Chùm ảnh trực quan: Lý giải thảm họa đám đông qua góc nhìn khoa học

HÀ PHÁT |

Di chuyển trong đám đông với mật độ 4 người trên 1 mét vuông là vừa đủ an toàn, bởi mọi người có không gian để di chuyển và hạn chế va chạm.

Nhìn lại sự kiện

Tối thứ Bảy (29/10) vừa rồi, khoảng 100.000 người đổ xô tới khu phố Itaewon, Seoul để hòa vào không khí lễ hội Halloween. Không ai ngờ sự kiện diễn ra trong đêm đó lại trở thành một trong những thảm họa tồi tệ nhất ở Hàn Quốc.

Ảnh chụp ga tàu điện ngầm Itaewon trước thảm kịch cho thấy một lượng lớn người đang tụ tập để chơi lễ. Khu vực này nổi tiếng vì có đời sống về đêm sôi động, với hàng loạt nhà hàng và quán bar hoạt động nhộn nhịp. Bên cạnh những trục đường lớn, khu vực cũng có không ít con hẻm dốc và ngoằn ngoèo.

Chùm ảnh trực quan: Lý giải thảm họa đám đông qua góc nhìn khoa học - Ảnh 1.

Một trong những con hẻm dẫn vào khu vực có nhiều quán bar và hộp đêm (Nguồn: Raphael Rashid)

Lễ hội Halloween năm nay là dịp mà lệnh hạn chế tụ tập gần như được nới lỏng hoàn toàn sau 3 năm giãn cách. Ước tính có khoảng 100.000 người đã tập trung trên khu phố để chơi lễ.

Vì khu phố quá đông, cảnh sát gặp nhiều trở ngại khi cố gắng kiểm soát và điều hướng dòng người. Những người bán hàng gần đó nhận thấy lượng người chơi lễ ở Itaewon năm nay dường như đông hơn hẳn so với những năm trước.

Sau 22 giờ (giờ địa phương), con hẻm dốc gần khách sạn Hamilton bắt đầu trở nên hỗn loạn. Nhân chứng cho biết đoàn người đổ về dần theo nhiều hướng khác nhau. Sau đó, một số người bị trượt chân trên dốc, người đằng sau xô đẩy người đằng trước, tạo ra hiệu ứng Domino - tất cả đè chồng lên nhau, không ai di chuyển nổi.

Hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap cho biết, con hẻm dốc dài khoảng 45m và rộng 4m, nối khu nhà hàng với con phố chính, và chỉ vừa đủ cho 5-6 người trưởng thành cùng đi một lúc.

Các cuộc gọi cấp cứu đầu tiên được ghi nhận vào khoảng 22 giờ 15 phút. Theo Yonhap, sở cứu hỏa nhận được hàng chục tin báo yêu cầu trợ giúp những nạn nhân bị khó thở.

Chùm ảnh trực quan: Lý giải thảm họa đám đông qua góc nhìn khoa học - Ảnh 2.

Con hẻm dốc khi nhìn từ trên cao (Nguồn: Google Earth)

Các đoạn phim chia sẻ trên mạng cho thấy một số người cố gắng thoát ra bằng cách trèo lên các dãy tường cao hai bên hẻm, những người khác thì la hét hoặc gào khóc.

Nhân chứng cho biết đường phố chật cứng người, các phương tiện thì di chuyển chậm đến mức xe cấp cứu không vào kịp đến con hẻm gần khách sạn Hamilton.

Đám đông di chuyển đột ngột, không thể thoát khỏi do mắc kẹt trong không gian hẹp

Đầu tiên, có quá nhiều người trong cùng một không gian. Mật độ phù hợp là dưới 4 người trên 1 mét vuông. Trong đám đông có mật độ trên 5 người/mét vuông, chỉ cần có chuyển động đột ngột từ một phía, phía còn lại cũng sẽ bị đẩy đi bởi áp lực. Ngoài ra, không phải lúc nào mọi người cũng đủ cao để nhìn thấy phía trước và dự đoán mật độ đám đông, nên vẫn có những người liên tục tiến vào đám đông dù bên trong đã chật chứng.

Thứ hai, tồn tại chướng ngại vật ở hai bên. Ở Itaewon, các nạn nhân bị kẹt trong một con hẻm dốc và hẹp, rất khó để thoát ra theo đường khác hoặc trèo lên dãy tường ở hai bên. Cảnh tượng này giống với thảm họa chen lấn tại lễ hội "Love Parade" diễn ra tại Đức năm 2010, khi người người xô đẩy và chen lấn nhau trong đường hầm.

Thứ ba, đám đông ngã nhào và xếp chồng lên nhau, người phía sau đè lên người ở phía trước, điều này tạo thành một chướng ngại vật khác khiến không ai có thể thoát ra. Nếu người phía trước ngã, họ sẽ tạo ra một khoảng trống đột ngột, những người ở phía sau cũng sẽ mất đà và ngã nhào theo.

Chùm ảnh trực quan: Lý giải thảm họa đám đông qua góc nhìn khoa học - Ảnh 3.

Rủi ro khi di chuyển trong đám đông (Nguồn: Keith Still, Fire Safety Engineering Group, University of Greenwich)

Chùm ảnh trực quan: Lý giải thảm họa đám đông qua góc nhìn khoa học - Ảnh 4.

Chỉ cần một người trượt ngã, cả nhóm người sẽ mất cân bằng (Nguồn: Keith Still, Fire Safety Engineering Group, University of Greenwich)

Làm gì nếu bị mắc kẹt?

Đầu tiên, bạn nên rời đi ngay khi thấy đám đông dần trở nên đặc kín người, đặc biệt tránh xa những khu vực hẹp, trơn trượt, hoặc nơi có người đang thực hiện những hành vi dại dột.

Nếu không may bị kẹt trong đám đông, bạn nên lưu ý:

- Cố gắng đững vững bằng hai chân và tránh những vật cản dưới đất

- Bảo vệ không gian quanh ngực

- Không xô đẩy, thuận theo đám đông

- Tránh tường và vật cứng

- Không quay lại đám đông để tìm người, hãy đứng chờ ở vị trí có nhiều không gian hơn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại