Chủ tịch FPT Software: “Người Việt trẻ học sâu thì kém nhưng học mới thì nhanh”

Linh Lam |

Đó là chia sẻ của ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Software về nguồn nhân lực Việt Nam tại ngày hội công nghệ thông tin Nhật Bản 2016.

Sáng ngày 26/10, ngày hội công nghệ thông tin (CNTT) Nhật Bản 2016 đã được khai mạc tại Hà Nội. Đây là dịp để các công ty Nhật Bản và Việt Nam tìm kiếm cơ hội hợp tác và mở rộng hoạt động kinh doanh.

Phát biểu tại sự kiện, ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Software cho rằng cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ 3 đã giúp Nhật Bản trở thành cường quốc, nhưng quốc gia này lại có vẻ đang đi chậm trong cuộc CMCN lần thứ 4.

“Trong chuyến đến thăm Nhật Bản gần đây, chúng tôi nhận thấy các công ty lớn nhất đã đầu tư từ rất lâu vào những xu hướng hiện đại như IoT (internet kết nối vạn vật), SMAC… nhưng những thứ đó vẫn còn nằm trong phòng nghiên cứu và chưa được ứng dụng vào thực tiễn", ông Tiến chia sẻ.

Cũng theo người đứng đầu FPT Software, ngành công nghệ thông tin Nhật Bản đang thiếu nguồn nhân lực IT trầm trọng, đặc biệt trong các lĩnh vực như IoT hay Digital Transfomation (chuyển dịch sang số hóa)…

Ông Tiến nhận định, cuộc CMCN lần thứ 4 rất quan trọng với Nhật Bản và đó cũng là cơ hội cho Việt Nam. "Nguồn nhân lực Việt Nam phải luôn luôn sẵn sàng cho cuộc CMCN lần thứ 4", Chủ tịch FPT Software nhấn mạnh.

Theo ông Tiến, "các bạn trẻ Việt học sâu thì có thể kém, không giỏi bằng một số nước khác nhưng phải học những gì mới và nhanh thì rất tốt".

Ông Tiến lấy dẫn chứng rằng khi đưa vào giảng dạy các công nghệ mới tại một số trường như ĐH Bách Khoa, ĐH Công nghệ hay ĐH FPT... sinh viên chỉ cần 1-3 tháng là có thể nắm bắt được.

Hiện nay, Việt Nam là đối tác gia công phần mềm lớn thứ 2 của Nhật Bản và đang tiếp tục nhận được sự chú ý từ nhiều doanh nghiệp xứ sở hoa anh đào.

Thống kê cho thấy, hầu hết các công ty phần mềm Việt Nam hợp tác kinh doanh với doanh nghiệp Nhật Bản đều có doanh thu tăng trưởng trung bình hàng năm từ 20% trở lên. Trong đó, 13% công ty có 100% doanh thu đến từ Nhật Bản.

Chủ tịch FPT Software: “Người Việt trẻ học sâu thì kém nhưng học mới thì nhanh” - Ảnh 1.

Chi phí nhân công thấp khiến nguồn nhân lực IT Việt Nam hấp dẫn nhiều doanh nghiệp Nhật. Nguồn: Vinasa

Theo báo cáo của Hiệp hội phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam (Vinasa), Việt Nam luôn nằm trong Top những quốc gia hấp dẫn nhất về gia công phần mềm nhờ vào nguồn nhân lực chất lượng và chi phí cạnh tranh.

Toàn ngành phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam hiện có khoảng gần 200.000 lao động (cả phần mềm và nội dung số). Mỗi năm, có khoảng 150.000 sinh viên đang theo học tại các cơ sở đào tạo cung cấp cho ngành trên 42.000 sinh viên tốt nghiệp và tuyển sinh trên 55.000 sinh viên.

Về chi phí, so với các quốc gia có chất lượng tương đồng như Malaysia, Thái Lan, Philippines thì Việt Nam có mức cạnh tranh hơn khá nhiều.

Theo báo cáo của ASOCIO, lương bình quân của kỹ sư mới ra trường là 280 USD/tháng, kỹ sư sau 3 năm kinh nghiệm là 520 USD/tháng, quản lý cấp trung là 1.000 USD/tháng và Quản lý cấp cao là 2.000 USD/tháng, chỉ tương đương Bhutan - một quốc gia phát triển thấp, bằng 1/3 Malaysia, ¼ so với Đài Loan và 1/5 so với Nhật Bản và Hàn Quốc.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông, nguồn nhân lực IT biết tiếng Nhật của Việt Nam vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại