"Chúng tôi muốn quên 8 năm đẫm máu dưới thời Obama, Trump hãy ấn nút reboot với Trung Đông"

Linh Nguyễn |

Bài phân tích trên tờ Jerusalem Post cho rằng Trump cần tránh đi theo lựa chọn có phần sai lầm của Obama khi tiếp cận khu vực Trung Đông.

Quyết định của Obama

Theo Jerusalem Post, cách tiếp cận câu chuyện Trung Đông của cựu Tổng thống Barack Obama là sự kết hợp có phần kỳ lạ giữa cô lập và can thiệp nhỏ giọt. 

Lính Mỹ không hề rút khỏi Afghanistan, trong khi Mỹ chống lại các tổ chức khủng bố tại Trung Đông bằng máy bay không người lái và nhiều trận mưa bom. Một số nhóm lực lượng tinh nhuệ được điều động đến Syria và Libya, nhưng lại chỉ làm nhiệm vụ thu thập thông tin tình báo và cố vấn mà thôi. 

Jerusalem Post nhận định, Obama thiếu một sách lược toàn cầu có khả năng ngăn chặn Trung Đông chìm vào hỗn loạn. Khoảng trống này đã cho Iran cơ hội thâm nhập vào khu vực, cũng như khiến Nga bắt đầu lại nỗ lực can thiệp Trung Đông. 

Câu hỏi đặt ra là, liệu chính quyền Trump có sẵn sàng bắt tay vào thực hiện chính sách can thiệp chủ động hơn, nhất là ở Trung Đông, để loại bỏ mối đe dọa và đem lại bình ổn cho khu vực hay không. 

Lịch sử Mỹ chứng kiến chính sách ngoại giao không nhất quán qua các đời Tổng thống: khi thì theo đuổi chính sách biệt lập, nhưng có lúc lại rất quan tâm đến tình hình các nước khác. Mặc dù vậy, sự can thiệp của Mỹ luôn mang tính quyết định xuyên suốt cả hai cuộc chiến tranh thế giới, cũng như Chiến tranh Lạnh kéo dài suốt nhiều năm.

Chúng tôi muốn quên 8 năm đẫm máu dưới thời Obama, Trump hãy ấn nút reboot với Trung Đông - Ảnh 1.

Obama trong một buổi hội đàm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Phòng Bầu dục năm 2015. Ảnh: Getty

Thế nhưng Obama không lựa chọn can thiệp vào Trung Đông. Người tiền nhiệm của Trump chủ yếu né tránh chủ động tham gia cuộc chiến, khiến vai trò trung gian giảng hòa của Mỹ bị suy giảm đáng kể, theo Jerusalem Post

Trong khi đó, suốt 8 năm Obama tại nhiệm, Trung Đông trải qua một trong những thời kỳ bạo lực nhất kể từ khi Thế chiến I kết thúc.

Chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan nổi lên đã đẩy nhiều nước Ả-rập là xương sống của khu vực vào cảnh chiến tranh hoang tàn. Syria, Iraq, Yemen, Libya và Somalia gần như không thể vận hành được nữa.  Việc Mỹ rút quân khỏi Iraq quá sớm khiến Nhà nước Hồi giáo (ISIS) lợi dụng cơ hội lũng đoạn tình hình khu vực trong khi lực lượng Iraq oằn mình hứng chịu. 

Tuy nhiên, Jerusalem Post  cho rằng những điều trên không có nghĩa là cựu Tổng thống Mỹ phải chịu trách nhiệm với tình hình hỗn loạn hiện nay ở Trung Đông. 

Suốt hàng trăm năm, giữa các nước Ả-rập luôn tồn tại giao tranh trên cơ sở bộ lạc, dân tộc hoặc tín ngưỡng. Kể từ những năm 40 của thế kỷ trước, sự hiện diện của Mỹ trong khu vực đã đóng vai trò bình ổn hóa tình hình, xoa dịu căng thẳng. 

Lựa chọn giảm thiểu can thiệp của Obama bắt nguồn từ quan điểm về ngoại giao hòa bình, không xâm lấn của ông; nhưng lại vô tình tạo ra một khoảng trống cho các phe phái khác tự do theo đuổi lợi ích mà không lo ngại Mỹ đáp trả. 

Hướng đi nào cho Mỹ dưới quyền Tổng thống Trump?

Chính quyền Trump vẫn chưa xác định mục tiêu cụ thể tại Trung Đông. Mỹ không thể bàng quan trước tình hình có thể gây đe dọa đến hòa bình thế giới, nhưng lại đang muốn tập trung giải quyết những vấn đề nội bộ quốc gia. 

Khi còn tranh cử, Tổng thống Trump hứa sẽ tiêu diệt ISIS, đối mặt thẳng thắn với Iran, và đàm phán tìm quan điểm chung với Nga về Trung Đông. Đây chẳng phải việc dễ dàng, vì thỏa thuận với Moscow có thể khiến Mỹ phải cân nhắc loại bỏ lệnh trừng phạt và thỏa hiệp cả về Ukraine, theo Jerusalem Post. 

Tuy nhiên, ngay cả chuyện thỏa thuận cũng chưa thể diễn ra trong thời gian sắp tới, trong bối cảnh FBI tiến hành điều tra về quan hệ ngầm giữa các cố vấn thân cận của Trump với Kremlin.

Jerusalem Post cho rằng, điều Trump nên thực hiện ngay lúc này là xây dựng lại niềm tin của các đồng minh, và thuyết phục họ rằng Mỹ cam kết ủng hộ lợi ích của cả hai bên. Trump cần nối lại liên minh các nước Sunni - Ai Cập, Ả-rập Saudi và UAE - nhằm đối phó với Iran.

Nhưng việc Trump có thực sự tiến hành những điều trên hay không hoàn toàn tùy thuộc vào quyết định và dự liệu của chính ông. Mặc dù vậy, Trump đã có một số động thái tích cực đối với xung đột Ả-rập - Israel, và đây là tín hiệu đáng mừng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại