Bàn nhiều nhưng kết quả không được bao nhiêu
Mở đầu phần phát biểu, ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh rằng: “Quy hoạch tổng thể của vùng phải đặt dưới sự chủ trì của một cơ quan điều phối, nếu không sẽ tạo ra những xung đột nhất định, hạn chế xung lực phát triển”.
Đề cập đến việc sử dụng đất, ông Phong cho biết, hiện theo kế hoạch TP còn khoảng 3.000ha lúa nước. TP đã kiến nghị Thủ tướng cho phép điều chỉnh diện tích này sang các địa phương có điều kiện tốt hơn.
“Khi tính lợi thế so sánh và hiệu quả trên một đơn vị sử dụng đất đai thì thấy rằng trồng lúa ở TP.HCM sẽ không tạo ra năng suất cao hơn ở Tiền Giang hoặc Long An.
Quan trọng là trồng cây gì để phát huy hiệu quả, đừng có nhìn kinh tế TP.HCM theo kiểu cát cứ, phải có đầy đủ ABCD…” – ông Phong nói.
Theo ông hiện tỉ lệ đóng góp của lĩnh vực nông nghiệp vào GRDP của TP rất thấp và nơi này đang xây dựng để trở thành một trung tâm ứng dụng công nghệ cao với những ưu thế về công nghệ, nguồn nhân lực.
Nêu ý kiến về liên kết vùng, ông Nguyễn Thành Phong thừa nhận rằng, cho đến nay “kết quả không được bao nhiêu” dù vấn đề đã được đưa ra bàn rất nhiều, từ đó dẫn đến những hạn chế lớn khi phát huy các nguồn lực kinh tế.
“Hiện mỗi địa phương là một tiểu vùng mang tính hành chính kinh tế, còn trong yêu cầu của một vùng đòi hỏi không phải vấn đề hành chính mà phối hợp để tạo ra hiệu quả phát triển của vùng.
Việc này Chính phủ phải quan tâm, phải giao cho một Phó thủ tướng chủ trì để hình thành cơ chế phối hợp” – ông nói.
Ngoài ra ông Phong cũng đề nghị các bộ ngành trung ương hỗ trợ về hành lang pháp lý để thực hiện quy hoạch, và ủng hộ đề xuất của các tỉnh về cơ chế tài chính phân bổ, huy động nguồn lực.
“Quy hoạch có đẹp, tốt kiểu gì mà không có điều kiện để thực hiện thì rất khó đi vào hiện thực. Riêng về cơ chế tài chính, vừa rồi trong cuộc họp với hội đồng vùng, Bộ Tài chính không ủng hộ lắm” – ông cho hay.
Chủ tịch TP nhấn mạnh rằng: “Mục tiêu của TP là xây dựng một trung tâm kinh tế, thương mại khoa học công nghệ, giáo dục… của Đông Nam Á.
Để đạt được mục tiêu đó, TP phải gắn rất chặt chẽ với các địa phương trong vùng, TP không thể phát triển được nếu tách rời khỏi sự kết nối này”.
Quản lý nguồn nước là nội dung quan trọng trong liên kết. Trong ảnh là sông Đồng Nai, đoạn chảy giữa TP.HCM và Đồng Nai. |
Phải làm rõ tính khả thi về mặt tài chính
Trong khi đó Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, dù phải làm nhiều việc nhưng “thực chất có bốn thứ gắn bó với nhau chặt nhất”.
“Thứ nhất là giao thông kết nối đồng bộ, bao gồm cả đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không. Thứ hai là quản lý sông, nguồn nước, chống ngập và xâm nhập mặn.
Thứ ba là phối hợp trong đào tạo nhân lực trình độ cao và nghiên cứu khoa học. Thứ tư là cần có một trung tâm tài chính để huy động vốn và cho vay” – ông Nhân đề nghị.
Một vấn đề quan trọng khác cũng được người đứng đầu Thành ủy nhấn mạnh là phải: “Làm rõ tính khả thi của quy hoạch này về mặt tài chính”.
Theo ông, cho đến nay các công trình, dự án đa phần được thực hiện theo cách “vốn đến đâu (đặc biệt là vốn ngân sách) thì làm công trình đến đó.
Tuy nhiên hiện nay đang phải điều chỉnh theo cách chọn dự án có nhu cầu cấp bách nhất, có hiệu ứng lan tỏa để làm”.
“Với dự án này sẽ tìm mọi cách huy động vốn, cho dù đó là ngoài ngân sách, hay vốn xã hội hóa. Bản chất là lập thứ tự ưu tiên để tìm ra vốn chứ không phải có vốn rồi mới sắp.
Nếu chờ vốn thì sắp không biết đến bao giờ cho xong” – bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho hay.
Trước phát biểu này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho rằng các vấn đề ông Nguyễn Thiện Nhân đưa ra sẽ giúp Bộ điều chỉnh quy hoạch đúng hướng, và thực tế quy hoạch đang được tiến hành theo đúng nhận định trên.
Ông cũng cho rằng với vai trò, vị trí hiện nay TP.HCM cần được đầu tư nhiều hơn nữa, chứ không phải phân bổ theo cách dàn đều như hiện nay. Theo ông nơi nào phát triển mạnh có nghĩa nơi đó sử dụng vốn tốt hơn.