Chưa kịp "cúng mụ", thứ này đã lọt vào tay người Nga - Chuyên gia vạch rõ viễn cảnh kinh hoàng ở Ukraine

Hoài Giang |

Hóa ra những gì các chuyên gia Tyler Rogoway (Mỹ) và Thomas Newdick (Anh) lo lắng đã trở thành sự thật.

Chưa kịp "cúng mụ"

Hôm 19/11 - tức là chưa đầy tháng trước - Iran đã chính thức giới thiệu biến thể mới của 1 dòng máy bay không người lái (UAV) khét tiếng Shahed trong một triển lãm của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC).

Điểm khác biệt quan trọng nhất giữa mẫu UAV mwois - Shahed-238 với những người tiền nhiệm khét tiếng Shahed-136 và "biến thể Nga" Geran-2 là động cơ phản lực đã thay thế động cơ cánh quạt.

Tại thời điểm Shahed-238 được IRGC ra mắt, các chuyên gia Tyler Rogoway (Mỹ) và Thomas Newdick (Anh) đã đưa ra các nhận xét dưới đây trong bài viết được đăng tải trên The War Zone:

"Mặc dù không có chi tiết về thông số kỹ thuật của Shahed-238, nhưng động cơ phản lực sẽ giúp UAV có tốc độ cao hơn đáng kể so với động cơ cánh quạt của Shahed-136 - yếu tố quan trọng khi cố gắng truy đuổi các mục tiêu nhạy cảm về thời gian...

Người Nga đang tích cực sản xuất và vận hành Shahed-136 (Geran-2), họ thậm chí lên kế hoạch chế tạo trong nước ít nhất 6.000 chiếc vào năm 2025.

Mặc dù mục tiêu này rất có thể là quá tham vọng, nhưng khá chắc chắn rằng họ đang tìm cách tăng số lượng và khả năng của những chiếc Shahed trong trang bị.

Chưa kịp cúng mụ, thứ này đã lọt vào tay người Nga - Chuyên gia vạch rõ viễn cảnh kinh hoàng ở Ukraine - Ảnh 1.

3 phiên bản của Shahed-238 trong triển lãm ở Iran.

Dựa trên kinh nghiệm trước đây của họ với loại UAV này, Shahed-238 chắc chắn sẽ được quan tâm và thậm chí người Nga có thể đã tài trợ từ trước cho việc phát triển biến thể này.

Suy cho cùng, mặc dù Shahed-136 có tầm hoạt động rất ấn tượng nhưng điều này là không cần thiết với người Nga. Biến thể sử dụng động cơ phản lực sẽ giúp UAV nhanh hơn và có khả năng sống sót cao hơn nhiều.

Cần lưu ý rằng khó khăn trong việc đánh chặn Shahed-136 xuất phát từ việc chúng nhỏ và bay thấp. Hiện các lực lượng phòng không cần được trang bị đèn rọi và pháo phòng không để đối phó với chúng. Nhưng những thứ đó sẽ không thể ngăn chặn một chiếc Shahed nhanh hơn.

Ngay cả những hệ thống phòng không tiên tiến hơn cũng sẽ gặp nhiều thách thức hơn - chủ yếu do UAV di chuyển nhanh khiến thời gian phản ứng giảm và việc đánh chặn trở nên khó khăn hơn.

Điều này càng trở nên bất khả thi trong một cuộc tấn công được kết hợp cả 2 loại Shahed cùng tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo.

Đồng thời, việc đa dạng hơn về phương thức dẫn đường - tìm kiếm mục tiêu có thể khiến việc chế áp chúng cũng khó khăn hơn".

Chưa kịp cúng mụ, thứ này đã lọt vào tay người Nga - Chuyên gia vạch rõ viễn cảnh kinh hoàng ở Ukraine - Ảnh 2.

Shahed-238 với động cơ phản lực.

Đã đến tay người Nga?

Ít giờ trước, hãng tin Sputnik của Nga dẫn tuyên bố của Chuyên gia - Cựu Thiếu tướng Nga Vladimir Popov cho biết Không quân Vũ trụ Nga (VKS) "đã có những cải tiến đáng kể về thiết kế UAV loại Geran - cụ thể là trang bị cho chúng động cơ phản lực".

Ông Popov nhấn mạnh:

"Một sửa đổi mới của với động cơ phản lực cỡ nhỏ đã tăng tốc độ đáng kể.

Nếu trước đây tốc độ hành trình của Geran-2 với động cơ cánh quạt là 180-200 km/h, đạt tới 300 km/h khi bổ nhào thì bây giờ tốc độ hành trình đã tăng lên 450-600 km/h và cao hơn nhiều khi bổ nhào.

Sự gia tăng tốc độ này khiến UAV ít bị đối phương đánh chặn hơn.

Hơn nữa, nhờ tốc độ cao và việc sử dụng hệ thống GLONASS, máy bay không người lái được cập nhật có thể tiếp cận mục tiêu chính xác hơn".

Chưa kịp cúng mụ, thứ này đã lọt vào tay người Nga - Chuyên gia vạch rõ viễn cảnh kinh hoàng ở Ukraine - Ảnh 3.

UAV Geran-2 trong tác chiến, đây được cho là "biến thể Nga" của Shahed-136.

Viễn cảnh kinh hoàng?

Đề cập tới cùng chủ đề trong bài viết được Topcor.ru đăng tải ít giờ trước, nhà phân tích Nga Sergey Marzhetsky nhấn mạnh về cái gọi là "động cơ phản lực" mà ông Popov lưu ý:

"Sự xuất hiện dòng động cơ tua-bin khí cỡ nhỏ ở Nga mở ra cơ hội rộng lớn cho sự tiến bộ nhanh chóng trong lĩnh vực hàng không không người lái và thậm chí có người lái.

Thứ nhất, nếu dòng động cơ này được đưa vào sản xuất hàng loạt, sự phụ thuộc vào động cơ nhập khẩu dành cho UAV sẽ bị loại bỏ.

Như các chuyên gia đã lưu ý, động cơ tua bin khí có thể được chuyển đổi thành động cơ tua bin trục, tua bin phản lực hoặc tua bin cánh quạt và có thể lắp đặt trên không chỉ UAV mà còn là máy bay có người lái và trực thăng hạng nhẹ.

Thứ hai, nó có thể tăng đáng kể hiệu suất của các UAV như Geran hay Lancet đang được Nga sử dụng tích cực. Đúng, động cơ loại này tốn nhiên liệu hơn nhưng chúng sẽ cho phép các UAV dùng một lần đạt tốc độ cao hơn nhiều, khiến các hệ thống phòng không khó đánh chặn chúng.

Thứ ba, với sự ra đời của động cơ tua bin khí cỡ nhỏ ở Nga, việc trang bị thêm một thứ như vậy cho bom liệng Nga là hoàn toàn có thể.

Ví dụ như bom liệng SPICE 250 ER của Israel. Việc tăng tầm bắn được thực hiện bằng cách trang bị cho nó một động cơ phản lực thu nhỏ cho phép bom bay xa không phải là 100 km từ điểm phóng mà là 150 km.

Nói cách khác, đây là vũ khí trung gian giữa bom liệng và tên lửa hành trình cỡ nhỏ.

Sẽ tuyệt vời biết bao nếu những quả bom liệng 500 hoặc 1500 kg tăng đáng kể tầm bay và vào sâu phía sau phòng tuyến của đối phương bằng động cơ tua bin khí thu nhỏ!"

Chưa kịp cúng mụ, thứ này đã lọt vào tay người Nga - Chuyên gia vạch rõ viễn cảnh kinh hoàng ở Ukraine - Ảnh 4.

SPICE 250 ER trong một triển lãm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại