Có những mảnh đất Tết sẽ ghé thăm sớm hơn so với những nơi khác. Là khi khắp các ngõ xóm đều biếc xanh màu xanh của lá dong, là mùi thơm ngậy của đậu xanh "đung đưa" trên từng căn bếp, là cột khói vương vấn "bay ra" từ những nồi hấp. Làng Tranh Khúc (xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì, Hà Nội) chính là một trong số nhiều mảnh đất diệu kỳ như thế.
Ở đây, cứ hễ vào mùa nhộn nhịp gói bánh chưng là Tết đã về trong từng căn nhà.
Chẳng ai biết được làng nghề này ra đời từ khi nào. Nhưng chắc có lẽ là từ lâu lắm rồi, cứ cha truyền con nối rồi hết đời này sang đời khác. Dần dần, người làng đem bánh chưng đi khắp Hà Nội, sang các tỉnh lân cận và ra tận nước ngoài.
Làng Tranh Khúc mang đậm dấu ấn của một làng quê đậm nét truyền thống khó có thể tìm thấy ở nơi nào khác. Cứ về làng những ngày giáp Tết, có cái gì đó níu chân chúng ta trước khung cảnh của những ngõ xóm nhỏ. Người người nhà nhà đều tất bật gói bánh.
Theo dân làng, yêu tố quyết định hương vị thơm ngon của bánh chưng chính là việc lựa chọn nguyên liệu kĩ càng, tỉ mỉ. Họ cầu kỳ và chu đáo ngay từ khâu chọn lá, gạo, đỗ xanh và thịt.
Lối dẫn vào làng Trang Khúc nức tiếng với nghề làm bánh chưng lâu năm.
Đến thăm làng Tranh Khúc, bất kỳ nhà nào tầm này cũng đều rạo rực, nhộn nhịp cho những ngày giáp Tết truyền thống.
Lá dong phải chọn lá thật xanh, tươi, được đặt mua trên rừng từ các tỉnh: Nghệ An, Thanh Hóa, Lào Cai. Lá sau khi mua về phải được chà sạch và rửa đi rửa lại đến 3 lần rồi đem đi hong khô.
Lá dong xanh mướt trong làn nước trong veo. Để gói một chiếc bánh chưng thì cần tới 7 tàu lá, vì thế số lượng lá mỗi lần nhập về rất lớn.
Tuy nhiên tại làng Tranh Khúc, nhiều nhà dân đã bắt đầu tự trồng lá dong phục vụ việc gói bánh chưng.
Gạo nếp phải là loại nếp cái hoa vàng, được nhập từ những quê gạo nổi tiếng như Thái Bình, Nam Định, Hải Dương. Có như vậy thì vỏ bánh mới dẻo được!
Thịt lợn được lấy tại địa phương, chủ yếu là thịt nạc mông, vai nhưng ngon nhất vẫn là thịt ba chỉ.
Làm nghề lâu năm, bàn tay người dân khéo léo đưa nhịp, cứ một lớp gạo - một lớp nhân rồi lại một lớp gạo, thoăn thoắt chưa đầy 30 giây. Không giống như trong các xưởng làm bánh chưng công nghiệp, ở làng Tranh Khúc không cần khuôn người dân vẫn có thể gói "trăm cái như một!", rất vuông vức.
Bánh được xếp vào nồi hơi để đem luộc, đun khoảng 8 – 10 tiếng. Thành phẩm cuối cùng là những chiếc bánh chưng nóng hổi, thơm lừng cả vùng thôn xóm.
Nhân bánh được bọc trong lớp đỗ xanh tách vỏ nấu nhuyễn, tạo nên sự hài hòa cho các nguyên liệu từ trong ra ngoài.
Đôi bàn tay thoăn thoắt gói bánh mà không cần khuôn.
Những chiếc bánh chưng bé xinh chuẩn bị được đưa vào nồi hấp.
Bánh được xếp vào nồi hơi để đem luộc, đun khoảng 8 – 10 tiếng.
Bánh vừa chín tới được người dân xếp lên xe, "tập trung" vào kho chuẩn bị cho việc "xuất khẩu" ra trung tâm Hà Nội và các tỉnh lân cận khác.