Chủ tịch TPHCM nói việc huy động nguồn tiền hỗ trợ người lao động

Ngô Tùng |

Trước những khó khăn của người lao động hiện nay, chiều 6/5, ông Phan Văn Mãi cho biết thành phố sẽ tập trung đẩy mạnh  nhiều hơn nữa việc hỗ trợ bằng tiền mặt và quà đối với nhóm người lao động bị ảnh hưởng nhiều. “Việc này cần huy động nguồn lực lớn từ ngân sách và cả nguồn xã hội hóa nhằm thực hiện mục tiêu hiệu quả hơn”, ông nhấn mạnh.

Chiều 6/5, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cùng Liên đoàn Lao động TPHCM đã tiếp xúc cử tri công nhân lao động quận 7, trước Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV.

Tham dự và trao đổi với cử tri có ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, Trưởng Đoàn ĐBQH TPHCM; Thiếu tướng Dương Văn Thăng, Phó Chánh án TAND Tối cao, Chánh án Toà án Quân sự Trung ương; bà Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM.

Công nhân khó tiếp cận gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng

Chủ tịch TPHCM nói việc huy động nguồn tiền hỗ trợ người lao động - Ảnh 1.

Cử tri Trần Thị Hồng Phượng nêu ý kiến với các ĐBQH.

Nêu ý kiến tại buổi tiếp xúc, cử tri Trần Thị Hồng Phượng (Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích Quận 7) nói đối tượng được hưởng chính sách về nhà lưu trú công nhân quy định cho công nhân, người lao động làm việc tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp. Tuy nhiên, không chỉ người làm việc trong khu công nghiệp mới có nhu cầu về nhà ở xã hội mà còn rất nhiều công nhân lao động làm việc bên ngoài cũng rất quan tâm và mong muốn được hỗ trợ chính sách như trên. Về điểm này, nữ công nhân muốn biết vì sao lại có sự phân biệt này.

Cử tri Hồng Phượng cũng cho rằng, điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội theo dự thảo đang xây dựng là chưa công bằng.

Cử tri Phạm Thị Mai Thảo (làm việc tại Công ty Mỹ Châu) nói nhà nước đã ban hành gói 120.000 tỷ đồng hỗ trợ công nhân vay tiền với lãi suất thấp để mua nhà ở xã hội, tuy nhiên công nhân rất khó tiếp cận với nguồn vay này.

Đồng cảm với những trăn trở, khúc mắc của người lao động, Chủ tịch Công đoàn các Khu chế xuất - công nghiệp TPHCM Vũ Thế Vân nhìn nhận chủ trương trên rất thiết thực nhưng cần phải đến được với công nhân. Theo bà Vân, bốn ngân hàng cho vay theo chương trình này không có chương trình triển khai cho tổ chức Công đoàn triển khai cho người lao động. Về điều này, các ngân hàng yêu cầu công nhân cần trực tiếp đến làm việc để được hướng dẫn. “Đặc thù của công nhân là làm việc từ thứ 2 đến thứ 7 nên rất khó xin nghỉ một buổi để ra ngân hàng làm thủ tục, chưa kể còn bị cắt giảm tiền này nọ”, bà Vân nói và mong muốn các ngân hàng nhanh chóng có chương trình cụ thể triển khai đến các Công đoàn để phổ biến cho công nhân, giúp họ tiếp cận gói hỗ trợ được thuận lợi.

Dùng cả ngân sách lẫn xã hội hóa hỗ trợ người lao động

Tiếp nhận ý kiến của các cử tri, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết đoàn ĐBQH thành phố và Liên đoàn Lao động thành phố sẽ tổng hợp và báo cáo đến Quốc hội thông qua các diễn đàn của kỳ họp tới; đồng thời các đại biểu cũng sẽ chọn lọc các vấn đề trọng tâm để phát biểu, góp ý… nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Chủ tịch TPHCM nói việc huy động nguồn tiền hỗ trợ người lao động - Ảnh 2.

Chủ tịch UBND TPHCM trao đổi với các cử tri.

Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, tình hình kinh tế chung của thế giới và TPHCM từ cuối năm 2022, đặc biệt những tháng đầu năm 2023 rất khó khăn, vì vậy lãnh đạo thành phố rất ghi nhận nỗ lực của các doanh nghiệp, những người tổ chức và duy trì công ăn việc làm cho người lao động. Lãnh đạo thành phố cũng cảm thông khi người lao động bị giảm thu nhập, phải cắt giảm các khoản chi tiêu để vượt qua giai đoạn khó khăn này; đồng thời mong các doanh nghiệp, các đơn vị sử dụng lao động, tổ chức mặt trận, chính quyền các cấp tiếp tục đồng hành vượt qua khó khăn.

Chủ tịch TPHCM nói việc huy động nguồn tiền hỗ trợ người lao động - Ảnh 3.

Đoàn phường Đa Kao, quận 1 tặng quà cho người lao động trên địa bàn trong dịp lễ 30/4 và Quốc tế Lao động 1/5.

Về giải pháp tới đây, ông Phan Văn Mãi cho biết thành phố sẽ nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ, trước mắt để đồng hành với doanh nghiệp và người lao động. Theo ông, một việc được tập trung hơn, làm nhiều hơn nữa trong thời gian tới là hỗ trợ bằng tiền mặt và quà đối với nhóm người lao động bị ảnh hưởng nhiều. “Việc này cần huy động nguồn lực lớn từ ngân sách và cả nguồn xã hội hóa nhằm thực hiện mục tiêu hiệu quả hơn”, ông Mãi nêu rõ và cho biết thành phố cũng yêu cầu ngành lao động phối hợp Liên đoàn Lao động cùng mặt trận tiến hành đánh giá để có đề xuất chương trình hỗ trợ lớn hơn, đồng thời có các hướng hỗ trợ con em người lao động về học phí, bảo hiểm và các chi phí liên quan.

Về việc hỗ trợ tiền thuê nhà, Chủ tịch UBND TPHCM cho biết hiện công tác này còn cục bộ, chưa thành chính sách cụ thể. Tuy nhiên, từ ý kiến góp ý của cử tri, thành phố sẽ nghiên cứu đề xuất chính sách hỗ trợ tiền nhà cho công nhân, nhất là công nhân bị ngừng việc, giảm việc, giảm thu nhập.

Cùng với đó, thành phố tiếp tục đẩy mạnh, phát huy chương trình bình ổn giá. Lãnh đạo thành phố cho biết sắp tới, các doanh nghiệp thực hiện chương trình chủ lực của thành phố tiếp tục phối hợp Liên đoàn Lao động tổ chức những chương trình như “Phiên chợ công nhân” để mang những mặt hàng với giá bình ổn đến phục vụ nhiều hơn cho công nhân.

Về chương trình nhà ở xã hội, trong chương trình 1 triệu căn nhà ở xã hội, Chính phủ giao cho TPHCM 69.000 căn nhưng chương trình phát triển nhà ở của thành phố trước đó đã đề ra là 83.000 căn. Theo ông Mãi, TPHCM vẫn giữ chỉ tiêu cao hơn mức của Chính phủ giao để đảm bảo đáp ứng nhu cầu của người lao động. Về nội dung này, thành phố sẽ chú ý thêm về đối tượng được tiếp cận chương trình.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại