Chưa qua Tết đã khóc vì quất

Phong Lan |

Thời tiết không thuận lợi khiến cho quất bị chết, héo vàng, số lượng quất phục vụ Tết bị giảm. Dù giá quất không biến động so với năm trước, nhưng tại các nhà vườn vẫn vắng người mua.

"Trồng 200 gốc quất cả năm, nhưng may lắm chỉ lãi được 25-30 triệu đồng", bác Kim Thắng, chủ nhà vườn Kim Thắng, Hoài Đức, Hà Nội, nhìn vườn quất gia đình than thở. Giống như nhiều người dân tại các vùng trồng quất lớn quanh Hà Nội khác, gia đình bác dự đoán năm nay khó có cái Tết sung túc bởi sự bất thường của thời tiết.

"Thời tiết năm nay khó khăn hơn cho người làm vườn, đặc biệt là với trồng quất. Chúng tôi tổn thất nặng nề vì nắng nóng. Mỗi ngày tôi chỉ bán được 1-2 chậu. Dẫu may mắn bán hết 200 gốc, nhưng trừ chi phí, gia đình có thể chỉ thu được 25-30 triệu đồng, chưa bằng phân nửa những năm trước".

Những vườn quất ở Tứ Liên - thủ phủ quất cảnh Hà Nội - cũng chung cảnh xơ xác vì nắng nóng. Héo vàng, rụng lá, chết khô với số lượng lớn, phải chặt bỏ hay dùng làm hàng rào trở thành nỗi ám ảnh của người trồng quất Tứ Liên những ngày qua.

Nguồn cung giảm nhưng điều đáng ngại là sức tiêu thụ quất thấp dù giá không biến động nhiều. Theo chủ vườn Chiến Cảnh, số lượng quất to có giá cao tại các vườn chỉ khoảng 20%, nếu bán hết thì cũng không lãi được bao nhiêu, bởi số còn lại có giá trung bình và thấp không bán được nhiều.

Mỗi cây bán tại vườn có giá dao động từ 1,5 triệu đồng đến hơn 10 triệu đồng. Một vài cây lớn hơn, cao 3m với tán to rộng, quả to tròn được bán với giá 20 triệu đồng, nhưng khách đến hỏi không nhiều.

Thêm vào đó, những làng quất Hà Nội đa phần đều phải mua giống nơi khác, chủ yếu từ Văn Giang, Hưng Yên. Quá trình sản xuất phải thêm phân bón, công chăm sóc, đặc biệt phải bù nước liên tục do trời nắng khiến chi phí đội cao.

Nếu quất không bán hết, người làm vườn chỉ còn cách cắt quả bán cho các nhà hàng, cửa hàng ăn... hoặc bán cho thương lái để làm đồ trang trí với giá rất rẻ. Riêng thân cây sẽ được giữ lại, tiếp tục chăm sóc, chờ đợi tới năm sau.

Chưa qua Tết đã khóc vì quất - Ảnh 1.

"Gia đình tôi 2 năm nay không còn chọn quất hay đào để chơi Tết nữa. Vì quất nếu cây đẹp thì giá cao mà ít tiền thì không được vừa ý, việc vận chuyển lại cồng kềnh.

Xong Tết không có nơi để trồng mà phải mang bỏ đi nên rất phí. Nhiều người ở chung cư cũng chuyển qua mua những chậu cảnh nhỏ vừa rẻ, đẹp lại tiện", chị Đỗ Thị Thu Hương, nhà tại khu đô thị Linh Đàm, Hà Nội, chia sẻ.

Hiện tại, các cửa hàng bán cây cảnh trên đường Hoàng Hoa Thám, những loại quất truyền thống Nhật Tân, Quảng An, Tứ Liên... không được nhập về nhiều, thay vào đó là những loại cây cảnh khác như hoa hồng, phong lan, phật thủ...

Chỉ có một số loại quất mới như cây bonsai, quất ghép kích thước nhỏ được bày bán nhiều tại các cửa hàng cây cảnh, giá từ 700.000 đồng - 2,5 triệu đồng.

20 ngày trước Tết, hầu hết các vườn quất Hà Nội đã chín vàng. Các nhà vườn đã chuẩn bị cắt tỉa, uốn cành và lên chậu. Nhưng nếu người tiêu dùng vẫn thờ ơ với quất Tết như thời điểm hiện tại, thì người trồng quất Hà Nội năm nay lại có một cái Tết buồn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại