Theo hãng tin AFP, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ tới châu Âu vào ngày 5/5 để bảo vệ mối quan hệ đối tác "không giới hạn" của Trung Quốc với Nga. Điểm đến đầu tiên của ông Tập là Pháp - quốc gia ủng hộ Ukraine, sau đó là Serbia và Hungary - những quốc gia có mối quan hệ chặt chẽ với Moscow.
Tuy nhiên, các nhà phân tích nói rằng nếu Pháp và các đồng minh của Ukraine ở châu Âu tin rằng ông Tập có thể bị thuyết phục để từ bỏ mối liên hệ với Tổng thống Nga Vladimir Putin thì họ sẽ thất vọng.
Bất chấp việc Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trải thảm đỏ chào để chào đón Chủ tịch Trung Quốc vào ngày 5/5 tới, cuộc đối thoại song phương sẽ không hề đơn giản.
Tại Paris, vào ngày 6/5, ông Tập và ông Macron sẽ hội đàm với Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) Ursula von der Leyen - người đã thúc giục Bắc Kinh đóng vai trò lớn hơn trong nỗ lực chấm dứt chiến sự tại Ukraine.
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Châu Âu tại Đại học Phúc Đán (Trung Quốc) Ding Chun nói: "Nếu phía châu Âu mong đợi Trung Quốc áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga hoặc cùng với Mỹ và châu Âu áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga thì tôi nghĩ điều đó rõ ràng khó có thể xảy ra."
Theo AFP, Bắc Kinh đang tìm cách đẩy lùi các cuộc điều tra gần đây của EU về ngành công nghiệp Trung Quốc, nhưng phía Pháp đã nói rõ rằng "việc đầu tiên và quan trọng nhất" trong chương trình nghị sự sẽ là cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Trung Quốc tuyên bố là một bên trung lập trong tình hình Ukraine, trong khi Mỹ cho rằng Moscow sẽ gặp khó khăn khi duy trì chiến dịch quân sự đặc biệt nếu không có sự hỗ trợ của Bắc Kinh.
Một nhà ngoại giao Pháp giấu tên nói với AFP rằng Bắc Kinh là "người chơi quốc tế có đòn bẩy lớn nhất để thay đổi quan điểm của Moscow".
Abigael Vasselier – chuyên gia của Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator có trụ sở tại Đức - cho biết: "Paris sẽ đặt sự hỗ trợ của Trung Quốc dành cho Nga vào nội dung cốt lõi của cuộc thảo luận."
Ông Tập 'sẽ đi bao xa'?
Theo AFP, đây sẽ là chuyến công du châu Âu đầu tiên của Chủ tịch Tập Cận Bình kể từ khi Trung Quốc nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch Covid-19.
Chuyến công du này cũng diễn ra một năm sau khi Tổng thống Pháp Macron thực hiện chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc vào tháng 4/2023. Khi đó ông Macron nói rằng bản thân trông cậy vào ông Tập để "làm cho Nga tỉnh táo" về vấn đề Ukraine.
Vào thời điểm đó, ông Macron đã khiến các đồng minh châu Âu không hài lòng khi nói rằng khối này không nên bị lôi kéo vào cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Mỹ về vấn đề Đài Loan; đồng thời nhận được lời khen ngợi ở Bắc Kinh về những bình luận này.
Vào tháng 2 năm nay, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã đến thăm Pháp và nói với Tổng thống Macron rằng Bắc Kinh đánh giá cao "chính sách đối ngoại độc lập" của Pháp.
Valerie Niquet - chuyên gia của Quỹ Nghiên cứu Chiến lược (FRS) có trụ sở tại Pháp - cho biết: "Chúng ta sẽ xem ông Tập Cận Bình sẽ đi bao xa để làm hài lòng ông Emmanuel Macron."
Sau khi kết thúc chuyến công du châu Âu lần này, ông Tập sẽ trở lại Trung Quốc và Tổng thống Nga Putin dự kiến sẽ đến thăm Trung Quốc vào cuối tháng 5.
"Trung Quốc sẽ không nhượng bộ về vấn đề Ukraine", Niquet nhận định.
'Giá phải trả'
Theo AFP, trong khi Tổng thống Pháp Macron và Chủ tịch EC von der Leyen sẽ tìm cách tập trung vào chiến sự tại Ukraine, thì ông Tập sẽ muốn chống lại một loạt cuộc điều tra do khối này tiến hành nhằm vào các lĩnh vực sản xuất công nghiệp của Trung Quốc, từ tấm pin mặt trời và trợ cấp xe điện cho đến hoạt động mua sắm trong lĩnh vực thiết bị y tế.
Bắc Kinh đã chỉ trích các động thái trên là "chủ nghĩa bảo hộ".
Chuyên gia Philippe Le Corre của Trung tâm phân tích Trung Quốc thuộc Viện Chính sách Xã hội Châu Á có trụ sở tại Mỹ nói với AFP rằng: "Phía Trung Quốc rất muốn đưa vấn đề này ra bàn đàm phán, nhưng Pháp đứng sau các kế hoạch của EC."
Vasselier của Viện Mercator cho biết: "Đã đến lúc các nhà lãnh đạo châu Âu phải giải thích với Trung Quốc rằng cái giá phải trả cho sự hỗ trợ ngày càng tăng của nước này đối với nỗ lực chiến tranh của Nga sẽ ngày càng tăng."
'Mở cửa phương Đông'
Từ Pháp, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ tới Serbia và sau đó là Hungary vào ngày 8-10/5.
Theo AFP, chuyến thăm thủ đô Belgrade của Serbia sẽ trùng với ngày kỷ niệm vụ NATO ném bom đại sứ quán Trung Quốc ở đó vào năm 1999.
Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều để mở rộng dấu ấn kinh tế ở Trung Âu và Đông Âu, bao gồm các nhà máy sản xuất pin và xe điện (EV) rộng lớn ở Hungary cũng như các hoạt động sản xuất đồng và vàng ở Serbia.
Wang Yiwei - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Liên minh Châu Âu thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc - cho biết: "Kế hoạch kỷ niệm vụ NATO ném bom Đại sứ quán Trung Quốc cũng mở đường cho chuyến thăm của ông Putin tới Trung Quốc: NATO là mối đe dọa đối với an ninh quốc tế."
Theo AFP, tại Budapest, Chủ tịch Trung Quốc sẽ gặp Thủ tướng Hungary Viktor Orban - người theo chủ nghĩa dân tộc và phản đối lập trường chính thức của EU đối với Nga.
Thủ tướng Orban đã ủng hộ chính sách đối ngoại "Mở cửa phương Đông" kể từ khi ông trở lại nắm quyền vào năm 2010, tìm kiếm mối quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn với Trung Quốc, Nga và các nước châu Á khác.
Mặc dù có quy mô nhỏ nhưng quốc gia Trung Âu với 9,6 triệu dân này đã thu hút hàng loạt dự án lớn của Trung Quốc trong những năm gần đây.
Vào tháng trước, Thủ tướng Orban khi phát biểu đã nói về tầm nhìn của mình về một "thế giới có chủ quyền", nơi "nền kinh tế toàn cầu được tổ chức phi ý thức hệ theo hướng cùng có lợi".