Chủ tịch UBND TP HCM: Hạn chế thấp nhất ảnh hưởng từ vụ Ngân hàng SCB

PHAN ANH: Ảnh: Trung tâm Báo chí thành phố |

Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho biết vụ việc liên quan đến Ngân hàng SCB đã ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, trật tự xã hội của thành phố và cả nước.

Chiều 1-11, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi chủ trì phiên họp định kỳ về tình hình phát triển kinh tế - xã hội tháng 10, 10 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp 2 tháng cuối năm 2022.

Phát biểu chỉ đạo phiên họp, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi nhìn nhận trong năm đầu tiên phục hồi sau đại dịch COVID-19, thành phố ghi nhận nhiều điểm sáng về tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách.

Tính đến nay, TP HCM đạt tăng trưởng kinh tế 9,97%; dự kiến đạt mức hơn 9,4% trong năm 2022, vượt xa mục tiêu ban đầu là 6,5%. Về thu ngân sách, thành phố cũng đạt hơn 101% so với kế hoạch.

Chủ tịch UBND TP HCM: Hạn chế thấp nhất ảnh hưởng từ vụ Ngân hàng SCB - Ảnh 1.

Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi chủ trì phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội chiều 1-11

Bên cạnh đó, trong tháng 10-2022, thành phố đã xuất hiện nhiều vấn đề bất lợi, tác động tiêu cực. Trong đó, vụ việc liên quan đến Ngân hàng SCB đã ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, trật tự xã hội của thành phố và cả nước. Bên cạnh đó, tình hình cung ứng xăng dầu gặp nhiều khó khăn cũng tạo tâm lý không an tâm, thiếu tin tưởng và ảnh hưởng tới đời sống, sinh hoạt của người dân cùng các hoạt động kinh tế - xã hội.

Do đó, Chủ tịch Phan Văn Mãi đề nghị các cơ quan liên quan tiếp tục theo dõi, đánh giá, có biện pháp hạn chế thấp nhất những tác động tiêu cực của những vụ việc nêu trên.

Trong thời gian tới, những thách thức, như: xu hướng giảm tăng trưởng, tăng lạm phát, lãi suất... sẽ đặt ra cho thành phố bài toán về an sinh xã hội. Một vấn đề lớn khác là tỉ lệ giải ngân đầu tư công của thành phố ở mức rất thấp so với bình quân cả nước. Chưa kể, việc thực hiện quy chế phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương còn hạn chế; thái độ phục vụ nhân dân tại một số nơi chưa tốt... Từ đó, Chủ tịch UBND TP HCM đề nghị các đơn vị tập trung cho nội dung tổng kết năm 2022 gắn với tổng kết một năm phục hồi sau đại dịch và chuẩn bị xây dựng kế hoạch năm 2023. Trong đó, trọng tâm là dùng nội lực để tháo gỡ các vướng mắc, điểm nghẽn nhằm khơi thông dư địa để phát triển.

Gần 20% cửa hàng thiếu xăng

Báo cáo về tình hình cung ứng xăng dầu trên địa bàn TP HCM, Giám đốc Sở Công Thương Bùi Tá Hoàng Vũ cho hay tính đến 12 giờ ngày 1-11, toàn thành phố có 108/550 cửa hàng trong tình trạng thiếu xăng, 4 cửa hàng đang xin ngưng để sửa chữa và làm thủ tục đóng cửa.

Chủ tịch UBND TP HCM: Hạn chế thấp nhất ảnh hưởng từ vụ Ngân hàng SCB - Ảnh 2.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cho biết các cửa hàng thiếu xăng chủ yếu thuộc hệ thống bán lẻ tư nhân

Các cửa hàng thiếu xăng tập trung ở quận, huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Tân, Bình Chánh... và thuộc hệ thống bán lẻ tư nhân. "Họ không kinh doanh theo chuỗi mà theo hộ gia đình nên gặp khó khăn" - ông Bùi Tá Hoàng Vũ thông tin.

Theo Giám đốc Sở Công Thương, nguồn cung đang thiếu hụt. Trong đó, Công ty TNHH Thương mại vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil mỗi tháng cung ứng ra thị trường100.000 m3 xăng dầu vừa bị rút giấy phép. Bên cạnh đó, sự điều hành, phối hợp giữa các đơn vị và cơ chế điều hành chưa bảo đảm lợi ích khiến nhiều doanh nghiệp thua lỗ vì chiết khấu thấp.

Lãnh đạo UBND TP HCM đã báo cáo Thủ tướng về việc kiến nghị liên Bộ Tài chính - Công Thương có giải pháp giải quyết vấn đề xăng dầu cho thành phố. Thành phố cũng đã huy động các doanh nghiệp có lượng nhập và phân phối lớn gồng gánh, như Petrolimex đang hoạt động 200% công suất để phục vụ người dân.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại