Chương trình Sữa học đường vì thế hệ vàng
Ngày 8/7/2016, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã ký Quyết định 1340/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình sữa học đường Quốc gia.
Chương trình giúp cải thiện tình trạng dinh dưỡng của trẻ em mẫu giáo và tiểu học thông qua hoạt động cho trẻ em uống sữa hàng ngày nhằm giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng, nâng cao tầm vóc, góp phần phát triển nguồn nhân lực trong tương lai.
Mục tiêu lớn nhất của Chương trình là đến năm 2020 đáp ứng nhu cầu năng lượng của trẻ mẫu giáo và tiểu học đạt 90-95% vào năm 2020; chiều cao trung bình của trẻ độ tuổi nhập học (6 tuổi) tăng từ 1,5 - 2cm ở cả trẻ trai và gái so với năm 2010.
Tại địa bàn tỉnh Nghệ An, chương trình Sữa học đường đã thực hiện được 2 năm học với hơn 200 nghìn trẻ em được uống sữa mỗi ngày từ chương trình.
Đây là chương trình được mong đợi bởi ở Việt Nam hiện nay trẻ em tuổi học đường chiếm 1/3 dân số. Trong đó lứa tuổi vàng là mầm non và tiểu học có 12 triệu em.
Giai đoạn học đường là giai đoạn quyết định sự phát triển tối đa các tiềm năng di truyền liên quan đến tầm vóc thể lực và trí tuệ, tích luỹ chất dinh dưỡng cần thiết chuẩn bị cho giai đoạn dậy thì tiếp theo.
Tuy nhiên, tình trạng thiếu dinh dưỡng, suy dinh dưỡng, thể thấp còi ở trẻ em nước ta vẫn còn cao. Bên cạnh đó, vấn đề dinh dưỡng học đường chưa được quan tâm ảnh hưởng đến tầm vóc, thể lực của người Việt Nam khi trưởng thành.
Sau 6 tháng ban hành quyết định phê duyệt chương trình Sữa học đường Quốc gia, nhiều địa phương đã thực hiện rất tốt, đem lại những lợi ích và nhân văn hướng tới trẻ em, đặc biệt là trẻ em nghèo ở vùng sâu vùng xa.
Trong đó mô hình được nhắc tới nhiều nhất là tỉnh Nghệ An. Từ trước khi Quyết định 1340/QĐ-TTg được ban hành, tỉnh này đã triển khai Chương trình hiệu quả với việc huy động sự tham gia của Doanh nghiệp thông qua Đề án cấp tỉnh
Với sự vào cuộc của ngành Y tế, ngành Giáo dục, tỉnh đã xây dựng được cơ chế hỗ trợ học sinh uống sữa học đường: học sinh bình thường được hỗ trợ 30% chi phí sữa, học sinh cận nghèo được hỗ trợ 50% và học sinh nghèo được miễn phí.
Chương trình cũng xây dựng trên tinh thần tự nguyện (nhà trường, phụ huynh tự nguyện đăng ký tham gia).
Ngoài phân đóng góp của phụ huynh, phần chi phí hỗ trợ học sinh được thực hiện qua doanh nghiệp sản xuất, chế biến sữa là TH true MILK và huy động các nguồn kinh phí xã hội hóa khác.
Nhờ cách làm này, với kinh phí rất khiêm tốn từ ngân sách, tỉnh Nghệ An đã triển khai được Chương trình Sữa học đường trên toàn tỉnh với hơn 200.000 học sinh được hưởng lợi. Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Xuân Hồng – Phó Giám đốc Sở Y tế Nghệ An khẳng định, Chương trình rất tốt và mang tính nhân văn, hướng tới lợi ích cho trẻ em nghèo, vùng sâu vùng xa.
Ngay khi Quyết định 1340/QĐ-TTg ra đời, tỉnh Nghệ An đã có thể "bắt nhịp" ngay, tiếp tục thực hiện Chương trình Sữa học đường trên toàn tỉnh trong năm học 2016-2017.
"Chưa triển khai vì... chưa có kinh phí!"
Tuy nhiên, bên cạnh thực hiện chương trình này thành công thì vẫn còn nhiều địa phương chưa thể triển khai chương trình khiến cả triệu trẻ em vẫn còn "khát" sữa.
Như tại tỉnh Thanh Hoá, đến thời điểm hiện tại Chương trình Sữa học đường vẫn chưa thể triển khai dù chỉ là "kế hoạch".
Các em học sinh được hưởng nhiều lợi ích từ chương trình Sữa học đường, nhất là những trẻ em nghèo, vùng sâu vùng xa.
Trao đổi với PV về kế hoạch triển khai Chương trình Sữa học đường, bà Phạm Thị Hằng - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hoá khẳng định tỉnh này chưa lần nào triển khai chương trình.
Bà Hằng cũng cho biết, tỉnh này cũng chưa hề có cuộc họp nào liên quan để bàn về kế hoạch triển khai Chương trình Sữa học đường như Chính phủ đã ban hành.
Tại Hà Tĩnh, đến thời điểm hiện tại chương trình Sữa học đường cũng chỉ mới được triển khai trên "giấy tờ" chứ trên thực tế các em học sinh vẫn chưa được hưởng "giọt" sữa nào từ chương trình này.
Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Hải Lý - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh cho biết, ngay từ sau khi Chính phủ ban hành quyết định phê duyệt Chương trình, phía tỉnh đã giao cho Sở GD&ĐT chủ trì. Sau đó, chương trình được giao lại cho Sở Y tế chủ trì triển khai.
Niềm vui của các em học sinh ở Nghệ An được uống sữa tươi sạch TH true MILK
"Khi chuyển giao, Sở GD&ĐT đã có dự thảo gửi cho Sở Y tế, khi đó Sở Y tế cũng đã làm xong dự thảo và gửi Uỷ ban Nhân dân (UBND) tỉnh. Tuy nhiên UBND tỉnh thấy nguồn lực lớn quá. Trong khi đó tỉnh có nhiều sự cố, sự cố môi trường nên rất khó khăn.
Việc thu ngân sách cũng khó nên "lực bất tòng tâm" không thực hiện được chương trình này", Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh giải thích về lý do chương trình chưa được thực hiện.
Xem xét dự thảo nhưng thấy không đủ nguồn lực thực hiện Chương trình Sữa học đường, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có công văn giao cho Sở Y tế phối hợp với các sở liên quan trong đó có Sở GD&ĐT xây dựng lại kế hoạch.
"Khi xây dựng dự thảo, Sở GD&ĐT cũng có tham mưu và đưa vào dự thảo là cho các cháu tiểu học, mầm non uống sữa theo định lượng của ngành y tế, mỗi tuần 5 ngày trong 35 tuần. Khi nhân lên thì nguồn lực rất lớn.
Chính vì thế nên UBND tỉnh đã giao cho các sở ban ngành liên quan xây dựng cho khả thi, phù hợp với điều kiện, nguồn lực hiện có", Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh nói thêm.
Trao đổi với PV, ông Trần Xuân Dâng - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh, phụ trách trực tiếp triển khai Chương trình Sữa học đường cũng cho biết, do nguồn kinh phí quá lớn trong khi nguồn lực tỉnh khó khăn nên Chương trình Sữa học đường đến nay vẫn chưa thể thực hiện.
Chương trình Sữa học đường được thực hiện mang giá trị nhân văn và nhiều lợi ích cho các em nhỏ.
"Hiện, Sở chưa trình UBND tỉnh dự thảo vì khi hỏi ý kiến Sở Tài chính thì Sở Tài chính nói không có tiền nên chưa thể trình tỉnh. Sau đó tỉnh giao cho Sở Y tế để tìm nguồn. Nhưng giờ chưa có nguồn nên chưa trình được tỉnh", ông Dâng nói.
Nói về Chương trình Sữa học đường, ông Nguyễn Văn Hổ - Chủ tịch UBND thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) cho biết: "Dù chương trình chưa được triển khai nhưng qua tìm hiểu và những địa bàn tỉnh khác đã làm chúng tôi thấy chương trình rất tốt, rất ý nghĩa.
Chương trình giúp cho học sinh, trẻ em nhất là những em có gia đình hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận nguồn dinh dưỡng tốt, nâng cao thể lực và giúp các em phát triển toàn diện hơn".
Cũng theo ông Hổ, vì ý nghĩa rất nhân văn nên ông mong Chương trình Sữa học đường sớm được triển khai để các trẻ em trên địa bàn được hưởng lợi ích từ chương trình.
Được biết, hiện toàn tỉnh Hà Tĩnh có hơn 185 nghìn em nhỏ ở độ tuổi mầm non và tiểu học.
Việc Chương trình Sữa học đường chưa thể thực hiện đồng nghĩa với việc cả trăm nghìn trẻ em nhỏ phải chịu thiệt thòi và chưa được hưởng những lợi ích mà các em đáng được hưởng.
Cần sự đột phá
Theo Quyết định phê duyệt chương trình sữa học đường, thì UBND các tỉnh có các trách nhiệm rất cụ thể như sau:
Căn cứ khả năng ngân sách của địa phương để bố trí kinh phí thực hiện các hoạt động của chương trình; Huy động các nguồn lực khác tại địa phương (doanh nghiệp, gia đình, quỹ từ thiện...) để thực hiện có hiệu quả chương trình;
Ban hành các chính sách ưu đãi về nhà xưởng, thuê đất đối với các doanh nghiệp có sản phẩm tham gia chương trình Sữa học đường đầu tư tại địa phương; Định kỳ kiểm tra, thanh tra, sơ kết, đánh giá, tổng kết chương trình.
Như vậy, việc cải thiện tầm vóc cho cả học sinh nghèo và không nghèo, thông qua chương trình sữa học đường, là trách nhiệm lớn của chính quyền tỉnh.
Tuy nhiên, hiện tại vẫn còn thực tế các tỉnh hoặc trông chờ vào ngân sách, hoặc trông chờ vào doanh nghiệp chứ chưa phối hợp vận động được tất cả các nguồn lực xã hội. Trong đó đặc biệt là sự vào cuộc của ngành giáo dục, phụ huynh, nhà trường.
Thực tế cho thấy, những tỉnh mà lãnh đạo hành đang quyết liệt, dùng cả ngân sách kết hợp vận động xã hội tham gia đóng góp, như Nghệ An, thì chương trình thành công, và mang lại giá trị nhân văn, an sinh rất lớn cho gia đình người được thụ hưởng.
Nếu chính quyền địa phương coi việc này là thứ yếu, để cho doanh nghiệp, người dân tự bơi như trước đây, thì chắc chắn Chương trình nhân văn và có ý nghĩa lớn này của Chính phủ sẽ khó mà thành công như mong đợi.
Và như vậy, nhiều năm nữa tầm vóc thể trạng của hàng triệu người trẻ Việt Nam sẽ tiếp tục lỡ hẹn, thua sút đáng kể với người dân trong khu vực và thế giới.