Các trường đại học ở Việt Nam chưa có sự chuẩn bị về chương trình đào tạo cho cách mạng công nghiệp 4.0. Hàng triệu việc làm trong ngành dệt may, gia dày, lắp ráp điện tử… sẽ mất đi trong vài năm tới nhưng kế hoạch đào tạo lại người lao động trong thời kỳ mới vẫn là một dấu hỏi. Đó là những nhận xét của Chủ tịch FPT Software.
Phòng tiếp khách của ông Hoàng Nam Tiến có điểm nhấn là một bình cúc họa mi to. Chủ tịch của công ty phần mềm lớn nhất Việt Nam trả lời chúng tôi về cách mạng công nghiệp 4.0 với những nhận xét không mang màu hồng.
2017 là năm mà người người, nhà nhà nói về Cách mạng công nghiệp 4.0. Là Chủ tịch công ty phần mềm lớn nhất Việt Nam, ông nghĩ gì về điều này?
Tháng 4/2016, chúng tôi là một trong những đơn vị đầu tiên đưa các ý tưởng về 4.0 vào Việt Nam, đặc biệt là giới thiệu với lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Điều rất vui mừng là ngay lập tức, lãnh đạo Đảng và Nhà nước nhận ra 4.0 là cơ hội và thách thức cho Việt Nam. Sau đó, Ban Kinh tế trung ương đã chủ động tổ chức hội thảo về 4.0, Thủ tướng cũng đưa ra các chỉ đạo. Từ đó, không chỉ Đảng và Chính phủ nhắc đến cuộc CMCN mới, điều chúng ta thấy hôm nay là các doanh nghiệp, các hội thảo đều nhắc đến "4.0" như một từ khóa quan trọng.
Nếu nhìn lại tất cả các cuộc CMCN, chúng ta sẽ thấy điểm cơ bản là việc thay đổi năng suất lao động. Cái mới thay đổi cái cũ, thay đổi phương thức sản xuất cũ, cách làm cũ. Nguy cơ đối với Việt Nam là những lợi thế lớn trước đây sẽ không còn giá trị trong cuộc CMCN lần thứ tư, ví dụ như: lao động giá rẻ, số lượng lao động trẻ lớn do đất nước đang trong thời kỳ dân số vàng...
CMCN 4.0 gắn chặt với kết nối nhưng ở Việt Nam, hàng chục triệu thanh niên cắm mặt với kết nối trên Facebook chủ yếu để chơi cùng smartphone. Ông có nhận xét gì về hiện tượng trên?
Đúng là thời gian của các thanh niên Việt Nam cắm mặt vào Facebook trung bình khoảng hơn 3 tiếng/ngày. Đây là thời gian online dành cho mạng xã hội vào hạng nhiều nhất trên thế giới. Tuy nhiên, cũng cần nhớ lại thời gian trước đây, cứ mỗi buổi tối ở làng quê, thanh niên trong làng kéo nhau ra cầu ở đầu làng, tám chuyện đến 9 giờ tối. Họ về sớm vì chẳng có điện, chẳng có gì để xem và để đi ngủ sớm. Sau đó TV xuất hiện, họ suốt ngày coi phim chưởng.
Thôi thì bây giờ vào Facebook cũng ổn hơn, bởi kiến thức trên Facebook cũng khá mở rộng. Nó giúp họ nhìn được cả thế giới, thấy cơ hội dường như đến gần hơn. Bây giờ, ngay cả những thanh niên bình thường cũng có thể nói về 4.0, AI (trí tuệ nhân tạo), Big Data... như chúng tôi. Đấy là điều khác biệt so với trước đây.
CMCN 4.0 gắn liền với cơ hội cho các bạn trẻ làm startup và nhiều người đã nói đến việc chỉ cần chiếc smartphone là có thể startup được và bật điện thoại lên là có thể kiếm tiền với Uber, Grab… Theo ông, cơ hội để startup có dễ như vậy không?
Hình như có một chút nhầm lẫn ở đây bởi có vẻ một số người nghĩ rằng startup đồng nghĩa với làm việc cái gì đấy trên nền tảng Internet. Không đúng! Nền kinh tế chia sẻ với Uber, Grab, AirBnB,... chỉ là phần rất rất nhỏ của startup.
Startup là những người tạo ra điều khác biệt đối với nền sản xuất, kinh doanh thông thường. Đừng nhầm lẫn giữa việc mở doanh nghiệp với làm startup. Tuy nhiên, cũng cần biết rằng, tỷ lệ thành công của startup đâu đó cũng chỉ 3/1.000 và tôi muốn lưu ý các bạn về điều đó.
Nhưng khi đến Hà Nội chia sẻ với các bạn trẻ, Jack Ma nói rằng, mọi thanh niên có thể dùng smartphone để khởi nghiệp kinh doanh rất dễ dàng trong thời đại 4.0?
Jack Ma là điển hình của một doanh nhân, bán hàng ở mọi chỗ mọi nơi. Hiển nhiên, đi đến bất kỳ đâu, Jack Ma cũng nói đến bán hàng online, thanh toán online, tất cả mọi người đều dễ dàng kinh doanh,... bởi vì ông ấy làm thương mại điện tử. Đã làm nghề bán hàng thì tôi biết, phải bán ở mọi chỗ mọi nơi nên đừng thắc mắc về chuyện ấy.
Cũng là người bán hàng như Jack Ma, ông thấy cơ hội gì từ cuộc CMCN 4.0?
Cách đây 6 năm khi bắt đầu làm ở Fsoft, tôi nhận thấy khoảng cách của Fsoft với các đối thủ lớn trên thế giới là khoảng 20-30 năm, nếu nói về ERP, Core banking, các hệ thống OSS, BSS trong viễn thông, các ngành sản xuất.
Cũng vì thế, chúng tôi đã quyết định chọn một con đường khác. Đó là tập trung vào những nền tảng công nghệ mới nhất trên thế giới tại thời điểm đó: di động, big data, điện toán đám mây, IoT, AI (trí tuệ nhân tạo), Robotic. Ở những lĩnh vực này, khoảng cách của chúng tôi so với các đối thủ cạnh tranh trên thế giới chỉ còn 2-3 năm.
Cùng với việc cạnh tranh với những công ty công nghệ lớn nhất thế giới, chúng tôi cũng hợp tác với những công ty công nghệ lớn nhất trên toàn cầu: Amazon, IBM, Microsoft,... Ngoài ra, chúng tôi còn hợp tác với những hãng là chuẩn mực trong ngành công nghiệp như Siemens, GE...
Việc hợp tác này đã giúp Fsoft có một vị thế khác hẳn, dù là một công ty Việt Nam với 96% cán bộ là người Việt. Slogan của chúng tôi bây giờ là: "Đồng hành với những hãng công nghệ lớn nhất thế giới và các khách hàng lớn nhất thế giới để chuyển đổi số".
Thu hẹp khoảng cách và hợp tác được với những công ty công nghệ hàng đầu thế giới, nhưng lợi nhuận của Fsoft không hơn nhiều so với những công ty làm việc kiểu "công nhân" truyền thống ở Việt Nam. Ông thấy gì về điều này?
Cho đến thời điểm này, một công ty phần mềm có doanh thu khoảng 300 triệu USD, lợi nhuận khoảng hơn 1.000 tỷ đồng là không tệ. Đáng tiếc là ngoài Fsoft, không có nhiều công ty có vị thế như vậy ở Việt Nam. Giá mà chúng ta có 10-20 công ty giống như Fsoft thì hình ảnh, nền tảng ngành công nghiệp phần mềm của Việt Nam đã khác rất nhiều. Chúng ta sẽ thực sự trở thành một điểm đến của rất nhiều hãng hàng đầu thế giới. Đây không phải điều tôi nói, mà là nhận xét của các lãnh đạo cao cấp của những tập đoàn lớn nhất toàn cầu khi đến Việt Nam.
Tôi cũng bổ sung thêm, số lượng công ty Việt Nam niêm yết trên thị trường chứng khoán đạt lợi nhuận hơn 1.000 tỷ đồng có thể đếm được.
Tuy nhiên, nếu nhìn vào tương lai, với những gì chúng tôi đang bắt tay vào làm, thì chắc chắn thành quả sẽ khác biệt. Chúng tôi hoàn toàn có thể hy vọng doanh thu 1 tỷ đô la vào 2020 với 30.000 kỹ sư phần mềm, hoặc xa hơn nữa là 2 tỷ đô la vào khoảng 2025, với 50.000 kỹ sư phần mềm.
Tôi muốn nói thêm rằng, nguồn lực 4.0 khắp nơi trên thế giới đều thiếu hụt, và nếu chúng ta làm được những công việc này thì giá và năng suất chắc chắn sẽ cao hơn rất nhiều so với hiện tại.
Như vậy ông nghĩ FPT Software đã trở thành "một con cá to"?
Chúng tôi chỉ là cá to trong bầy cá nhỏ ở Việt Nam thôi, nhưng còn quá bé nhỏ trên thế giới. Chúng tôi đã làm một phân tích so sánh: nếu Fsoft chuyển sang Ấn Độ thì chỉ là công ty phần mềm đứng thứ 24; còn chuyển sang Trung Quốc thì là công ty đứng thứ 8. Khoảng cách vẫn còn xa và rất xa đối với những công ty đứng đầu. Đơn giản như một công ty của ông bạn tôi - Tata Consultancy Services (Ấn Độ), họ có đến 400.000 nhân viên, doanh thu từng đạt tới 15 tỷ USD. Khoảng cách xa lắm.
Vậy trên thị trường toàn cầu, cơ hội để những con "cá nhỏ" như Fsoft có thể thắng "cá to" trong thời đại CMCN 4.0 có khác so với trước hay không?
Trong quá khứ, các công ty khổng lồ với doanh thu hàng trăm tỷ USD đầu tư hàng chục tỷ USD cho nghiên cứu và phát triển. Họ luôn dẫn đầu, luôn luôn ở vị trí to càng to hơn, kiểu "too big to die". Nhưng ngày hôm nay đã khác. Có nhiều công ty rất nhỏ bé, nhưng nhờ tiến bộ về công nghệ đã trở thành những tập đoàn khổng lồ trên thế giới.
Chỉ cách đây vài năm, không ai biết đến AirBnB. Ngày hôm nay, họ là tập đoàn có số lượng phòng khách sạn lớn nhất thế giới với hàng triệu phòng và còn tiếp tục tăng nữa. Điều đó cho thấy rằng, tiến bộ trong lĩnh vực công nghệ đã làm thay đổi mọi thứ. Cũng chỉ ít năm trước, khoản đầu tư của Yahoo vào Alibaba là một loại đầu tư mạo hiểm. Ngày hôm nay, câu chuyện khác hẳn. Tôi cá rằng, giá trị trên thị trường chứng khoán của Alibaba sẽ vượt Apple.
Fsoft vừa giới thiệu ô tô tự lái. Liệu đây có phải là một lĩnh vực mà ông đang hướng đến để cạnh tranh với tập đoàn lớn của thế giới?
Khi bước vào các lĩnh vực tiên tiến nhất như big data, điện toán đám mây, IoT, AI, robotic... một trong những xu hướng công nghệ mà chúng tôi đầu tư vào là Autonomous/driverless (ô tô không người lái). Tuy nhiên, tôi xin khẳng định là chúng tôi chưa có ý định sản xuất ô tô tự lái. Tôi cũng không tin rằng có hãng nào sản xuất được ô tô tự lái chạy được trên đường phố Việt Nam.
Nhưng chúng tôi đã tiến rất rất gần đến việc sản xuất các xe tự hành, hoạt động trong các bến cảng, nhà kho, nhà máy. Chúng tôi đang làm việc với 2 trong số 3 công ty chuyên sản xuất các thiết bị tự hành như vậy, và rất hy vọng sẽ làm việc được cả với công ty đứng đầu.
Ông nói đến việc các thế mạnh trước đây của Việt Nam là lao động trẻ, giá rẻ sẽ mất đi trong thời đại 4.0. Vậy còn việc máy móc sẽ thay thế con người thì sao?
Trong 10 năm tới, hàng triệu công nhân Việt Nam trong ngành dệt may, da giày, lắp ráp điện tử sẽ mất việc bởi máy móc. Tôi lưu ý là "hàng triệu". Điều nguy hiểm là những người công nhân hôm nay vẫn còn rất trẻ, dù thêm 10 tuổi nữa. Chắc họ cũng chưa có những sự chuẩn bị nào về đào tạo để chuyển sang nghề mới.
Một robot may hiện có giá khoảng 200.000 USD. Nhưng không đến 3 năm nữa sẽ giảm còn 20.000-30.000 USD. Không có công nhân giá rẻ nào có thể cạnh tranh được với máy móc. Bởi vì chúng hoạt động 24/7, không cần ngày nghỉ, 365 ngày không cần các loại chi phí khác. Máy móc làm nhanh hơn, chất lượng tốt hơn và quan trọng là giá rẻ hơn.
"Dark factory" là một từ rất thời thượng, hay được nhắc đến trong thời gian gần đây. Đó là nhà máy không có đèn nhưng thực ra phải thêm "no toilet". Điều này không hề xa vời. Cách đây 2 năm, một trong những công ty lắp ráp điện tử lớn nhất tại Việt Nam đã hoạt động "dark factory".
Vậy còn những việc làm mới sẽ được tạo ra nhờ CMCN 4.0?
Số việc làm mất đi là nhìn thấy, còn số tăng thêm thì tôi chưa thấy đâu. Khi trao đổi về vấn đề này với các lãnh đạo của các tập đoàn công nghệ đứng đầu thế giới tại diễn đàn kinh tế thế giới Davos vừa qua, họ đều khẳng định rằng, các anh là những người làm công nghệ thì thấy rõ, có hàng nghìn, chục nghìn, trăm nghìn công việc mới xuất hiện và còn nhiều hơn nữa. Cả thế giới này đang chuyển đổi số.
Điều này có nghĩa là hiển nhiên sẽ có hàng trăm, hàng triệu công việc mới. Bộ Công nghiệp Đức cũng đã lập ra bảng thống kê những công việc mới thuộc loại đầu việc gì. Chúng ta không phải lo về chuyện này. Vấn đề là những công việc đấy có phù hợp với Việt Nam hay không, phù hợp với các bạn trẻ hay không.
Ở góc độ cá nhân, ông nhìn nhận cơ hội thực sự với CMCN 4.0 như thế nào?
Trước đây, khi mới làm phần mềm, chúng tôi thấy một cơ hội không giới hạn với dịch vụ phần mềm. Trên thế giới, thị trường này có quy mô tới 400-500 tỷ USD mà doanh thu Fsoft lúc đó mới 100 triệu USD.
Nhưng nói về 4.0, mọi thứ khác đi. Với AI (trí tuệ nhân tạo), Big Data, Robotic… thì chúng ta có một cơ hội khác. Đó là cơ hội vươn lên nhóm dẫn đầu trên thế giới trong lĩnh vực này vì chúng ta có thể đi thẳng vào những công nghệ tiên tiến nhất thế giới, làm việc với những tập đoàn lớn nhất thế giới, những việc mới nhất thế giới. Đó là cơ hội rất đặc biệt mà chưa từng xuất hiện: một hoặc nhiều công ty Việt Nam trở thành tên tuổi hàng đầu thế giới trong những lĩnh vực mới.
Ở Việt Nam, câu chuyện về CMCN 4.0 được nói rất nhiều nhưng còn chuẩn bị cho nó thì sao?
Bill Gates nói rằng, hầu hết các công việc mới được tạo ra bởi CMCN 4.0 sẽ đòi hỏi phải có trình độ đại học. Điều đó có nghĩa là các trường đại học phải đào tạo ra một thế hệ người lao động mới. Các trường đại học ở Việt Nam đã chuẩn bị chưa? Tôi chưa thấy. Nghĩa là 4-5 năm nữa, khi lứa sinh viên đang ở trường đại học năm nay ra trường, họ chưa sẵn sàng cho CMCN 4.0.
Nếu các trường đại học, thậm chí cả cao đẳng và dạy nghề không chuẩn bị sẵn cho việc này thì chúng ta sẽ lại một lần nữa lỡ chuyến tàu CMCN. Thôi thì 3 cuộc cách mạng trước chúng ta lỡ rồi, cũng không chết, sống bình thường. Lần này nếu có lỡ tiếp, chắc cũng không sao. Nhưng chúng ta bỏ lỡ cơ hội để có thể cạnh tranh toàn cầu, để vươn lên có vị trí, và dường như chúng ta cũng không còn thế mạnh nào để phát huy nữa.