Vì sao “dân chơi” ma túy ưa chuộng chung cư, biệt thự?
Nếu như trước đây, “dân chơi” ma túy thường xuyên lấy quán bar, phòng karaoke làm nơi để tụ tập “bay lắc” thì nay, xu hướng này đang có dấu hiệu chuyển dịch sang chung cư, biệt thự. Bởi đặc trưng của các căn hộ này thường có không gian riêng, cách âm tốt, các đối tượng có thể tẩu tán “hàng cấm” khi bị phát hiện.
Ngày 7/11 vừa qua, Công an tỉnh Hưng Yên cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố 4 bị can về tội “Mua bán", "Tàng trữ trái phép chất ma túy”. Các đối tượng sử dụng căn hộ chung cư cao tầng ở xã Xuân Quan, huyện Văn Giang nhằm tàng trữ “hàng cấm” và sau đó xuất hàng đi từ chung cư nếu có khách mua.
Các đối tượng "bay lắc" trong căn biệt thự kiên cố với 4 lớp cửa, lắp đặt hệ thống camera giám sát 24/24 tại Từ Sơn, Bắc Ninh.
Qua điều tra, lực lượng chức năng thu giữ số lượng ma túy “khủng” lên tới 2930 viên ma túy tổng hợp, 4,477kg ma túy tổng hợp (gồm Ketamine, Methamphetamine, MDMA) và 225 túi ma túy “nước vui”. Đây là chuyên án ma túy được Công an tỉnh Hưng Yên triệt phá với số lượng ma túy tổng hợp thu giữ lớn nhất từ trước tới nay.
Cũng chỉ cách đây 2 tuần, lực lượng chức năng đã bắt giữ nhóm 17 người tụ tập “bay lắc” trong căn biệt thự kiên cố, xa hoa tại Từ Sơn, Bắc Ninh. Chủ căn biệt thự là Nguyễn Kim Sơn (37 tuổi, ở khu phố Chùa Dận, phường Đình Bảng, thành phố Từ Sơn).
Biệt thự của Sơn được thiết kế chắc chắn với 4 lớp cửa và lắp đặt hệ thống camera giám sát xung quanh 24/24 giờ. Bên trong, Sơn bố trí một phòng riêng tại tầng 3 có hệ thống cách âm, loa đèn hiện đại để phục vụ "bay lắc". Người ngoài rất khó tiếp cận.
Tuy nhiên, rạng sáng ngày 23/10, lực lượng chức năng đã ập vào bắt quả tang 17 đối tượng đang tụ tập “bay lắc” trong sự ngỡ ngàng của gia chủ, thu giữ ma túy tổng hợp. Qua xét nghiệm, 15/17 đối tượng dương tính với ma túy.
Ngoài việc sử dụng chính căn hộ của mình để tàng trữ, sử dụng ma túy, một số đối tượng còn đi thuê căn hộ chung cư làm “bãi đáp”. Đã xuất hiện hiện tượng chủ nhà cải tạo căn hộ chung cư thành “phòng bay”, sau đó rao cho thuê trên mạng với giá từ 2 triệu – 5 triệu đồng đối với mỗi 12 tiếng sử dụng. Với hình thức này, người thuê và người cho thuê làm việc hoàn toàn trực tuyến, không cần phải gặp mặt nhau. Sau khi giao dịch xong, thẻ phòng hoặc mật mã mở cửa sẽ được “ship” đến cho người thuê.
Điển hình như ngày 31/10, Công an quận Tây Hồ đã khởi tố Nguyễn Xuân Yến Nhi (SN 2000; trú Phương Mai, Đống Đa, Hà Nội) cùng 4 đối tượng mở “tiệc ma túy” trong căn chung cư Tân Hoàng Minh ở phường Xuân La. Nhi khai nhận, đêm 4/10 đã thuê căn hộ chung cư tại đây rồi rủ các bạn lên bật nhạc, sử dụng ma túy. Khi hết ma túy, Nhi cùng các đối tượng đặt mua trên mạng thêm ketamine và ma túy “nước vui” để tiếp tục sử dụng suốt nhiều ngày đêm. Đến sáng 8/10 thì cả nhóm bị cơ quan công an phát hiện, bắt giữ.
Xuất hiện nhiều loại ma túy mới dưới dạng thực phẩm, đồ uống
Theo Thượng tá Phạm Quỳnh, Phó trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an TP Hà Nội, các đối tượng tổ chức hoạt động khép kín, chọn ở các tòa chung cư cao cấp, có sự bảo vệ, kiểm soát chặt chẽ, gây khó khăn cho công tác trinh sát. Không chỉ làm nơi lẩn trốn, việc tội phạm lựa chọn chung cư còn nhằm tẩu tán tang vật khi biết hành vi bị bại lộ.
Cũng theo Thượng tá Phạm Quỳnh, trên thị trường hiện nay xuất hiện nhiều loại ma túy tổng hợp mới, nằm trong vỏ bọc như thực phẩm, đồ uống. Về thủ đoạn, có đối tượng nghiền nhỏ ma túy (thuốc lắc) rồi trộn với bột café hoặc pha vào nước ngọt, soda sau đó đóng thành túi, chai thành phẩm bán cho khách. Tội phạm cũng chế biến cần sa thành bánh với các thành phần khác như bơ, bột mì… rồi rao bán trên mạng xã hội.
Thượng tá Phạm Quỳnh, Phó trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an TP Hà Nội.
“Trên thị trường ngày càng xuất hiện nhiều loại ma túy tổng hợp có mẫu mã, hình thức, thành phần chất ma túy, gây nghiện, chất hướng thần mới được giới trẻ ưa chuộng. Đáng báo động, ma túy được pha trộn, đóng gói dưới dạng thực phẩm, đồ uống nhằm che giấu cơ quan chức năng” – Thượng tá Phạm Quỳnh cho biết.
Trả lời đại biểu Quốc hội tại nghị trường, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết: Hiện nay tình trạng sử dụng trái phép chất ma túy nói chung và ma túy tổng hợp nói riêng có gia tăng và ngày càng trẻ hóa. Theo thống kê của Bộ Công an, tính đến tháng 9/2023, toàn quốc có khoảng 213.000 người nghiện và người sử dụng trái phép chất ma túy. Trong đó trên 81.000 người từ 16 đến 30 tuổi, chiếm khoảng 38%.
“Trong khi đó, các loại ma túy ngày càng đa dạng chủng loại, giá thành rẻ, dễ cất giấu, dễ sử dụng. Chúng có thể len lỏi vào trường học, núp bóng dưới những cái tên rất mỹ miều, gây tò mò như “tem giấy”, “nước vui”, “trà sữa”, “khô gà”… khiến cử tri và phụ huynh học sinh rất lo lắng” – Đại tướng Tô Lâm chỉ rõ.
Bộ trưởng Bộ Công an trả lời đại biểu Quốc hội
Cùng với giải pháp đấu tranh phòng chống ma túy thì Bộ Công an tập trung ngăn chặn nguồn cung từ bên ngoài vào, đặc biệt là coi trọng giảm nguồn cầu, nhất là ở đối tượng giới trẻ, thanh niên, học sinh.
Bên cạnh đó, phối hợp với các bộ ngành, đoàn thể tăng cường tuyên truyền về Luật Phòng, chống ma túy; các chất ma túy mới để các thanh, thiếu niên, học sinh biết, chủ động phát hiện, phòng tránh.
Lực lượng chức năng cũng thường xuyên kiểm tra, rà soát và triển khai biện pháp nghiệp vụ phát hiện, đấu tranh, xử lý các vi phạm sử dụng trái phép chất ma túy tại khu vực trường học, quán bar, karaoke, vũ trường; triệt phá các tụ điểm tổ chức sử dụng ma túy trái phép tại các địa phương.