sẻ công việc của họ với sự trợ giúp của các nền tảng trực tuyến và thậm chí đã tạo ra một số cuộc họp ảo để mô phỏng một phần của quy trình họp. Nhưng cho dù các hội nghị có thể tiến hành qua Internet, thì các công trình nghiên cứu và thí nghiệm thì lại không thể tách rời khỏi phòng thí nghiệm.

Khi phòng thí nghiệm buộc phải đóng cửa, các động vật thí nghiệm đã bị giết theo lô

Richard Lenski, một nhà sinh học tiến hóa tại Đại học bang Michigan, đã nghiên cứu về sự phát triển và tiến hóa của vi khuẩn E.coli từ năm 1988. Đến nay, những vi khuẩn trong phòng thí nghiệm của ông đã nhân lên tới khoảng 73.000 thế hệ. Giờ đây, do ảnh hưởng của dịch bệnh, ông đã phải quyết định tạm thời đóng cửa phòng thí nghiệm và đình chỉ các thí nghiệm đã được thực hiện trong 32 năm.

"Những vi khuẩn này sẽ tạm thời bị đóng băng", ông nói. "Sau khi vi khuẩn được giải băng trong tương lai, thí nghiệm có thể tiếp tục."

Nhưng trên thực tế, vẫn còn một số lớn các thí nghiệm không thể giải quyết bằng cách đóng băng và giải băng như ở phòng thí nghiệm của Lenski. Và khi nhiều phòng thí nghiệm phải đối mặt với lựa chọn tạm thời đóng cửa, họ gặp rắc rối với những con chuột. Không phải là những con vật có thể lẻn vào phá phách phòng thí nghiệm khi họ đóng cửa, mà là số lượng lớn những con chuột thí nghiệm, vốn thường được sử dụng trong quá trình nghiên cứu. Chuột có thể sinh sản nhanh chóng và khi số lượng nhân viên tại các trung tâm động vật hay phòng thí nghiệm giảm mạnh, đồng nghĩa với việc không ai chăm sóc những con chuột này nữa.

Nhà hóa học Hopi Hoekstra cho biết anh sẽ giết một nửa số chuột nuôi trong phòng thí nghiệm trước khi phòng thí nghiệm đóng cửa. Trong nghiên cứu sinh học, nhiều con chuột có kiểu hình đặc biệt, thu được sau nhiều thế hệ lai và chọn thủ công. Hiện tại, anh chỉ có thể đảm bảo rằng những con chuột đặc biệt này sẽ không chết. Nhưng những con chuột khác thì sẽ không có cơ hội đó.

Chuột thí nghiệm đang bị thảm sát vì Covid-19 - Ảnh 2.

Một số lượng lớn chuột thí nghiệm sẽ bị buộc phải hành hình.

Ở Ý, nơi tình hình dịch bệnh diễn ra nghiêm trọng, Đại học Pavia đã đưa ra một thông báo nói rằng chỉ nhân viên và kỹ thuật viên mới được phép vào trường đại học, còn sinh viên dù là thạc sĩ hay tiến sĩ cũng sẽ không được phép vào phòng thí nghiệm.

Nhà nghiên cứu sinh học cấu trúc Federico Forneris đã bắt đầu lo lắng rằng sự phong tỏa này sẽ kéo dài trong vài tháng, và điều đó sẽ thay đổi vĩnh viễn hướng nghiên cứu của ông. Nhóm nghiên cứu của ông không có nhân viên kỹ thuật, có nghĩa là các tế bào và động vật nuôi cấy trong phòng thí nghiệm sẽ không ai chăm sóc. Ông đang xem xét chuyển hướng nghiên cứu của mình sang sinh học tính toán, sử dụng Internet và máy tính để làm việc.

Tại nhiều quốc gia khác, các nhà nghiên cứu đã phải nhanh chóng đóng băng nhiều mẫu bệnh quý giá, dù biết rằng việc đóng băng và giải băng ở nhiệt độ thấp này có thể sẽ làm hỏng mô mẫu của mình.

Sự bối rối của các nhà khoa học này cũng phản ánh những khó khăn hiện tại của toàn bộ hệ thống khoa học trên thế giới.

Sự ảnh hưởng tới các thử nghiệm lâm sàng

Chuột thí nghiệm đang bị thảm sát vì Covid-19 - Ảnh 3.

Và trong khi các nhà khoa học phải ngừng khám phá nghiên cứu, nhiều bệnh nhân cũng có thể phải chịu ảnh hưởng. Bởi hiện nay, có một số lượng lớn các thử nghiệm lâm sàng đang được tiến hành tại các trung tâm nghiên cứu y tế trên khắp thế giới. Và khi dịch bệnh Covid-19 càn quét qua, chúng có nguy cơ cao sẽ bị đình chỉ.

Nghiên cứu lâm sàng thường chia thành ba cấp độ. Tuy nhiên với tình hình hiện tại, chỉ các thử nghiệm ở cấp độ đầu tiên mới được phép tiến hành bình thường, bao gồm các thử nghiệm lâm sàng liên quan đến điều trị bệnh viêm phổi mạch vành mới do SARS-CoV-2 gây ra, cũng như các thử nghiệm đối với các bệnh đe dọa đến tính mạng nghiêm trọng. Và chúng chỉ chiếm 10% đến 15% trong tất cả các thử nghiệm lâm sàng nói chung.

Các thử nghiệm cấp độ hai chỉ có thể được tiến hành với tình nguyện viên trong điều kiện vô cùng hạn chế, bao gồm cả thử nghiệm lâm sàng ung thư. Các nhà nghiên cứu đang cố gắng gửi thuốc trực tiếp mà không cho bệnh nhân thử nghiệm đến bệnh viện. Tuy nhiên, rất có khả năng sẽ không thể xác nhận rằng bệnh nhân đang dùng thuốc đúng thời gian và số lượng, gây ra lỗi trong kết quả thí nghiệm.

Cấp độ thử nghiệm thứ ba bao gồm các thử nghiệm theo dõi dài hạn, thứ chỉ có thể tiếp tục theo dõi qua điện thoại và Internet, chẳng hạn như các thử nghiệm về chứng béo phì. Trong trường hợp này, gần 90% các thử nghiệm lâm sàng không thể được thực hiện bình thường.

Sự hy sinh của khoa học

Ngoài sinh học và y học, nghiên cứu trong các ngành khác cũng không thể thoát khỏi số phận. Máy gia tốc hạt Hadron ở Thụy Sĩ đã dừng hoạt động vào tháng 12/2018 để nâng cấp với thời gian 2 năm. Nhưng giờ đây, khi tình trạng cách ly diễn ra phổ biến, các nhà vật lý phải liên lạc với các kỹ sư và kỹ thuật viên qua video để dạy cài đặt các linh kiện điện tử.

Ở Bắc Cực xa xôi, nhóm nghiên cứu khoa học quốc tế cũng thất bại trong việc thoát khỏi ảnh hưởng của dịch Covid-19. Một dự án hợp tác quốc tế quy mô lớn có tên mã là MOSAiC - hay "Trạm quan sát nổi đa ngành nghiên cứu khí hậu Bắc cực" - được thực hiện bởi tàu nghiên cứu "Polaris" của Đức, với khoảng 300 nhà khoa học trên tàu. Hơn 70 tổ chức nghiên cứu khoa học tại 19 quốc gia bao gồm Mỹ, Trung Quốc và Nga. Một tổ bay được cho là đã đến Bắc Cực vào ngày 12/3 để hỗ trợ tàu nghiên cứu khoa học này, nhưng một trong những thành viên trong nhóm đã bị nhiễm virus SARS-CoV-2 và toàn bộ tổ bay đã bị cô lập.

Chuột thí nghiệm đang bị thảm sát vì Covid-19 - Ảnh 4.

Máy gia tốc hạt Large Hadron Collider - lớn và mạnh nhất thế giới.

Còn Matthew Shupe, một nhà khoa học khí quyển và điều phối viên dự án tại Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia ở Mỹ, cũng cho biết các mục tiêu khoa học của dự án đã bị ảnh hưởng. Và nếu nhiệm vụ bị trì hoãn thêm, nó có thể bỏ lỡ một số khám phá quan trọng.

Mặc dù các tiến trình thí nghiệm sẽ chậm lại, nhiều nhà khoa học vẫn quyết định thông báo cho sinh viên và nhân viên phòng thí nghiệm về nhà. Lenski là người ủng hộ mạnh mẽ cho lựa chọn này. Sau khi đóng băng vi khuẩn, ông sẽ không cho nhân viên thí nghiệm đến trường.

"Tiến bộ khoa học chắc chắn sẽ bị xáo trộn, nhưng chúng ta vẫn có người và cuộc sống cần được bảo vệ", ông nói. "Khoa học khó có thể tránh được việc hy sinh."

Tham khảo Nature

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại