Chủ tịch huyện lên tiếng về hình ảnh treo trâu đến chết tại lễ hội đền Đông Cuông

Hoàng Đan |

"Thực tế, việc này đã được thực hiện rất nhiều năm nay, báo chí cũng đã phản ánh nhưng đây là năm đầu tiên có những thông tin chia sẻ trên mạng xã hội như vậy", Chủ tịch UBND huyện Văn Yên cho biết.

Treo cổ trâu lên cây cho đến chết

Hình ảnh một con trâu bị người dân treo cổ trên cây cao cho đến chết mới hạ xuống đang được cộng đồng mạng chia sẻ nhanh chóng với nhiều ý kiến bày tỏ sự bức xúc trước hành động phản cảm, dã man đối với động vật.

Đoạn clip ghi lại cảnh con trâu đen được người dân buộc thừng dắt đến gốc cây, sau đó họ dùng những sợi dây thừng dài buộc cổ trâu cột vào một cành cây to.

Một lúc sau, có người cầm loa hô lớn, nhiều người nhanh chóng xúm lại kéo sợi dây thừng treo cổ trâu lơ lửng trên cây, nâng lên hạ xuống liên tục cho đến khi con trâu chết hẳn mới chặt dây thả xuống. Rất đông người dân trong làng đã cùng tập trung theo dõi sự việc.

Chủ tịch huyện lên tiếng về hình ảnh treo trâu đến chết tại lễ hội đền Đông Cuông - Ảnh 1.

Con trâu được treo lên cho đến chết. Ảnh: Facebook

Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Quang Hải, Chủ tịch UBND huyện Văn Yên (Yên Bái) xác nhận, hình ảnh trên là một trong các nghi thức tại lễ hội đền Đông Cuông trên địa bàn huyện.

"Về những hình ảnh lan truyền trên mạng, chúng tôi đã nắm được nhưng đó là hình ảnh của các năm trước. Chưa kể, họ còn lấy hình ảnh ở ngôi đền nào đó đưa vào.

Đền Đông Cuông là ngôi đền cổ thờ Mẫu của dân tộc Tày từ trăm năm nay và được Nhà nước xếp hạng di tích văn hóa cấp quốc gia. Hàng năm tại đây vẫn tổ chức lễ hội, trong đó, có nghi thức treo con trâu để tế Mẫu", ông Hải nói.

Sẽ theo ý kiến chỉ đạo của Bộ, tỉnh

Chủ tịch UBND huyện Văn Yên cũng cho hay, lễ hội đền Đông Cuông năm nay sẽ được tổ chức vào ngày 13 (âm lịch) tới đây. Liên quan đến nghi thức treo trâu thì trong hôm nay (6/2), Thường trực Huyện ủy sẽ họp để xem xét, bàn bạc cụ thể.

"Chiều 5/12, chúng tôi đã nhận được ý kiến phản hồi của Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Chúng tôi sẽ có trách nhiệm báo cáo đầy đủ, xin ý kiến của tỉnh vì về mặt hình ảnh, xã hội thì phản cảm nhưng cũng còn về mặt truyền thống, tâm linh.

Bởi, nghi thức này không phải chúng ta nghĩ ra mà nó do lịch sử để lại hơn trăm năm nay rồi.

Tuy nhiên, sau này, nếu Bộ và tỉnh yêu cầu phải thực hiện theo đúng quy định mới thì chúng tôi sẽ tuân thủ nghiêm túc nhưng chỉ có thể thay đổi cách giết trâu là không phải treo trâu như hiện nay mà dùng cách nào hợp lý hơn.

Còn theo truyền thống từ xưa truyền lại lễ hội vẫn phải cúng thịt trâu nên không thể bỏ được", ông Hải nhấn mạnh.

Ông Hải cho biết thêm, theo truyền thuyết, hàng năm tục lệ tế trâu ở đền Đông Cuông được tổ chức vào ngày Mão đầu tiên của tháng Giêng và ngày Mão bất kỳ của tháng 9 âm lịch.

Trong dịp lễ đầu năm người dân cúng trâu trắng được tuyển chọn kỹ, buộc sẵn dưới gốc mít và giữa năm cúng trâu đen.

"Trâu ở đây chỉ được treo cho đến chết chứ không dùng bất cứ biện pháp nào khác như đánh, đập, chọc.. để làm chết giống một số lễ hội, bởi ai cũng hiểu con trâu là đầu cơ nghiệp, không thể dã man được.

Sau khi trâu chết sẽ được hạ xuống để giết thịt và đưa cả con vào trong đền để thầy mo làm lễ cúng. Việc này cũng là một trong số các nghi thức được thực hiện trong lễ hội.

Thực tế, việc này đã được thực hiện rất nhiều năm nay, báo chí cũng đã phản ánh nhưng đây là năm đầu tiên có những thông tin chia sẻ trên mạng xã hội như vậy.

Chúng tôi sẽ họp, bàn bạc cụ thể nhưng cũng mong mọi người hiểu rõ về phong tục, truyền thống này để cùng chia sẻ và sau này, khi các cơ quan chức năng có hướng dẫn, yêu cầu thế nào, huyện sẽ thực hiện nghiêm túc theo", ông Hải nói thêm.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại