Trao đổi với PV Infonet, ông Vũ Kim Giang, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bất động sản Hải Phát, đơn vị đã và đang xây dựng hàng nghìn căn nhà ở xã hội tại Hà Nội cho hay: Vấn đề ở đây không phải là câu chuyện doanh nghiệp có làm được hay không mà cái chính là đầu ra cho sản phẩm.
Bởi theo ông, ngay khi công ty xây dựng dự án nhà ở xã hội The Vesta (Hà Đông) đã luôn đặt tiêu chí chất lượng thương mại, không gian sống, tiện ích phải không thua kém nhà ở thương mại mới có thể thanh khoản được sản phẩm.
Mặt khác, ông Giang cho rằng, mỗi vùng đặc thù có sự khác nhau, ở Bình Dương rất sẵn quỹ đất, quan trọng còn do tiêu chuẩn về làm nhà ở và nhu cầu nhà ở từng khu vực. Có thể ở Bình Dương nhu cầu làm nhà ở cho công nhân nên nhu cầu và sự cạnh tranh không cao như ở Hà Nội.
Rất nhiều yếu tố liên quan đến đầu ra cho sản phẩm như vị trí, chất lượng, tiện ích sống, giá thành sản phẩm; nếu có thể có những dự án ở xa với mức giá rất rẻ có thể vẫn bán được. Tuy nhiên, khi làm nhà quá rẻ thì mức độ hoàn thiện hay tiện ích không thể bằng được…
“Trong chiến lược phát triển của doanh nghiệp cũng không nghiên cứu kỹ hay định hướng phát triển xây dựng những nhà giá rẻ 100-200 triệu đồng như ở Bình Dương nhưng nếu Nhà nước đưa ra và cảm thấy làm được, hiệu quả thì sẽ có nhiều doanh nghiệp tham gia và Hải Phát cũng có thể tham gia nhưng phải có cơ chế chính sách đi kèm”, ông Giang nói.
Còn lãnh đạo một doanh nghiệp khác thì cho rằng khó có thể làm được căn hộ giá 100 triệu đồng thời điểm này ở Hà Nội. Lý do được vị lãnh đạo này đưa ra đó là do giá đất ở Hà Nội quá cao, trong khi nhu cầu của người mua nhà thì đòi hỏi rất nhiều thứ, không thể chỉ mua một căn nhà không có thang máy hay không có tiện ích gì ở xung quanh.
Khác với các ý kiến trên, cho rằng, Hà Nội có thể làm nhà ở xã hội như ở Bình Dương nếu thành phố “bật đèn xanh”, ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam lưu ý cần phải lựa chọn địa điểm cho phù hợp.
“Hà Nội hoàn toàn có thể áp dụng xây dựng được loại nhà giá rẻ như ở Bình Dương nhưng chọn địa điểm như thế nào cho phù hợp.
Ở trung tâm Hà Nội giá đất cao thì rất khó, chỉ nên áp dụng ở các khu công nghiệp lớn xung quanh Hà Nội như Sóc Sơn, Đông Anh… hay các khu cách trung tâm Hà Nội khoảng 15-20km thì phù hợp.
Sau này, khi hệ thống giao thông Hà Nội đồng bộ, có hệ thống xe buýt nối với thành phố như ở các nước thì trong phạm vi đi lại 10 – 20 km thì đi xe buýt đi làm là chuyện bình thường”, ông Hùng nói.
Ông Hùng cho rằng: “Nếu thành phố Hà Nội “bật đèn xanh” thì vẫn có thể làm được. Nhưng cần lấy ngay những diện tích đất mà nhà nước quy định các khu đô thị phải trả lại nhà nước, lúc đó không mất tiền sử dụng đất, tiền giải phóng mặt bằng, có sẵn hạ tầng rồi thì làm loại nhà giá rẻ này rất đơn giản”.
Cũng theo vị Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, với loại nhà quá rẻ này chỉ xây dựng khoảng 5 tầng thôi vì nếu làm cao hơn lại phải xử lý cọc, làm thang máy… thì chắc chắn không đảm bảo giá rẻ được.
Mặt khác, ông Hùng cho hay: Các doanh nghiệp ở Hà Nội có thể làm loại nhà ở như Bình Dương nhưng cần có cơ chế chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp cũng như cần có quy hoạch để doanh nghiệp làm, nhưng Hà Nội hiện nay vẫn đang “cứng” không cho doanh nghiệp làm nhà có diện tích nhỏ hơn 40m2, bây giờ cứ cho làm thí điểm đi xem có hiệu quả không.
Ông Hùng dẫn chứng: Ở các nước diện tích nhà ở cũng rất nhỏ, xung quanh phạm vi 30m2, bán giá 300-400 triệu đồng mà nhà nước đã ủng hộ hoàn toàn về giải phóng mặt bằng, cơ sở hạ tầng…
Quan trọng hơn nữa là đối tượng mua nhà, hiện nhiều người Hà Nội có nguyện vọng ở những căn nhà có diện tích chỉ khoảng 30 m2 thôi. Vì thế, nếu được cho phép thì doanh nghiệp sẽ làm được.