Chủ tịch xã trả lời chất vấn: 'Cát rất đẹp, như con gái 18 tuổi nên bị cát tặc nhòm ngó hàng ngày'

Hoàng Đan |

"Cát ở địa bàn xã Xuân Đình quản lý rất đẹp, như con gái 18 tuổi, nên cát tặc nhòm ngó hàng ngày" - Chủ tịch UBND xã Xuân Đình (Phúc Thọ) trả lời trước HĐND TP Hà Nội.

Ông Hồ Quốc Khánh.

Ông Hồ Quốc Khánh.

'Chủ tịch xã cũng rất áp lực'

Sáng 8/12, trong phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 18 của HĐND TP.Hà Nội, các đại biểu đã chất vấn đề tình hình khai thác cát trái phép trên sông, vấn đề hay được gọi nôm na là "cát tặc".

Các đại biểu HĐND TP đều đặt câu hỏi về tình trạng cát tặc lộng hành, đục khoét tài nguyên diễn ra nhiều năm, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết, trách nhiệm thuộc về ai?

Được Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc chỉ định trả lời chất vấn về vấn đề này, Chủ tịch UBND xã Xuân Đình (huyện Phúc Thọ) Hồ Quốc Khánh cho biết, cát tặc lộng hành trên địa bàn xã từ năm 2018, 2019 và kéo đến tháng 7 năm nay.

"Năm 2018, 2019, cát tặc ồ ạt đến Xuân Đình, khai thác ngày và đêm, như một công trường. Tàu hút, tàu cuốc… đến hàng chục chiếc", vị Chủ tịch xã nói.

Cũng theo Chủ tịch xã Xuân Đình, xã đã báo cáo huyện, TP, lập chuyên án quyết liệt xử lý, đến cuối 2019 thì tình trạng đã chấm dứt; nhưng sang tháng 6, tháng 7 năm nay, thì cát tặc lại tiếp tục đến địa bàn xã khai thác với quy mô nhỏ hơn, vào ban đêm, từ 8 giờ tối đến 4 - 5 giờ sáng.

Mấy đêm gần đây, tức là ngay trước khi phiên chất vấn diễn ra, vẫn còn 1, 2 tàu cuốc nhỏ lẻ "chộp giật" khai thác từ 9 giờ đêm đến 4 - 5 giờ sáng, và không làm định kỳ như xưa mà làm 1, 2 ngày rồi lại nghỉ, theo Chủ tịch UBND xã Xuân Đình.

Tình trạng này làm cho nhân dân trong xã vô cùng bức xúc, và "chủ tịch xã cũng rất áp lực".

"Nhân dân mua trống, mua kèn, mua đèn chiếu sáng để xua đuổi cát tặc. Không xua đuổi được vào nhà Chủ tịch xã đánh trống, thổi kèn, rất đau lòng. Xã Xuân Đình cứ để tình trạng đó không biết đi về đâu.

Cát ở địa bàn xã Xuân Đình quản lý rất đẹp, như con gái 18 tuổi, nên cát tặc nhòm ngó hàng ngày", vị Chủ tịch xã ví von và "nói thực" là "nhân dân cũng mất lòng tin với chính quyền xã, cho rằng thế này, cho rằng thế khác. Vết thương lòng này không biết bao giờ mới hàn gắn được".

Lý giải nguyên nhân để tình trạng này kéo dài, vị Chủ tịch xã cho rằng do được giao trách nhiệm nhưng không có cơ chế. Cát tặc khai thác giữa lòng sông, xã không có phương tiện, chỉ biết báo cáo lên trên và nếu có ra cũng chỉ là "động viên nhân dân chứ chẳng làm gì được".

"Giờ hết cát rồi, hết cát tặc rồi, phải hàn gắn lòng người và kè sông cũng mong TP cho ngân sách để hàn gắn lại", Chủ tịch UBND xã Xuân Đình kiến nghị.

Vì sao khó xử lý 'cát tặc' ở Hà Nội?

Cũng được yêu cầu trả lời, Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ cho biết, thẩm quyền, trách nhiệm giao cấp huyện, cấp xã, phường quản lý, nhưng lực lượng, phương tiện còn khó khăn.

"Công an huyện chỉ có 1 xuồng và 1 cán bộ công an được cấp phép lái xuồng. Khi điều tra, truy bắt, mật phục bắt đối tượng vào đêm rất nguy hiểm, cần lực lượng và phương tiện. Điạ bàn giáp ranh giữa Hà Nội và Vĩnh Phúc.

Chủ tịch xã trả lời chất vấn: Cát rất đẹp, như con gái 18 tuổi nên bị cát tặc nhòm ngó hàng ngày - Ảnh 1.

Trưởng công an huyện Đan Phượng.

Hai tỉnh có xác định mốc giới, nhưng trên cạn có xác định mà lòng sông chưa xác định, nên tàu thuyền ngày đậu ở Vĩnh Phúc, đêm sang Hà Nội khai thác, rất khó quản lý", Chủ tịch huyện nói.

Thêm vào đó, nhu cầu cát sỏi là thực tế trong xây dựng, chính quyền quản lý cũng phải tính đến nhu cầu của nhân dân, cần sớm đấu giá được quyền khai thác để vừa đảm bảo tài nguyên nhà nước, vừa đảm bảo an ninh trật tự.

Trưởng Công an huyện Đan Phượng khi được mời lên trả lời lại nêu thực tế, hiện nay chế tài xử lý với cát tặc rất nhẹ.

"Hành vi trộm cắp, chặt 1 cây, giá trị hơn 2 triệu có thể khởi tố hình sự được nhưng hành vi này phải chứng minh được thu lợi bất chính hơn 100 triệu mới khởi tố được", Trưởng Công an huyện Đan Phượng nêu.

Ông này kiến nghị cần được quan tâm hơn nữa về lực lượng, phương tiện vì cả Công an huyện chỉ có 1 xuồng 4 chỗ rất nhỏ và đã từng phải huy động tất cả cán bộ, chiến sĩ biết bơi để tham gia trấn áp cát tặc.

Khi được Chủ tịch HĐND TP đặt câu hỏi, nếu được trang bị thêm lực lượng công an có khẳng định là không còn cát tặc nữa không, Trưởng công an huyện Đan Phượng trả lời: "Các tệ nạn xã hội như trộm, cắp, buôn bán ma tuý… với hình thức xử phạt rất nặng, nhưng bảo chấm dứt hoàn toàn vẫn không chấm dứt được.

Cát sỏi có nhu cầu rất cao, số mỏ khai thác hạn chế, bến bãi thì ta chưa cấp phép, cũng do lợi nhuận… nên bảo chấm dứt hoàn toàn là rất khó. Bên cạnh lực lượng công an vào cuộc thì cũng phải có chế tài và phải tính đến nhu cầu người dân trong việc cát sỏi cho xây dựng".

Vị lãnh đạo công an huyện này cũng kiến nghị giảm mức độ chứng minh thu lợi bất chính để khởi tố còn mức 100 triệu đồng hiện na quá cao.

Tiếp sau các vị này, lãnh đạo Công an TP và Thanh tra Giao thông TP cũng đứng lên giải trình, tiếp tục nêu nhiều khó khăn, tồn tại, khiến tình trạng này khó có thể được xử lý dứt điểm, trong đó, nổi nhất là khó khăn do địa bàn giáp ranh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại