Đề nghị làm rõ khái niệm “ổ dịch và “vùng dịch” liên quan BV Bạch Mai để cảnh báo
Tại phiên họp của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Hà Nội vào chiều 27/3, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, đã nhờ các chuyên gia toán học, dịch tễ học phân tích tình hình Vũ Hán và có 3 kịch bản: không làm gì; làm yếu ớt và làm mạnh mẽ về các biện pháp cách ly, cách ly cộng đồng, cách ly xã hội.
Hiện tại, theo ông, thành phố chọn cách làm mạnh mẽ, ngăn nguồn lây nhiễm bệnh Covid-19 ra xã hội.
"Chúng ta không để dịch bệnh phát tán ra nơi đông người. Nhưng có thể có các điểm cháy nhỏ tức các ổ dịch nhỏ như ở Bạch mai, Thanh Xuân, 125 Trúc Bạch, 36 Hoàng Cầu, Núi Trúc...
Nếu chúng ta cách ly tốt và người dân chấp hành tốt thì nó chỉ trở thành các điểm dịch nhỏ và chúng ta phát hiện, ngăn chặn được ngay. Còn nếu chúng ta để thành ổ dịch lớn đông người sau đó phát tán khắp nơi thì sẽ như Vũ Hán", ông Chung nói.
Người đứng đầu UBND TP cũng nêu lại bài học kinh nghiệm về xử lý ổ dịch ở Trúc Bạch, bệnh viện Hồng Ngọc… và yêu cầu các địa phương cần nghiên cứu để áp dụng như kinh nghiệm cách ly một tầng ở tòa nhà, khử khuẩn thang máy, môi trường, đo thân nhiệt thường xuyên; không nhất thiết phải cách ly cả tòa nhà.
Ông nhấn mạnh, các đơn vị phải đảm bảo nguyên tắc không chờ quyết định công bố dương tính của Bộ Y tế.
TP chủ động nâng cao hơn 1 mức, có xét nghiệm dương tính ban đầu thì phải ngay lập tức xác định rõ F1, F2, tổ chức cách ly ngay. Nếu không phản ứng nhanh, chờ 1, 2 ngày thì con số sẽ nhân lên khó lường.
"Các quận huyện phải giải thích rõ với người dân rằng Hà Nội không giống các vùng quê, nếu chờ 1-2 ngày có kết quả và để người dương tính với Covid-19 đi lại sẽ rất nguy hiểm.
Vì thế TP Hà Nội phải làm cao hơn một mức so với quy định của T.Ư. Quan điểm là các cán bộ cứ làm, sau này sai tôi chiụ. Nếu sai một vài ngày công bố dương tính không vấn đề gì cả, phòng ngừa càng tốt", ông Chung nêu.
Lãnh đạo TP Hà Nội cũng đề nghị lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai xem, nghiên cứu thêm bài học liên quan đến Bệnh viện Hồng Ngọc.
Chủ tịch Hà Nội cũng thông tin, Bộ Y tế đã thông báo Bệnh viện Bạch Mai là “ổ dịch”. Do vậy, ông yêu cầu Bệnh viện Bạch Mai cũng như Trung tâm phòng chống bệnh tật TP Hà Nội làm rõ khái niệm “ổ dịch và “vùng dịch” để cảnh báo cho người dân.
"Người đi từ vùng dịch về chúng ta cấm, vậy những người ở đây đi ra có được coi là vùng dịch không. Đề nghị các đồng chí hỏi Trung ương xem giải thích thế nào để dễ làm việc", ông Chung yêu cầu.
Trước tình hình dịch Covid-19, Bệnh viện Bạch Mai đã cho “đóng băng” toàn bộ bệnh nhân ở đây.
Tuy nhiên, ông Chung cho biết, trên địa bàn TP còn có 1.592 bệnh nhân điều trị tại bệnh viện, tính từ ngày 10/3. Lãnh đạo UBND TP Hà Nội yêu cầu những trường hợp này phải cách ly tại nhà.
Bên cạnh đó, những người vào trông các trường hợp này, ngủ tại bệnh viện cũng phải tổ chức cách ly tại nhà. Sau đó phải tiến hành khai báo y tế và lấy mẫu xét nghiệm.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng lo ngại về số học viên do Bệnh viện Bạch Mai đào tạo đến từ các tỉnh thành khác nhau, hiện đã được nghỉ học từ ngày 20/3 hay số bác sĩ của Bạch Mai đi các viện khám, khám chữa bệnh ngoài giờ, những người lái taxi, vận chuyển thuốc, thực phẩm...
Ông Chung yêu cầu Bệnh viện Bạch Mai phải thông báo cụ thể để mọi người nắm rõ. “Chúng ta phải ý thức làm triệt để sẽ thành công. Còn nếu lơ là dịch bệnh sẽ lây nhiễm cao”, ông Chung cảnh báo.
Mọi người ra chợ, siêu thị mua bán rau củ quả cũng phải đeo khẩu trang và cách xa 2m
Người đứng đầu UBND TP cũng nêu rõ, thành phố chấp nhận thiệt hại về kinh tế để phòng, chống dịch bảo vệ tốt về sức khỏe và tính mạng của người dân. Đây là mục tiêu tối thượng.
Thành phố thực hiện theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng, áp dụng biện pháp hạn chế tụ tập đông người kể từ từ 0h ngày 28/3 đến hết ngày 15/4, đồng nghĩa các trường học trên địa bàn thành phố từ trường ĐH, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề cho đến THPT, THCS, tiểu học, mầm non sẽ nghỉ học đến ngày 15/4.
Dừng mọi hoạt động hội họp, các hoạt động tập trung đông người trên 20 người trong 1 phòng. Không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở trường học bệnh viện, yêu cầu đeo khẩu trang giữ khoảng cách tối thiểu 2, giữa người với người theo quy định.
Mọi người ra chợ, siêu thị mua bán rau củ quả cũng phải đeo khẩu trang và cách xa 2m. Dừng triệt để các nghi lễ về tôn giáo hoặc hoạt động tập trung từ 20 người trở lên ở các cơ sở tôn giáo tín ngưỡng thờ tự.
Dừng tất cả các hoạt động văn hóa thể thao giải trí tại các địa điểm công cộng và khi tập trung dưới 20 người phải tiến hành khử khuẩn, vệ sinh y tế, kiểm tra đo thân nhiệt, khẩu trang, thực hiện khoảng cách tối thiểu 2m giữa người với người.
Đóng cửa, tạm dừng kinh doanh toàn bộ các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn thành phố, trừ các cơ sở phục vụ thiết yếu.
Người đứng đầu UBND TP cũng giao Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã điều tra phối hợp với ngành y tế phối hợp thực hiện xét nghiệm cách ly đối với các trường hợp tiếp xúc gần F1, F2 tăng cường chỉ đạo giám sát các trường hợp cách ly tại gia đình.
Thực hiện xử lý vi phạm, cưỡng chế đối với các trường hợp chống đối cách ly theo quy định.
"Đề nghị nhân dân thủ đô bình tĩnh, yên tâm, tiếp tục tin tưởng, ủng hộ tất cả các biện pháp phòng, chống dịch và mỗi người dân phải là một chiến sĩ. Đồng thời, tiếp tục chung sức chung lòng để đẩy lui dịch bệnh", ông Chung bày tỏ.
Lãnh đạo UBND TP nhấn mạnh, trong ngày mai, ngày kia là ngày nghỉ nhưng đề nghị các thành viên Ban chỉ đạo, Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã, phường, xã, không được rời khỏi thành phố và để máy điện thoại 24/24, sẵn sàng đi làm bất cứ lúc nào.
"Như Thủ tướng nói, 2 tuần tới là 2 tuần cao điểm nên phải nâng cao tinh thần, trách nhiệm, nâng cao ý thức tự giác, phản ứng nhanh với diễn biến trên địa bàn thành phố", ông Chung chỉ đạo.