Chủ tịch Quốc hội lần đầu 'tiết lộ' về việc chọn và may áo dài

Hoàng Đan |

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lần đầu tiên đã chia sẻ về việc may và chọn mặc những bộ áo dài của mình.

Tại buổi gặp gỡ báo chí sáng nay, phóng viên Báo điện tử Tri thức trực tuyến đã đặt câu hỏi về các bộ áo dài ấn tượng của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Cụ thể, với tư cách là nữ Chủ tịch Quốc hội đầu tiên, bà luôn được trông đợi sẽ xuất hiện với bộ áo dài như thế nào?

Bà tự lo trang phục cho mình hay có người tư vấn riêng? Bà dành bao nhiêu thời gian chuẩn bị cho sự xuất hiện của mình?

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã trả lời: "Thực ra tôi cũng may ở nhiều chỗ lắm, cũng không có riêng, tất nhiên cũng có một số nhà thiết kế tôi thấy đẹp thì có chọn nhưng tôi cũng phải thay đổi phong cách khi đơn giản khi cầu kỳ một chút, không mất nhiều thời gian cho việc này.

Sáng nay tôi không định mặc áo dài nhưng thấy chị Phóng mặc áo dài nên chỉ 5 phút sau tôi cũng có áo dài để mặc.

Chị Phóng thì nói đầu khóa ra mắt báo chí thì nên ăn mặc lịch sự, báo chí thấy chúng ta tôn trọng báo chí, có tình cảm với báo chí vì thế tôi với chị Phóng mặc áo dài ra mắt báo chí hôm nay...".

Chủ tịch Quốc hội lần đầu tiết lộ về việc chọn và may áo dài - Ảnh 1.

Về câu hỏi của phóng viên truyền hình VTC14 liên quan đến vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo sẽ được tiếp tục thực hiện như thế nào tại Quốc hội khoá XIV, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định:

Việt Nam nhất quán một quan điểm về chủ quyền, chưa bao giờ thay đổi, đó là vấn đề thiêng liêng với mỗi một người dân Việt Nam.

Người Việt Nam hơn bất cứ đâu đều yêu chuộng hoà bình. Vậy nên khi Biển Đông có nhiều tranh chấp "5 nước 6 bên", chúng ta phải có nhiều biện pháp đấu tranh hoà bình để đảm bảo chủ quyền lãnh thổ nhưng cũng đảm bảo môi trường hoà bình, ổn định cho người dân.

Việt Nam yêu cầu các nước không đe dọa vũ lực, sử dụng vũ lực. Đất nước chúng ta rất khôn khéo từ thời xưa cho đến bây giờ và vì thế, nơi này, nơi khác có vấn đề này, nọ nhưng môi trường hòa bình của đất nước chúng ta.

Bảo vệ hòa bình không phải hô hào cho thật to, kích động thế này thế khác là có được chủ quyền, không có đâu.

Một số tổ chức, cá nhân lên tiếng hô hào thế này thế nọ nhưng những người đó, tổ chức đó làm gì cho đất nước? Chưa làm gì cả, chỉ có nói, kích động các phần tử để làm rối tình hình. Muốn giữ được chủ quyền biển đảo mà vẫn giữ được nền hòa bình và Việt Nam tôn trọng luật pháp Quốc tế.

Do đó, chúng ta không phải là một bên của tranh chấp, một bên của vụ kiện Philippines với Trung Quốc nhưng việc phán quyết của Tòa có liên quan đến quyền, lợi ích của chúng ta thì chúng ta phải quan tâm.

Sau khi phán quyết của Tòa, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng và Người phát ngôn nói gì phải có chủ trương, chứ không phải nói gì là nói. Thủ tướng chúng ta đi đâu, nói gì cũng là chủ trương của chúng ta. Chủ trương là nhất quán, quan điểm nhất quán.

Chúng ta hoan nghênh phán quyết cuối cùng và chúng ta đang chỉ đạo nghiên cứu, bởi nó dày lắm 600 - 700 trang chứ không phải rút ra 4 vấn đề chính. Chúng ta phải nghiên cứu thật kỹ xem những lời lẽ trong phán quyết đó có động chạm đến lợi ích của Việt Nam thì phải lên tiếng.

Nhưng trước hết là chúng ta hoan nghênh và luôn tôn trọng Luật pháp Quốc tế, thành viên tích cực, có trách nhiệm trong các tổ chức tham gia. Chúng ta bình tĩnh, nghiêm túc nhận xét, đánh giá, để xem phán quyết đó .

Việt Nam anh hùng khi 75 ngày đêm giàn khoan cắm ở vùng thềm lục địa của chúng ta thì lực lượng ít, tàu nhỏ nhưng chúng ta vẫn luôn lúc nào cũng có mặt, để đấu tranh thực địa. Thậm chí, vòi rồng phun, bị đâm vỡ, hỏng tàu thì về sửa rồi lại tiếp tục đấu tranh.

Trên đấu tranh chính trị, có ý kiến không dùng vũ lực. Quốc hội chúng ta gửi thư cho tất cả Quốc hội các nước đề nghị ủng hộ cho Việt Nam. Các đoàn ngoại giao Việt Nam chủ động, tăng thêm,vận động quốc tế ủng hộ. Chúng ta cũng đưa 40 nhà báo nước ngoài, Việt Nam đi ra thực địa quay phim.

Để một phút những hình ảnh về công tác đấu tranh đó lên được đài CNN tốn rất nhiều tiền, để một phút đưa lên các đài nhiều nước xem tốn rất nhiều tiền nhưng Việt Nam vẫn cố gắng làm thực hiện, bằng mọi phương thức hoà bình, theo luật quy định để bảo vệ chủ quyền.

Về chủ quyền biển đảo Quốc hội khóa 14 sẽ không có gì khác so với khóa 13.

Câu hỏi của báo Người lao động: Dự kiến trong kỳ họp này, Quốc hội sẽ nhận báo cáo của Chính phủ về tình trạng cá chết. Bà nghĩ gì về báo cáo này? Dự kiến Quốc hội có giám sát lại hoạt động của Formosa, đặc biệt việc giao đất 70 năm cho Formosa và trách nhiệm của những người liên quan hay không?

Bà Nguyễn Thị Kim Ngân: Thực ra Quốc hội đang giao uỷ ban KH-CN-MT giám sát độc lập riêng để có đánh giá, phản biện để có cơ sở đánh giá, không chỉ riêng Formosa mà còn giám sát việc thực hiện pháp luật về môi trường trong phát triển kinh tế. Giám sát thì phải nói trách nhiệm của ai, nếu không dân không nghe đâu.

Câu hỏi của báo Pháp luật TPHCM: Thời gian qua xảy ra nhiều câu chuyện về bổ nhiệm nhân sự, Quốc hội lần này có giám sát không?

Bà Nguyễn Thị Kim Ngân: Chúng tôi sẽ giám sát thực hiện công vụ, đạo đức công vụ, có khi đúng quy trình nhưng không đúng tiêu chuẩn thì giám sát sẽ chỉ ra. Như chúng tôi làm luật đúng quy trình như thực tế vẫn có luật chưa khả thi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại