Các công ty và người tiêu dùng bắt đầu cảm nhận được hậu quả kinh tế của việc Trung Quốc đóng cửa do Covid-19 và "vệt dầu loang" đó sẽ ngày càng mạnh mẽ hơn.
Nguồn cung của các sản phẩm từ giày thể thao Adidas, loa Bang & Olufsen đã bị ảnh hưởng. Các nhà sản xuất ô tô từ Toyota đến Tesla đang phải đối mặt với những trở ngại về sản xuất và chi phí "chưa từng có". Sony đang phải vật lộn để sản xuất đủ máy chơi game PlayStation. "Gián đoạn nguồn cung" một lần nữa là cụm từ phổ biến trong đợt công bố báo cáo tài chính quý I của các doanh nghiệp.
Các bệnh viện từ Mỹ đến Úc đang phải vật lộn với tình trạng thiếu hoá chất dùng trong chụp X-quang trong khi các dự án bất động sản bị đình trệ do thiếu vật liệu xây dựng.
Jake Phipps, người sở hữu công ty Mỹ cung cấp nội thất phòng tắm sang trọng và mặt bàn bếp cho các dự án nhà chọc trời đang chứng kiến sự chậm trễ hàng tháng đối với sản phẩm vòi nước từ Thượng Hải. "Tất cả dự án xây dựng ở đây đều phải chờ đợi nguyên liệu thô. Chuỗi cung ứng đã rất lộn xộn và đang ngày một tồi tệ hơn".
Những con đường không một bóng xe cộ qua lại tại Thượng Hải.
Phương pháp tiếp cận không khoan nhượng của chính quyền Bắc Kinh đối với Covid-19 đã khiến các nhà máy và kho hàng ngừng hoạt động, việc giao hàng bằng xe tải, đóng hàng vào container bị chậm lại đáng kể. Trung Quốc chiếm khoảng 12% thương mại toàn cầu, việc biến động lan rộng ra khắp các nền kinh tế chỉ còn là vấn đề thời gian.
Mặc dù tác động cho đến nay có vẻ không nghiêm trọng nhưng đây có thể chỉ là bước khởi đầu. Thế giới vẫn chưa "thấm" các tác động đầy đủ của việc Thượng Hải và một số thành phố lớn của Trung Quốc đóng cửa.
"Khi Thượng Hải mở cửa trở lại và mọi thứ trở về quỹ đạo của nó, bạn sẽ thấy tất cả các tàu vận chuyển sẽ hướng về Mỹ. Điều đó có thể gây thêm thách thức bởi tình trạng tắc nghẽn", Jonathan Gold – Phó chủ tịch chuỗi cung ứng và chính sách hải quan của Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia Mỹ cho biết.
Sự hỗn loạn chuỗi cung ứng đang xảy ra nghiêm trọng nhất ở những lĩnh vực nào?
Các dự án xây dựng
Phipps, người sáng lập Phipps International, ngày càng thất vọng khi các lô hàng vòi nước của ông đã bị trì hoãn 2-3 tháng và không có gì chắc chắn về thời điểm chúng có thể rời Thượng Hải. Các nhà cung cấp liên tục nói với ông "5 ngày nữa" và điều đó hiện đã kéo dài 40 ngày. Nhà máy sản xuất khuôn đúc vòi nước đã hoạt động trở lại vào tuần trước sau hơn 1 tháng ngừng hoạt động nhưng các vòi nước này, sau khi được sản xuất, vẫn cần được chuyển đến các nhà máy khác để mạ chrome và đánh bóng và một số nhà máy đó vẫn đóng cửa. Đó là chưa kể sự khan hiếm người lái xe tải.
Việc vận chuyển hàng hoá bằng xe tải tại Thượng Hải gặp nhiều khó khăn.
Phipps cho biết việc chờ đợi vòi tắm và các đồ nội thất khác từ Trung Quốc sẽ tiếp tục làm trì hoãn các dự án xây dựng ở Mỹ, một số dự án đã chậm tiến độ đến 1 năm. Công ty của ông đang phải chuyển một số hoạt động sản xuất sang Việt Nam và mua đá cẩm thạch, thạch anh và đã granit từ Ý, Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ.
Quần áo và giày thể thao
Các nhà máy sản xuất quần áo và giày tại Việt Nam đang gặp khó trong việc đáp ứng các đơn hàng do nguồn cung nguyên liệu từ Trung Quốc đang dần cạn kiệt.
Quốc gia Đông Nam Á là nhà cung cấp quần áo và giày dép lớn thứ 2 cho Mỹ, theo Hiệp hội Quần áo & Giày dép Hoa Kỳ, đại diện cho hơn 1.000 thương hiệu.
