Thế giới liên tục choáng váng với những thành quả phát triển vũ khí quân sự của Trung Quốc khi nước này thử thành công hệ thống đánh chặn tên lửa trên mặt đất cách đây 2 ngày.
Không những thế, trong chương trình hiện đại hóa quân sự đầy tham vọng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, pháo ray điện từ của Bắc Kinh đã lần đầu được thử nghiệm trên một chiến hạm.
Thử thành công hệ thống tên lửa đánh chặn trên mặt đất
Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) ngày 7/2 dẫn lời Bộ Quốc phòng Trung Quốc xác nhận rằng, Bắc Kinh đã tiến hành thử thành công hệ thống tên lửa đánh chặn trên mặt đất (GMD) vào đầu tuần này trong bối cảnh an ninh khu vực có nhiều biến động.
Theo đó, công nghệ mới được phát triển bởi Trung Quốc có khả năng đánh chặn các tên lửa đạn đạo trong giai đoạn giữa của chu trình bay, diễn ra ở bên ngoài khí quyển trái đất. Đồng thời, khẳng định cuộc thử nghiệm mang mục đích phòng vệ và không nhắm tới bất cứ nước nào.
Chuyên gia Zhao Tong của Trung tâm Chính sách toàn cầu Carnegie - Tsinghua cho rằng, cuộc thử nghiệm này chỉ là một phần của chiến lược phát triển công nghệ đánh chặn tên lửa đạn đạo. Nhưng về mặt chiến lược an ninh, nó có thể ngăn chặn các cuộc tấn công tên lửa đạn đạo từ các nước khác, ví dụ Ấn Độ hay Triều Tiên.
Cụ thể, ngày 18/1 vừa qua, Bắc Kinh đã cực kỳ "nóng ruột" khi Ấn Độ đã thử thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) có tên Agni-V. Với tầm phóng khoảng 5.000km, tên lửa này có khả năng mang đầu đạn hạt nhân tới gần như bất cứ nơi nào trên đất liền Trung Quốc.
Bên cạnh đó, Triều Tiên cũng là một mối nguy hiểm tiềm tàng khi tuyên bố phóng thành công tên lửa ICBM Hwasong-15 với tầm phóng khoảng 13.000 km.
Ông Zhao còn cho rằng, GMD đánh dấu một bước tiến trong khả năng phòng thủ tên lửa của Trung Quốc, đặc biệt trong bối cảnh Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở Hàn Quốc.
Bắc Kinh đã nhiều lần phản đối và cho rằng, radar mạnh có thể thăm dò sâu vào lãnh thổ Trung Quốc và làm suy yếu an ninh nước này. Nhân cơ hội này, chính quyền Bắc Kinh cũng muốn bắn tiếng cho các đối thủ tiềm tàng.
Pháo ray điện từ
Cũng theo SCMP, Trung Quốc đang thử nghiệm pháo ray điện từ trên một chiến hạm nổi - vũ khí có thể thay thế các thiết bị nổ truyền thống nhờ sức mạnh, tốc độ, phạm vi với độ chính xác cao hơn nhưng chi phí lại ít hơn rất nhiều pháo hạm truyền thống.
Những bức ảnh mới được công bố trên mạng internet ở Trung Quốc cho thấy một khẩu pháo ray điện tử (electromagnetic rail-gun) được trang bị cho tàu đổ bộ Type 072 III (thân tàu số 936) thuộc Hải quân Trung Quốc. Đây được cho là sự kiện thử nghiệm pháo ray điện từ trên một chiến hạm đầu tiên trên thế giới.
Theo nguyên lý, pháo ray bắn hỏa lực sử dụng lực điện từ chứ không phải là các hệ thống truyền động gây nổ truyền thống. Các chuyên gia quân sự nhận định rằng công nghệ vũ khí mới có khả năng phóng hỏa lực đủ để phá hủy một tàu chiến và độ chính xác đủ để bắn hạ vệ tinh.
Công nghệ vũ khí tân tiến này đang được phát triển mạnh mẽ ở Trung Quốc bởi đội ngũ kỹ sư hàng đầu, mà dẫn đầu là Chuẩn Đô đốc Ma Weiming. Tháng 7 năm ngoái, ông Ma đã tuyên bố rằng mục tiêu cuối cùng của ông là lắp đặt pháo ray điện từ lên tàu sân bay của Hải quân Trung Quốc.
Còn theo thông tin đăng tải trên tờ Khoa học và Công nghệ của Trung Quốc, pháo ray điện từ sẽ được triển khai trên các tàu khu trục Type 055, lớp tàu khu trục lớn nhất được thiết kế như một phần của các nhóm chiến hạm tấn công - hộ tống tàu sân bay của Trung Quốc trong tương lai.
Nhưng, theo các chuyên gia quân sự, sẽ rất khó để tích hợp ngay vũ khí này lên các chiến hạm sử dụng động cơ thông thường, mà phải là loại có trang bị lò phản ứng hạt nhân công suất lớn. Việc huy động tàu đổ bộ Type 072 III cho thử nghiệm này là nhằm tận dụng boong tàu lớn để chứa nguồn cấp điện ngoài và các thiết bị điều khiển.
Từ nhiều năm trước, Mỹ đã nghiên cứu và thử nghiệm các loại pháo ray điện từ, với những nguyên mẫu vũ khí có khả năng phóng đầu đạn đạt vận tốc lên tới 7.800km/h trong phạm vi 150km. Washington vẫn đang tiếp tục theo dõi các công nghệ mới có thể được kết hợp vào hệ thống hiện có.
Về lĩnh vực này, chuyên gia quân sự Song Zhongping nhận định, Trung Quốc hiện không chỉ bắt kịp với Mỹ về công nghệ pháo ray điện từ, mà có thể vượt qua Mỹ trong vòng 5 - 10 năm tới. Điều này là do Mỹ cần nhiều thời gian hơn để phê duyệt ngân sách trong khi hệ thống chính trị của Trung Quốc cho phép bổ sung thêm nguồn tài chính vào các dự án đặc biệt.
Cũng theo ông Song, quyết định phát triển pháo ray điện từ tốn kém cũng gây tranh cãi tại Trung Quốc.
Tuy nhiên, Chuẩn Đô đốc Ma và các cộng sự có được sự ủng hộ của lãnh đạo và đó cũng là lý do tại sao công nghệ điện từ đã được phát triển rất nhanh ở quốc gia này. Năm 2017, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã trao tặng ông Ma Weiming, 57 tuổi, Huân chương cao quý nhất của quân đội nước này.