Chưa thể nói bà Clinton đã "chính thức" trở thành ứng viên Tổng thống

Đức Huy |

Truyền thông hôm nay đã đồng loạt trích dẫn thông tin của AP về việc Hillary Clinton đã "chính thức" trở thành ứng viên đại diện đảng Dân chủ tranh cử Tổng thống, tuy nhiên...

Theo tính toán của AP, bà Clinton đã đạt đủ số lượng đại biểu cần thiết (2.383) để giành quyền đại diện đảng Dân chủ tranh cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới.

"AP đã tổng hợp số lượng đại biểu mỗi ứng viên giành được trong vòng bầu cử sơ bộ (pledged delegate), cùng với việc thăm dò ý kiến các siêu đại biểu (superdelegate), và kết quả cho thấy bà Hillary Clinton đã giành được đủ số 2.383 đại biểu.

Giờ bà đã trở thành ứng viên dự kiến (presumptive nominee), và bà sẽ chính thức chấp thuận đề cử của đảng mình tại Đại hội đảng Dân chủ vào tháng 7 tới" - hãng tin này viết.

Chưa thể nói bà Clinton đã chính thức trở thành ứng viên Tổng thống - Ảnh 1.

Hãng tin Yahoo đăng tải số lượng đại biểu bà Clinton và ông Sanders đã giành được, dựa trên thông tin của AP

Tuy nhiên, kết luận bà đã "chính thức" giành quyền đại diện là quá vội vàng.

Sở dĩ người viết nói vậy là bởi, tính toán của AP dựa trên việc họ "thăm dò ý kiến siêu đại biểu". Theo luật bầu cử của đảng Dân chủ, các siêu đại biểu (tức những quan chức, cựu quan chức, những nhân vật "gạo cội" của đảng Dân chủ) có quyền lựa chọn bầu cho bất kì ứng viên nào họ muốn mà không bị ràng buộc bởi yếu tố nào.

Các siêu đại biểu chỉ bắt buộc phải đưa ra lựa chọn cuối cùng của họ tại Đại hội đảng Dân chủ. Nói cách khác, dù bây giờ một siêu đại biểu A có nói với AP rằng ông ta bầu cho Clinton, thì từ giờ cho đến khi Đại hội khai mạc, ông A hoàn toàn có thể thay đổi ý kiến và bầu cho Sanders.

AP cũng hiểu điều này, vậy nên họ chỉ dùng cụm từ "ứng viên dự kiến" (presumptive nominee) để gọi bà Clinton. Tuy nhiên đa số báo chí lại tỏ ra khá vội vàng khi gọi bà Clinton là ứng viên chính thức, trong khi AP không hề khẳng định điều đó.

Tại sao lại chọn đúng lúc này?

Sau khi hãng tin AP đưa ra thông tin bà Clinton đã giành chiến thắng, một hiệu ứng domino đã hình thành tại Mỹ, khi hàng loạt các báo khác như NBCNews, Politico,... cũng tuyên bố chiến thắng đã thuộc về cựu Ngoại trưởng Mỹ.

Điều này đã khiến ông Sanders cũng như các cử tri ủng hộ ông hết sức phẫn nộ. Trả lời phỏng vấn phóng viên AP Lisa Lerer, ông Sanders khẳng định: "Bà Clinton chưa có đủ số lượng đại biểu cứng (pledged delegate), còn siêu đại biểu (superdelegate) thì phải đến Đại hội đảng mới ngã ngũ. Cuộc chiến vẫn tiếp diễn".

Chưa thể nói bà Clinton đã chính thức trở thành ứng viên Tổng thống - Ảnh 2.

Ông Sanders đáp trả thông tin của AP.

Một chi tiết đáng nói khác, là tại sao AP lại chọn đúng lúc này, tức là chỉ một ngày trước khi Siêu thứ Ba phiên bản 3.0 diễn ra, trong đó có bang California vô cùng quan trọng, với 475 đại biểu có thể giành được.

Về mặt lý thuyết, tuy bà Clinton đang có lợi thế lớn, nhưng nếu tạm bỏ qua số lượng siêu đại biểu, thì cựu Ngoại trưởng Mỹ chỉ hơn ông Sanders 318 đại biểu, một khoảng cách tuy tương đối xa nhưng không phải là không thể san bằng, nhất là nếu ông giành được kết quả thuận lợi tại California.

Nhưng với thông tin của AP cũng như việc rất nhiều báo đưa tin bà Clinton "chính thức" giành chiến thắng ngay trước thềm bầu cử, thì rất nhiều cử tri ủng hộ ông Sanders tại California sẽ cảm thấy chưng hửng, và lượng phiếu bầu cho ông sẽ bị ảnh hưởng.

Chưa thể nói bà Clinton đã chính thức trở thành ứng viên Tổng thống - Ảnh 3.

Ông Sanders đã bỏ ra rất nhiều công sức và tiền của để vận động tranh cử tại California. Ảnh: AP

Tất nhiên bà Clinton cũng sẽ bị ảnh hưởng vì lý do tương tự, khi cử tri thấy rằng ứng viên mình ủng hộ đã thắng rồi thì không việc gì phải mất công đi bỏ phiếu nữa. Nhưng với lợi thế dẫn trước của mình hiện tại, rủi ro với cựu Ngoại trưởng Mỹ thấp hơn rất nhiều so với đối thủ Sanders.

Một hệ quả khác có thể khiến bà Clinton gặp nhiều khó khăn trong tương lai, đó là việc AP tuyên bố như vậy sẽ khiến các cử tri ủng hộ ông Sanders đổ lỗi thất bại của ứng viên này cho các siêu đại biểu, tức giới tinh hoa mà trong suốt chiến dịch tranh cử của mình ông Sanders luôn kịch liệt chỉ trích, trong khi thực chất bà Clinton vẫn dẫn xa ông Sanders kể cả khi không tính đến các siêu đại biểu.

Như vậy, khi Clinton chính thức trở thành ứng viên, thì bà sẽ đứng trước nguy cơ mất đi rất nhiều lượng phiếu bầu từ cử tri Dân chủ trước đó ủng hộ Sanders, mà một phần nguyên nhân không đâu xa, chính là do thông tin của AP hôm nay.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại