1. Khoảng 2 năm trước, một người bạn của tôi từ thành phố Hồ Chí Minh ra chơi và ngỏ lời muốn thử món bún nổi tiếng trên phố Ngô Sĩ Liên. Tôi vui vẻ đưa anh đi.
Chúng tôi gọi 2 bán bún, trong đó bát của tôi không ăn hành. Rốt cuộc tôi nhận được 2 bát có hành như nhau. Tôi đề nghị người phục vụ đổi bát khác vì tôi đã nhấn mạnh rất rõ rằng: Bát bún không hành.
Từ phía xa một giọng nói vọng về phía tôi: "Tại sao tất cả mọi người ăn hành còn mày thì không?". Tôi bị sốc. Tôi đã hy vọng bình luận khiếm nhã đó đến từ một thực khách thay vì bà chủ quán. Nhưng nó thật sự đến từ bà chủ.
Chúng tôi thanh toán tiền 2 bát bún rồi đi thẳng và thú thực, tôi không chờ đợi được níu kéo từ một người sẵn sàng xúc phạm khách hàng của mình như vậy.
Tôi kể câu chuyện này cho vài người bạn và nghe họ cũng kể lại những câu chuyện theo mô típ tương tự tại quán ăn đó. Chúng tôi đều thống nhất rằng sẽ không quay lại quán ăn đó nữa để xem với thái độ phục vụ như vậy, quán ăn sẽ tồn tại được bao nhiêu lâu.
Đầu bếp Mỹ thưởng thức bún "mắng" ở Hà Nội
Bẵng đi 2 năm tôi không còn nghe thông tin về các thể loại bún mắng, cháo chửi cho đến khi biết về sự tồn tại của đoạn phóng sự do đầu bếp Anthony Bourdain thực hiện (tôi follow Twitter và Facebook của ông sau sự kiện Tổng thống Obama tới Việt Nam) phát trên CNN.
Hóa ra quán ăn đó vẫn tồn tại và điều đáng ngạc nhiên là nó vẫn đông khách và thái độ của bà chủ quán thì không thay đổi chút nào.
2. Tôi đã nhiều lần thử cố gắng tự đặt mình vào vị thế của bà chủ quán để tự trả lời câu hỏi: Tại sao bà lại chửi khách?
Tôi cũng đã thử gạt bỏ những suy tính nhỏ nhen, chấp nhận làm một vị khách bình thường để tự trả lời: Tại sao quán ăn đó vẫn đông khách?
Câu hỏi thứ 2 khiến tôi trăn trở hơn và có vẻ nó đúng bản chất vấn đề hơn: Tại sao vẫn có nhiều người hạ thấp tiêu chuẩn ẩm thực của mình để vừa ăn, vừa nghe chửi.
Tôi chỉ nghĩ thế này: Rất nhiều thực khách cho rằng, quán bún đó ngon, đúng phong vị ẩm thực Hà Nội nên họ kéo tới, bất chấp nếu không may mắn sẽ bị bà chủ mắng vào mặt.
Những thực khách này cho rằng mình là người sành ẩm thực. Thay vì ăn bừa một bát bún kém chất lượng ở đâu đó, họ tìm đến đúng nơi đã được thời gian kiểm định chất lượng.
Nhưng có vẻ như tất cả đã quên rằng, Việt Nam đã bước qua thời bao cấp rất lâu. Từ tiêu chuẩn ăn no mặc ấm lên tới ăn ngon mặc đẹp là cả một quá trình.
Nhưng giờ đây, tiêu chuẩn "ăn ngon" cũng đã lỗi thời. Ẩm thực của thế kỷ 21, của năm 2016 là sự tổng hòa của nhiều yếu tố: Thức ăn ngon, bài trí đẹp, phục vụ tốt, không gian thoáng đãng.
Nói cách khác, ẩm thực giờ đây đã được nâng lên tầm một nghệ thuật và những người sành ăn là nghệ sỹ.
Điều đó có nghĩa là tất cả những thực khách chỉ vì duy nhất tiêu chuẩn "ngon" mà bỏ qua tất cả những tiêu chuẩn còn lại đề nghe mắng nghe chửi, đều không phải người sành ăn thật sự. Chỉ là họ ngộ nhận mà thôi.
3. Bây giờ mới đến câu chuyện khó hiểu hơn: Câu chuyện về lòng tự trọng.
Tại sao trong cuộc sống chúng ta chấp vặt từng điều xúc phạm nhỏ nhặt nhất, nhưng lại chấp nhận bị một bà chủ quán chửi vào mặt, dù về bản chất mà nói, lẽ ra quy trình nên diễn biến ngược lại: Chúng ta bỏ tiền và chúng ta mới là người có quyền phát ngôn.
Việc vẫn còn rất đông thực khách tới ủng hộ một tổ hợp dịch vụ phát triển lệch lạc như vậy chẳng khác nào cổ xúy cho sự thiếu văn hóa.
Chúng ta đang vui vẻ bỏ tiền ra để "mua" sự xúc phạm?
Bấy lâu nay ngành dịch vụ ở Hà Nội đã nhận khá nhiều lời chê trách về sự thiếu chuyên nghiệp, thiếu thân thiện, thậm chí là hách dịch tới mức thiếu văn hóa.
Và thay vì thay đổi tư duy, chúng ta tiếp tục chấp nhận một sự thiếu văn hóa rõ rệt được trộn lẫn với cái gọi là "bản sắc", "truyền thống" tạo nên một mớ hổ lốn những sự tranh cãi ngớ ngẩn.
Thay đổi hoặc bị đào thải, đó là quy luật thị trường và những kẻ cố đi chệch khỏi con đường ấy đều không xứng đáng tồn tại.
Còn tôi cũng sẽ không vì tò mò với phóng sự của Anthony Bourdain mà trở lại với quán bún chửi đó thêm một lần nào nữa.