Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố sẵn sàng áp đặt biện pháp trừng phạt chống lại bất kỳ nước nào có ý định mua hệ thống phòng không S-400 "Triumph" của Nga. Mỹ không chỉ sợ để mất ưu thế trên không, mà còn sợ không thực hiện được mục tiêu hạn chế việc xuất khẩu vũ khí Nga.
Theo tạp chí Military Watch Magazine, bất chấp đe dọa của lệnh trừng phạt, thế giới tiếp tục mua các hệ thống tên lửa phòng không của Nga.
Điều này không chỉ gây thiệt hại lớn cho hình ảnh nước Mỹ, mà còn có thể khiến nhiệm vụ do Mỹ đề ra - hạn chế xuất khẩu vũ khí của Nga - thất bại hoàn toàn, thậm chí còn đẩy các đồng minh của Washington tới chỗ mua vũ khí của Moskva nhiều hơn.
Thổ Nhĩ Kỳ là một ví dụ. Sau khi Washington lớn tiếng bắt Thổ Nhĩ Kỳ phải từ chối mua "Triumph"của Nga và cắt đứt hợp đồng bán F-35 cho Ankara, giờ đây Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ quan tâm tới hệ thống phòng thủ của Nga, mà còn để mắt tới cả Su-57.
Ngoài Thổ Nhĩ Kỳ, lợi thế của S-400 cũng đang được đánh giá cao ở Trung Quốc, là nước đang có cuộc chiến thương mại với Mỹ. Ngoài ra, các đối tác lâu năm của Mỹ, trong đó có Qatar, Iraq và Saudi Arabia cũng rất thích S-400. "Triumph" còn hấp dẫn với Ấn Độ và thậm chí cả đồng minh của Mỹ là Hàn Quốc.
Các chuyên gia Mỹ lưu ý rằng, S-400 của Nga là một "mối đe dọa đối với phương Tây". Việc trang bị hệ thống này sẽ "trói tay Mỹ" và thậm chí "đóng cửa không phận" đối với nhiệm vụ phản ứng nhanh theo các hướng khác nhau. Vì vậy, Washington sẽ đành phải quên đi ưu thế chiến lược trên bầu trời.
Bên cạnh đó, nhu cầu về Triumph càng cao thì doanh thu của ngành công nghiệp quốc phòng Nga càng lớn. Vì vậy, việc Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt là điều dễ hiểu.
Tên lửa phòng không S-400 Nga thực hành diễn tập