Trả lời phỏng vấn Infonet về việc mạng xã hội (MXH) “lên đồng tập thể” trước đề xuất của đại biểu HĐND TP Hồ Chí Minh Phan Thị Hồng Xuân là dùng lu để chống ngập nước, PGS.TS Nguyễn Văn Dững, giảng viên cao cấp Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng “đây là điều đáng tiếc”.
- Thưa ông, MXH hiện nay đang "nổi sóng" trước đề xuất của bà Phan Thị Hồng Xuân là “phát lu cho dân” để chống ngập nước trong thành phố. Theo ông, việc cộng đồng mạng "nổi sóng" chê bai và chỉ trích đề xuất trên có đúng hay không?
Ông Nguyễn Văn Dững: MXH nổi sóng giận dữ, chỉ trích, theo tôi có thể do tiềm ẩn tâm trạng thiếu lành mạnh trong xã hội chúng ta. Hễ cứ có quan chức nào nêu ra cái gì ngoài chống tham nhũng quyết liệt, thì hầu như đều bị chỉ trích, phản đối và phản bác dữ dội.
Điều này theo tôi không tốt. Mỗi cư dân trên mạng xã hội nên bình tĩnh xem xét, vì cái chung, vì cộng đồng và đừng vì xả bực bội cá nhân gì đó.
- Như nhiều chuyên gia phân tích, đề xuất này không mang tính khả thi, tuy nhiên vị đại biểu vẫn nói lại rằng "bà không tự nghĩ ra, mà phương pháp này được Nhật Bản và một số nước đã thực hiện". Theo ông, đề xuất như vậy có hợp lý?
Ông Nguyễn Văn Dững: Đề xuất mỗi nhà dùng Lu hứng nước giúp chống ngập khi có trận mưa lớn có ý nghĩa cần kíp như vị đại biểu HĐND là một đề xuất có gốc gác, chứ không bộc phát. Đó là giải pháp dân gian, truyền thống đã được một số nước sử dụng.
Có thể nói như kiểu “chiến tranh nhân dân”, huy động sức mạnh toàn dân, thủ công, nhưng hiệu quả.
Một số nước trong đó có Nhật Bản đã sử dụng nó trong một thời gian và có ý nghĩa.
Bởi vì, với những trận mưa lớn xảy ra, nếu có chum, lu hay bể hứng nước có thể giảm rất đáng kể lượng nước mặt tràn gây ngập úng.
Ví dụ một trận mưa đổ xuống khoảng 10 triệu mét khối nước, nếu dùng 3-4 triệu cái chum hay cái lu hoặc bể với sức chứa khoảng 3-5 triệu m3 nước thì đó là cách chống ngập khẩn cấp hiệu quả, chứ không đùa!
Tất nhiên là chỉ những nhà có điều kiện đặt chum, lu hay xây bể và nước hứng được sẽ sử dụng vào rửa, giặt,... cũng tốt. Với những nhà cao tầng, cần nghiên cứu phương án xây bể chứa, cũng tốt.
- Nói như ông thì rõ ràng thì đề xuất trên có căn cứ, chứ không bộc phát. Vậy vì sao không chỉ cư dân mạng mà nhiều chuyên gia trong nước cũng lên tiếng phản đối?
Ông Nguyễn Văn Dững: MXH phản đối dữ dội theo tôi có thể là do đề xuất này chưa được trình bày, giải thích như một phương án hay giải pháp để thuyết phục người khác mà chỉ mới nêu ra đề xuất cái tên sự việc thôi.
Một số facebookers hình như luôn chờ sẵn có sự việc là…."bật", kể cả những trí thức, những người có học hành đàng hoàng.
Mặt khác, hình như trong xã hội đang tiềm ẩn tâm lý phản đối tất cả, dù là các đề xuất cá nhân, dù là nghe chưa tường hay chưa xem xét thấu đáo, cũng đã bùng lên làn sóng phẫn nộ, chỉ trích gay gắt.
Đây là hiện tượng đáng buồn, cần có chiến lược giải quyết tầm quốc gia về truyền thông và quyết sách KT-XH.
- Thưa ông, lâu nay trước bất cứ một đề xuất "sốc" nào cũng sẽ gặp phản ứng của dư luận và mặc nhiên cộng đồng mạng lao vào lên án, chỉ trích. Vậy theo ông, chúng ta cần ứng xử như thế nào cho phù hợp khi tranh luận trong đời sống thực cũng như trên không gian mạng?
Ông Nguyễn Văn Dững: Theo tôi, tất cả chúng ta, dù là cư dân mạng hay ở đâu và với địa vị pháp lý như thế nào cũng nên làm quen với các ý kiến khác mình, thậm chí là đối lập với ý kiến hay quan điểm cá nhân hay tổ chức - dù đó là đề xuất của quan chức hay công dân nói chung. Và không vì khác ý kiến, khác quan điểm mà chửi bới, làm ầm lên.
Nếu khác ý kiến hay quan điểm nhau thì có thể phản hồi, phản biện lại nhưng khi phản biện hay tranh luận trên MXH, người đưa ra quan điểm tranh luận phải mang tính xây dựng, thái độ góp ý chân thành.
Việc tranh luận có thể phản bác, nhưng là phản bác có lập luận thuyết phục, không nên chửi bới hay phỉ báng người khác.
Nếu không đưa ra được lập luận thuyết phục mà chỉ chửi bới ý kiến người khác thì nhiều người nghe được, đọc được cũng bị ảnh hướng tâm lý và người "được" chỉ trích càng bị tổn thương. Bởi chúng ta đều là con người, có cảm xúc và lý trí cả.
Tất nhiên, là cán bộ công chức thì cần sẵn sàng đón nhận các ý kiến cả khen và chỉ trích khi thực thi công vụ với thái độ cầu thị. Trường hợp ĐBHĐNDTP Hồ Chí Minh trình bày lại ý kiến của mình trên báo chí là rất đúng mực, rất đáng trân trọng.
Chúng ta mong muốn xã hội có quá trình mở rộng dân chủ nhanh hơn để tranh luận, để đóng góp cho sự phát triển bền vững nhưng đó là sự tranh luận hay phản biện có văn hóa, chứ không phải là tận dụng cơ hội để xả tức bực, để chửi bới, để chì chiết nhau.
Như vậy chỉ làm vẩn đục môi trường tranh luận và chẳng có ích gì cho xã hội chúng ta cả. Đó là điều đáng tiếc.
- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!