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó chủ tịch hiệp hội Da giày Việt Nam cho biết chiến lược zero Covid của Trung Quốc đang khiến nguyên liệu chủ chốt cho các nhà máy giày giảm mạnh. 60% nguồn cung đến từ Trung Quốc. Adidas trong tháng này đã cắt giảm mục tiêu lợi nhuận, do tắc nghẽn nguồn cung tại Việt Nam đã làm giảm số lượng sản phẩm, ảnh hưởng đến doanh số bán hàng.
Công nghệ và game
Khu vực phía đông Trung Quốc là trung tâm công nghệ quan trọng và tình trạng thiếu linh kiện đang ảnh hưởng đến các công ty trên diện rộng. Những gã khổng lồ từ Mucrosoft, Texas Instruments đã nói rằng việc sản xuất các sản phẩm như Xbox đang trở nên khó khăn hơn trước. Apple vào tháng trước cho biết các hạn chế ở Trung Quốc sẽ khiến công ty này thiệt hại 4-8 tỷ USD trong quý II.
Nhà sản xuất iPhone lớn là Pegatron trong tuần này đã cắt giảm triển vọng quý II đối với các lô hàng laptop. SMIC, nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc, cho biết các đợt ngừng hoạt động có thể xoá sổ 5% sản lượng của công ty trong quý này. Trong khi đó, Sony đã hạ mục tiêu sản lượng cho máy chơi game PlayStation 5 với lý do chuỗi cung ứng phức tạp. Nintendo cũng cho biết đã có một số tác động đến doanh số bán hàng do tình hình ở Thượng Hải.
Vật tư y tế
Việc Thượng Hải đóng cửa thậm chí tác động đến việc chăm sóc sức khoẻ do thiếu hụt hoá chất sử dụng trong các xét nghiệm hình ảnh.
Hiệp hội Bệnh viện Đại học New York cho biết đầu tháng này, các cơ sở chăm sóc sức khoẻ đã gặp tình trạng thiếu hụt Ommipaque được sử dụng trong chụp X-quang cà CT. Cơ quan này cảnh báo nguồn cung có thể bị cắt giảm 80% trong 2 tháng tới mặc dù nhà máy hiện đã hoạt động trở lại.
Người phát ngôn hiệp hội xạ trị và hình ảnh y tế Úc cho biết tình trạng thiếu thuốc cản quang có thể tiếp tục kéo dài trong nhiều tuần. Hiệp hội đã yêu cầu 9.000 thành viên của mình khẩn cấp tìm kiếm các nhà cung cấp khác.
Thiết bị âm thanh
Bang & Olufsen – nhà sản xuất dàn âm thanh và TV hạng sang trong tuần này đã cắt giảm triển vọng tài chính do những diễn biến ở Trung Quốc. Công ty Đan Mạch, vốn sản xuất những cặp loa có giá lên đến 110.000 USD/cặp, cho biết việc Trung Quốc đóng cửa không chỉ ảnh hưởng đến doanh số bán hàng trong nước và lan sang các thị trường bên ngoài do hạn chế tiếp cận kho hàng và một loạt vấn đề về hậu cần khác.
Ô tô
Một loạt nhà sản xuất ô tô từ VW đến Toyota đã sản xuất trở lại tại các nhà máy ở Thượng Hải và Cát Lâm, mặc dù vấn đề hậu cần vẫn tiếp diễn.
Nhà máy của Tesla ở Thượng Hải đã gặp khó khăn do gián đoạn, đóng cửa trong 3 tuần vào tháng trước. Nhà máy này hoạt động trở lại vào cuối tháng 4 nhưng với việc Thượng Hải vẫn bị đóng cửa, vẫn còn những thách thức đối với việc vận chuyển vật tư và nguyên liệu.
Tesla chỉ xuất xưởng được hơn 1.500 xe trong tháng trước tại nhà máy ở Thượng Hải.
Nhà máy thường xuất xưởng khoảng 60.000 xe mỗi tháng này chỉ giao được 1.512 xe ra khỏi Thượng Hải vào tháng trước. Trong khi đó, Toyota phải vật lộn với sự gia tăng "chưa từng có" đối với chi phí hậu cần và nguyên liệu, khiến hãng dự báo lợi nhuận hoạt động giảm 20% trong năm tài chính hiện tại.
Các nhà sản xuất ô tô cũng đang phải vật lộn để sản xuất vì các bộ phận được sản xuất tại trung Quốc không đến kịp. Tại Brazil, tình trạng thiếu hụt chất bán dẫn khiến các nhà máy giảm sản lượng ít nhất 100.000 xe trong năm nay.
Vào tháng 3, IHS Markit đã hạ dự báo về sản lượng ô tô toàn cầu vào năm 2022 do tác động của chiến sự Nga – Ukraine và tiếp tục hạ dự báo do ảnh hưởng từ Trung Quốc, bên cạnh một số rủi ro gia tăng khác.