Người Syria đã giảm thiểu thiệt hại xe tăng như thế nào
Trước chiến tranh, lực lượng xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) của Quân đội Ả rập Syria (SAA) chủ yếu gồm MBT T-72B, cũng như hàng loạt MBT T-62 và T-54/55. Theo ước tính của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, Syria có tới hơn 5.000 xe tăng trong thập kỷ đầu của thế kỷ 21.
Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu nói rằng số lượng thực tế của lực lượng xe tăng Syria trước khi bắt đầu cuộc xung đột chỉ khoảng 2.500-3.000 chiếc.
Kể từ khi bắt đầu giai đoạn khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh tại Syria và cho tới khi người Nga chính thức tham chiến (tháng 9 năm 2015), SAA và các lực lượng vũ trang đồng minh đã gặp nhiều vấn đề liên quan đến các thiết bị quân sự hạng nặng, buộc phải có những giải pháp "chữa cháy" tạm thời.
Bên cạnh việc thiếu phụ tùng thay thế và sửa chữa, cơ sở hạ tầng công nghiệp nặng bị phá hủy thì việc phải chịu sự phong tỏa kinh tế trên diện rộng do một nhóm các quốc gia thù địch do Hoa Kỳ đứng đầu là một trong những lý do chính khiến tình trạng này trở nên trầm trọng.
Xe tăng T-72 của Syria được nâng cấp giáp lồng
Đồng minh Iran đã có những nỗ lực đáng kể để giảm bớt áp lực mà SAA phải đối mặt.Tuy trên chiến trường các lực lượng Iran dường như đã hiệu quả trong cái gọi là "chiến tranh bất đối xứng" thì mặt khác Teheran không đủ nguồn lực để xây dựng một hệ thống cho phép SAA khôi phục các năng lực đã bị cạn kiệt.
Vấn đề này cũng như đặc thù giao tranh trong cuộc chiến Syria là liên tục tham chiến trong các khu vực đô thị, buộc SAA phải tìm cách đảm bảo hiệu quả chiến đấu của các đơn vị xe tăng của họ ở mức chấp nhận được.
Điều này dẫn đến việc tạo ra các sản phẩm phòng thủ DIY (Do-It-Yourself / tự chủ hóa) dành cho xe tăng. Rất nhiều biến thể sửa đổi của các sản phẩm này đã được trang bị và nâng cấp từ đơn vị cơ giới này sang đơn vị cơ giới khác.
Tuy nhiên, ít nhất một phần trong số chúng có thể được tóm lược trở thành dòng sản phẩm phòng thủ là kết quả của công việc có kế hoạch và tập trung của các đơn vị quân khí Syria.
Các hệ thống phòng thủ trên MBT của Syria được chia thành 3 nhóm:
- Nâng cấp phòng thủ thụ động như tăng cường giáp xe tăng;
- Nâng cấp phòng thủ chủ động (Hệ thống Sarab);
- Nâng cấp các thiết bị điện tử (FSC - Hệ thống điều khiển hỏa lực và tầm nhiệt).
Bản nâng cấp T-72 Mahmia thế hệ đầu tiên
Nâng cấp phòng thủ thụ động
Các nâng cấp vỏ giáp chủ yếu là kết quả thử nghiệm của Lực lượng Vệ binh Cộng hòa Syria và Sư đoàn 4 Thiết giáp Syria.
Vào tháng 8/2014, tại xưởng quân khí của Sư đoàn 4 Thiết giáp tại Adra, họ đã bắt tay vào nâng cấp T-72M1, đồng thời trang bị các lớp giáp cho máy ủi dùng vào mục đích quân sự. Ngoài ra, có ít nhất một Pháo phòng không tự hành ZSU-23-4 "Shilka" cũng được nâng cấp thêm giáp phòng thủ.
Do vậy tên của các biến thể xe tăng được nâng cấp vỏ giáp này là T-72 Adra, cái tên này được sử dụng song song với một tên khác phổ biến hơn là T-72 Mahmia (được bảo vệ).
T-72 Mahmia ban đầu sử dụng những tấm lưới thép được bắt vít và hàn vào xe tăng (giáp lồng).
Các chùm xích sắt được gắn vào cùng với các trọng vật kim loại được đặt hai bên giáp hông xe hoặc tích hợp cùng với giáp lồng tháp pháo và giáp lồng hông xe.
Bản nâng cấp T-72 Mahmia thế hệ đầu tiên, với giáp lồng và giáp xích trọng vật
Giáp lồng chủ yếu được thiết kế để ngăn chặn tên lửa chống tăng vác vai (RPG) và cách đánh bom cảm tử của đối phương nhằm mục tiêu vào hông xe hoặc tháp pháo.
Điểm đặc biệt của giáp lồng là đạn tên lửa chống tăng vác vai RPG khi khai hỏa sẽ bị lớp lưới cản lại khiến cho cơ chế tập trung luồng lửa phụt của đầu đạn nổ lõm không còn tập trung vào lớp giáp cơ bản của xe.
Ngoài ra, lưới thép có thể được sử dụng như bộ gá để gắn thêm các lớp giáp phòng thủ bằng các vật liệu khác, ví dụ như composite…
Phiên bản T-72 Mahmia thế hệ 2 xuất hiện vào năm 2016. Biến thể này sử dụng (hàn) các thanh thép dày hơn để cố định giáp lồng với xe, người ta cũng đã loại bỏ xích sắt và trọng vật kim loại để nâng cấp một lớp giáp hộp kim loại rỗng khiến cho thân xe lớn hơn, giáp lồng được nâng cao hơn trên tháp pháo.
Bản nâng cấp T-72 Mahmia thế hệ thứ hai.
Và điểm quan trọng nhất ở phiên bản này là rõ ràng là giáp xe đã trở nên dày hơn do được thêm vào các tấm giáp nghiêng.
Ngoài ra còn có một biến thể thử nghiệm hoàn toàn nằm trong lồng thép, nhiều khả năng đã bị loại bỏ.
Kết quả của việc nâng cấp trong chiến đấu, chủ yếu dựa trên ảnh và video cho thấy T-72 Mahmia chỉ có thể chống lại RPG bắn thẳng và khả năng hạn chế để chống lại Tên lửa chống tăng điều khiển từ xa (ATGM).
Biến thể thử nghiệm T-72 Mahmia nằm hoàn toàn trong lồng thép
Biến thể nâng cấp đầu tiên nhằm chống lại kẻ săn tăng khét tiếng ở Syria, ATGM
Một phiên bản nâng cấp khác của MBT T-72 là T-72 Shafrah/Razor (Dao cạo), bản thử nghiệm do Sư đoàn cơ giới số 105 của Lực lượng Vệ binh Cộng hòa Syria chế tạo.
Khác biệt cơ bản nhất của T-72 Shafrah với T-72 Mahmia đó là giáp là những tấm vật liệu được "lợp" xen lẫn với giáp phản ứng nổ (thường chỉ được bổ sung và bao phủ các góc tháp pháo của xe tăng).
Bản nâng cấp T-72 Shafrah với chỉ tháp pháo được bảo vệ bổ sung.
Một số xe tăng cũng được "lợp" giáp trên sườn, theo cách thức tương tự, nhưng các tấm này không thể bao phủ được các góc cạnh của xe.
Các tấm vật liệu hỗn hợp kim loại/composite được cho là đem lại kết quả phòng thủ tương tự trong các phiên bản nâng cấp T-54/55 Engima của Iraq hay Merkava Mark II của Israel. Về cơ bản giáp hỗn hợp kiểu này có thể ngăn chặn được một số loại ATGM thế hệ cũ.
Ngày 27/2/2017, T-72 Shafrah I lần đầu tiên được nhận ra trong các hình ảnh ghi lại cuộc tấn công tại nông thôn Đông Ghouta.
Bản nâng cấp T-72 Shafrah tham chiến tại Đông Ghouta
Nhiều xe đã bị đối phương khai hỏa ATGM, lái xe bị thương và tháp pháo bị hư hại, nhưng xe không bị phá hủy hoàn toàn. Như vậy T-72 Shafrah I đã thành công trong mục tiêu mà nó hướng tới: Chống lại ATGM.
Có 7 chiếc T-72 Shafrah được phát hiện trong giao tranh ở Đông Ghouta và tất cả chúng dường như đã thành công trong chiến đấu cũng như chứng minh được khả năng phòng thủ.
Nâng cấp phòng thủ chủ động
Ngoài việc nâng cấp giáp, các hệ thống bảo vệ tích cực / phòng thủ chủ động cũng được phát triển bởi SAA. Đó là Hệ thống Sarab/Mirage (Ảo ảnh).
Trung tâm nghiên cứu khoa học Syria (SSRC) đã đề xuất một giải pháp thay thế cho biện pháp phòng thủ thụ động và tăng cường bảo vệ cho các MBT và tính mạng kíp lái: một thiết bị có thể gây nhiễu tất cả các ATGM SACLOS (Điều khiển bán tự động trong tầm nhìn).
Nguyên mẫu đầu tiên của Sarab được đặt trên xe tăng T-62 SSRC. Lý do người Syria lựa chọn T-62 để thử nghiệm và để sử dụng cho mục đích xung kích hơn là T-72 đó chính là vấn đề kinh tế.
Nhu cầu của SAA là hệ thống Sarab có thể được sản xuất hàng loạt và có thể được trang bị trên nhiều loại phương tiện khác nhau (bao gồm cả xe thiết giáp hay ngay cả xe hơi bọc thép).
Xe tăng được bổ sung hệ thống Sarab-2 trong chiến đấu
Hệ thống Sarab sử dụng một đèn hồng ngoại hoặc đèn LED tùy thuộc vào mục tiêu trang bị. Hệ thống có thể hoạt động 6 giờ liên tục và có thể dễ dàng gắn trên tất cả các phương tiện cơ giới cũng như các điểm kiểm soát và điểm phòng thủ.
Hệ thống Sarab-2 sử dụng các đèn tân tiến hơn và pin sạc có dung lượng lớn hơn để tăng thời gian sử dụng lên tới 10 giờ liên tục trước khi cần phải sạc lại. Hệ thống được sắp xếp trong một hộp bảo vệ bên ngoài bền hơn và tầm kiểm soát phòng thủ rộng hơn.
Hệ thống Sarab gắn trên Xe phòng không tự hành ZSU-23-4 Shilka
Trong chiến dịch giải phóng Aleppo năm 2016, Sarab-2 được sử dụng rộng rãi và đạt được một số thành công đáng kể. Các phát bắn từ ATGM BGM-71 TOW gần như đều trượt khỏi các xe chiến đấu bộ binh hay xe tăng được trang bị hệ thống.
Sau khi giải quyết các vấn đề liên quan tới thiết kế của Sarab-1 ở Sarab-2, SSRC đã tập trung phát triển một hệ thống mới có khả năng tiêu diệt ATGM thay vì chỉ là một hệ thống gây nhiễu. Và Sarab-3 đã ra đời với khả năng bao phủ 360 độ xung quanh xe, thay vì 180 độ như các phiên bản trước đây.
Xe tăng được bổ sung hệ thống Sarab II
Nâng cấp các thiết bị điện tử
Xe tăng T-54/55 được trang bị hệ thống FCS (điều khiển hỏa lực) do Bắc Triều Tiên sản xuất
Các bức ảnh cho thấy trên chiếc xe tăng già nua T-54/55, bên cạnh khe ngắm bắn bằng mắt thường xuất hiện hệ thống FCS (điều khiển hỏa lực) mới. Hệ thống bao gồm một máy đo khoảng cách ngắm bắn lên tới 4km đi cùng với một tổ hợp các cảm biến, bao gồm một máy đo gió, máy đo ẩm và đo nhiệt.
Máy đo khoảng cách ngắm bắn, vốn không có trong trang bị của T-54/55
Trong xe đã thêm một máy tính đạn đạo mới giúp cho việc tính toán trở nên tự động dựa trên các kết quả đo lường mà nó nhận được từ máy đo và các cảm biến. Máy tính có màn hình kỹ thuật số hiển thị các thông số môi trường và mục tiêu.
Bảng điều khiển trong xe T-54/55
Màn hình hiển thị thông số môi trường bên trong T-54/55
Bảng điều khiển để kiểm soát và đồng bộ hóa máy đo khoảng cách ngắm bắn và thông số môi trường trong T-54/55
Mặc dù trọng tâm của gói nâng cấp này là hệ thống điều khiển hỏa lực, một số T-54/55 ngoài hệ thống này cũng được trang bị thêm súng máy hạng nặng KPV 14,5 và các ống phóng lựu đạn khói che mắt và hệ thống tầm nhiệt.
Hệ thống tầm nhiệt Viper-72 gắn trên T-72
MBT T-72 hiện đại cũng được trang bị hệ thống tầm nhiệt TPN-3-49, tuy vậy nó hoàn không đáng tin cậy và không phù hợp với chiến tranh đô thị, chủ yếu chỉ để thay thế đèn pha trong trường hợp bị kẻ thù bao vây.
Giờ đây TPN-3-49 đã được thay thế bằng hệ thống tầm nhiệt Viper-72. Thiết kế bên ngoài của nó tương tự như TPN-3-49 nhưng với lớp bảo vệ hình vòm và sử dụng nhiều linh kiện của TPN-3-49.
Hệ thống TPN-3-49 đã được thay thế bằng Viper-72
Tầm quan sát trong đêm của Viper lên tới 4km đối với các vật thể lớn, tuy nhiên phạm vi hiệu quả để hỗ trợ ngắm bắn là 1,5-2km. Xạ thủ có thể sử dụng hệ thống thông qua kính ngắm điện tử, tuy nhiên nó cũng có thể hiện thị lên màn hình LCD.
Tác chiến xe tăng trở nên hiệu quả hơn khi có hệ thống tầm nhiệt. Ánh sáng của các tia lửa do hỏa lực khai hỏa có thể sử dụng để nhìn thấy rõ hơn mục tiêu trong hình ảnh hiển thị nhiệt.
Viper có thể được sử dụng ngay cả vào ban ngày để phát hiện các tay súng bắn tỉa ở khu vực đô thị.
Tia lửa đầu nòng bị phát hiện bởi hệ thống tầm nhiệt Viper-72
Kết luận
Nhìn chung, các nâng cấp được tự chủ hóa (DIY) là rất cần thiết và đem lại hiệu quả vì đã giảm đáng kể thiệt hại cả về phương tiện và con người của Quân đội Syria.
Cần lưu ý rằng việc nâng cấp không phải là kết quả của việc một kíp lái xe tăng nâng cấp mà là một chương trình nâng cấp tập trung dựa trên các thử nghiệm và các thất bại (thường thất bại đồng nghĩa với việc kíp lái bị tiêu diệt).
Tại thời điểm hiện tại, các nâng cấp không còn cần thiết, chủ yếu là do sự hỗ trợ của người Nga trong việc cung cấp linh kiện và bảo trì phương tiện cơ giới.
Trong khi hầu hết các hỗ trợ quân sự trực tiếp của người Nga vẫn chưa được biết một cách đầy đủ, thì sự hỗ trợ về kỹ thuật và vật tư quân sự do phía Nga cung cấp đã đóng một vai trò quan trọng trong việc tái tổ chức khả năng chiến đấu của SAA kể từ năm 2015.
Ví dụ: Nga đã khôi phục một nhà máy sửa chữa xe tăng ở thành phố Homs. Với sự hiện đại hóa liên tục nhờ vào người Nga, các nâng cấp DIY này là không cần thiết, nhưng những năm khốc liệt đã qua chúng đã chứng minh đây là một quyết định hiệu quả và cần thiết của người Syria.
T-72 Mahmia (Adra) bị phá hủy do bom vệ đường tại Qaboun, 18/4/2017