Chủ tịch Quốc hội nói về 2 trường hợp không đủ tư cách làm ĐBQH

Hoàng Đan |

"Bầu cử còn có hạn chế là có 2 người trúng cử ĐBQH nhưng sau đó Hội đồng bầu cử QG phải ra Nghị quyết với 100% số thành viên có mặt xác nhận không đủ tư cách ĐBQH", bà Ngân nói.

Sáng nay, 18/7, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử Quốc gia (HĐBCQG) Nguyễn Thị Kim Ngân khái quát, cuộc bầu cử đã thành công trên cả nước.

Theo đánh giá của Hội đồng Bầu cử Quốc gia, cuộc bầu cử bảo đảm dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm và thực sự là ngày hội của toàn dân. Tổng số cử tri đã tham gia bỏ phiếu là 67.049.091 cử tri, đạt 99,35% trên tổng số 67.485.482 cử tri.

Tổng số ĐBQH trúng cử trong ngày 22/5/2016 và bầu cử thêm ngày 29/5/2016 ở Cần Thơ là 496 người. Tổng số đại biểu HĐND cấp tỉnh trúng cử là 3.908 người; cấp huyện là 25.181 người và cấp xã là 292.306 người.

Căn cứ vào kết quả tổng kết bầu cử và kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến người trúng cử ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp, HĐBCQG, Ủy ban Bầu cử các cấp đã tiến hành xong việc xác nhận tư cách ĐBQH khóa XIV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.

Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân đề cập việc có nơi vẫn để xảy ra sai sót phải bầu lại, số lượng đại biểu Quốc hội bầu được không đủ như dự kiến (chỉ bầu được 496 người so với kế hoạch bầu 500 đại biểu), nhiều nơi số lượng đại biểu HĐND các cấp thiếu lớn…

Chủ tịch Quốc hội cũng nêu thêm về việc có 2 người đã trúng cử nhưng không đủ tiêu chuẩn để xác định tư cách đại biểu Quốc hội.

"Bầu cử còn có hạn chế là có 2 người trúng cử ĐBQH nhưng sau đó Hội đồng bầu cử QG phải ra nghị quyết với 100% số thành viên có mặt xác nhận không đủ tư cách đại biểu Quốc hội", Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Trình bày thêm về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng cho hay, có 2 đơn vị bầu cử của TP. Cần Thơ phải tổ chức bầu bổ sung 2 đại biểu Quốc hội.

Về trường hợp người sau khi trúng cử lại không đủ tiêu chuẩn nên Hội đồng bầu cử Quốc gia không công nhận tư cách đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Hội đồng bầu cử đã thận trọng trong việc xem xét, thẩm tra tư cách đại biểu.

Với 2 trường hợp không công nhận tư cách đại biểu Quốc hội (ông Trịnh Xuân Thanh và bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường - PV), Hội đồng đã biểu quyết bằng phiếu quyết định.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, việc Hội đồng bầu cử Quốc gia phải "bác" tư cách đại biểu Quốc hội với 2 người trúng cử vì những vi phạm, không đáp ứng tiêu chuẩn làm đại biểu Quốc hội chứng tỏ các cơ quan chưa làm tốt công tác hiệp thương giới thiệu ứng viên để đảm bảo kết quả bầu cử như dự kiến.

Ngoài ra, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng điểm lại những hạn chế khác trong cuộc bầu cử như vẫn để xảy ra sai sót trong in ấn phiếu bầu, kiểm soát số phiếu bầu phát ra, vẫn còn trường hợp bầu hộ bầu thay...

Trước đó, 2 trường hợp không được xác nhận tư cách ĐBQH là ông Trịnh Xuân Thanh và bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường.

Về trường hợp của ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, sau khi làm rõ các dấu hiệu vi phạm, Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định và yêu cầu tiến hành quy trình xem xét, xử lý kỷ luật đối với ông Thanh.

Còn bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường đã vi phạm Điều 4, Luật Quốc tịch Việt Nam khi đăng ký quốc tịch Cộng hoà Malta trong khi là công dân Việt Nam, đang ở, làm việc tại Việt Nam.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại