Hoàng Nam Tiến sinh năm 1969, là con trai của thiếu tướng Hoàng Đan (một chỉ huy tiền tuyến xuất sắc đồng thời cũng là nhà lý luận quân sự hàng đầu của Việt Nam). Từng là học sinh chuyên Toán trường Amsterdam, tốt nghiệp ngành Công nghệ Thông tin - Đại học Bách khoa Hà Nội, Tiến gia nhập FPT từ năm 1993 và có biệt danh Tiến béo.
Mới vào công ty, anh đã nổi danh với việc đứng lên trong cuộc họp và phát biểu các sếp là ngu vì nói không đúng về chiến lược, chiến thuật phân phối (lần đó Tiến chỉ là người đi họp thay vì trưởng phòng bận việc). Cũng nhờ đó, anh được ông Trương Gia Bình (lúc đó là Tổng giám đốc FPT) giao luôn nhiệm vụ làm phân phối để chứng minh phát biểu "sếp ngu" của Tiến là đúng.
Năm 2008, Công ty phân phối FPT (do Hoàng Nam Tiến làm tổng giám đốc) đạt doanh thu 700 triệu USD (chiếm 68% toàn tập đoàn), đưa FPT lần đầu tiên trong lịch sử vượt ngưỡng doanh thu 1 tỷ USD. Từ năm 2011 đến nay, anh được giao nhiệm vụ làm Chủ tịch Công ty phần mềm FPT (FPT Software) và được coi ứng cử viên sáng giá nhất cho vị trí CEO kế tiếp của tập đoàn.
1 tỷ USD và những giấc mơ viển vông của FPT
- FPT Software đặt mục tiêu doanh thu 1 tỷ USD vào năm 2020. Tại sao lại là 1 tỷ USD?
- Khi làm phần mềm, chúng tôi làm thống kê dựa trên dữ liệu của Gartner (tổ chức uy tín bậc nhất về dữ liệu ngành công nghệ thông tin) thì nhận thấy số công ty phần mềm có doanh thu từ 1 tỷ USD trở lên trên thế giới có thể đếm được.
Chẳng hạn Ấn Độ, quốc gia hùng mạnh bậc nhất về dịch vụ phần mềm, chỉ có 6 công ty đạt doanh thu trên 1 tỷ USD. Ngay tại thời điểm này, với doanh thu 200 triệu USD của FPT Software, chúng tôi đứng thứ 14 nếu ở Ấn Độ và đứng thứ 6 nếu ở Trung Quốc. Đây là con số không tệ.
Hiện nay, FPT Software nằm trong top 100 nhà cung cấp dịch vụ ủy thác toàn cầu (The Global Outsourcing 100). Để con số tròn trịa và dễ nói cũng như thể hiện quyết tâm cao, chúng tôi đưa ra con số 1 tỷ USD vào năm 2020.
Để đạt con số này, trong 5 năm, chúng tôi phải tăng quy mô gấp 5 lần từ 200 triệu USD, tương ứng với mức tăng trưởng 38,9% mỗi năm. Những năm trước đó, chúng tôi tăng trưởng từ 30 tới 35%. Như vậy, mục tiêu đặt ra không phải quá viển vông.
Để làm được điều đó, ngoài việc tăng trưởng tự nhiên 30-35%, chúng tôi sẽ sử dụng thêm các biện pháp mua bán và sáp nhập (M&A). Năm 2014, chúng tôi thực hiện vụ M&A đầu tiên là một công ty tại châu Âu. Trong năm 2015, chúng tôi vẫn giữ xu thế tăng trưởng ở mức 35 – 40%.
Cùng với chiến lược M&A của tập đoàn, chúng tôi tin là mục tiêu 1 tỷ USD từ thị trường nước ngoài sẽ trở thành hiện thực.
- Năm 2008, mảng phân phối sản phẩm CNTT của FPT do anh phụ trách đã góp phần quan trọng đưa doanh thu toàn tập đoàn lên 1 tỷ USD. Mục tiêu 1 tỷ USD của FPT Software năm 2020 khác gì với 1 tỷ USD của FPT trước đây?
- Nó khác nhau về bản chất. Năm 2003, chúng tôi đặt mục tiêu 1 tỷ USD doanh thu cho toàn FPT vào 2008 và đã đạt được. Khi đó, tôi phụ trách hệ thống phân phối của FPT và mang về 700 triệu USD doanh thu cho tập đoàn, chiếm 68% doanh thu của Tập đoàn.
Tuy nhiên, trong 100 USD doanh thu thời điểm đó, thực ra chúng tôi chỉ làm ra 10%, 90% còn lại là tiền để nhập khẩu thiết bị, tức là giá trị gia tăng chúng tôi làm ra rất ít. Ngày hôm nay, khi chúng tôi đặt mục tiêu 1 tỷ USD thì trong đó, giá trị gia tăng người Việt Nam làm ra chiếm từ 84 tới 86%.
- Anh nghĩ gì khi mảng phân phối của FPT đang bị rao bán trong khi nó từng là niềm tự hào và đóng góp quan trọng vào mục tiêu 1 tỷ USD doanh thu FPT năm 2008?
- Mỗi giai đoạn khác nhau công ty có chiến lược phát triển kinh doanh khác nhau.
- Liệu mục tiêu 1 tỷ USD của FPT Software có rơi vào cảnh những giấc mơ viển vông như đạt 500 triệu USD doanh thu phần mềm năm 2005 hay FPT lọt Top Forbes 500 từng đặt ra trước đây hay không?
- Trong nội bộ chúng tôi luôn nói anh Bình (ông Trương Gia Bình – Chủ tịch HĐQT FPT) có những giấc mơ rất viển vông nhưng một ngày đẹp trời nào đó, chúng có thể trở thành hiện thực. Anh Bình mong rằng năm 2005, chúng tôi có 200 triệu USD doanh thu từ phần mềm. Chúng tôi vẫn đạt được con số này nhưng muộn hơn thế 10 năm.
Tôi xin nhắc lại rằng năm 2003, công ty FPT (khi đó chưa trở thành tập đoàn, doanh thu là 205 triệu USD) đặt mục tiêu đạt được 1 tỷ USD vào năm 2008 và thực tế chúng tôi đã làm được. Tuy nhiên, phải thừa nhận từ 2009 đến nay, tốc độ tăng trưởng của tập đoàn FPT giảm.
Tuy nhiên, FPT Software vẫn giữ được đà tăng trưởng nên tôi tin vào mục tiêu này. Chúng tôi động viên nhau nếu năm 2020 mục tiêu chưa thành hiện thực thì tới năm 2022 sẽ làm được điều đó.
- Nếu FPT Software đạt doanh thu 1 tỷ USD năm 2020 thì vị trí của công ty sẽ như thế nào trong tập đoàn FPT?
- Trong suốt 28 năm qua, ở mỗi thời điểm, một đơn vị thành viên của FPT sẽ trở thành động lực phát triển cho cả Tập đoàn. Tại thời điểm này, FPT Software đang đóng vai trò đó.
Cá nhân tôi cho rằng, thị trường quốc tế mới là đất dụng võ dành cho FPT và thỏa được chí của ban lãnh đạo tập đoàn. Tôi không phản đối quan điểm cho rằng thị trường Việt Nam cũng rất tốt nhưng trong bối cảnh hiện nay, khi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra, chúng ta phải chọn lựa là một phần của xu thế hay nằm ngoài nó.
FPT muốn là một phần của cuộc cách mạng công nghiệp số.
Vươn ra thị trường toàn cầu, chúng tôi nhận thấy Việt Nam không còn bị bỏ xa hàng thập kỷ hay hàng thế kỷ như các cuộc cách mạng công nghiệp trước đó mà chỉ chậm hơn một vài năm. Trong một vài lĩnh vực, chúng tôi không còn làm theo mà đang làm cùng với những công ty số 1 thế giới.
- Anh nghĩ gì khi người ta nói FPT Software chỉ đi gia công phần mềm cho các hãng công nghệ thế giới chứ không làm được sản phẩm đóng gói?
- Tôi thường xuyên được hỏi câu này và nó còn kèm theo một câu hỏi trước đó là phải chăng FPT Software chỉ đi làm thuê? Thực ra, chúng tôi rất tự hào là đang làm thuê cho 43 tập đoàn trong danh sách 500 tập đoàn hàng đầu thế giới.
Tôi vẫn hay nói với các bạn nhân viên FPT Software rằng, hôm nay, ở vị trí lãnh đạo, tôi chưa nghĩ chúng ta có thể làm được sản phẩm gì để cả thế giới dùng nhưng chúng ta đang làm sản phẩm cho một số hãng mà sản phẩm của họ được cả thế giới sử dụng.
Nhưng vào một ngày đẹp trời, tôi tin rằng thế hệ tiếp theo của FPT Software có thể làm được vì chúng tôi đã rất gần chỗ đó rồi.
Tôi cảm thấy bình thường khi không còn là thành viên HĐQT
- Trước đây, người đứng đầu FPT Software là dân làm phần mềm, còn anh chuyên về bán hàng. Anh gặp vấn đề gì khi chuyển đổi công việc?
- Tôi vẫn là người bán hàng, nhưng thay vì bán điện thoại di động, máy tính thì tôi rất tự hào khi được bán trí tuệ Việt dù cách nói này chưa thực sự chuẩn xác. Đúng hơn, tôi đang mang trí tuệ của những bạn trẻ Việt Nam đi khắp thế giới.
Tôi rất cảm thấy bị đụng chạm khi nghe ai đó rằng gia công phần mềm giống như gia công dệt may. Tôi sẵn sàng tranh luận về điều này. Phân công lao động quốc tế luôn luôn tồn tại. Ở mỗi thời điểm, chúng ta phải làm thật tốt và tận dụng được điều đó để phục vụ phát triển.
Chúng tôi thừa nhận mình đang đi làm thuê nhưng là làm thuê cho các công ty lớn trên toàn cầu và mang lại công ăn việc làm cho hàng nghìn người cũng như doanh thu rất tốt cho công ty. Tuy nhiên, ít ai biết chúng tôi cũng đang đầu tư khá nhiều cho nghiên cứu phát triển.
Ngoài ra, FPT Software cũng rất tự hào khi đang đi đầu, cùng với các tập đoàn hàng đầu thế giới ở một số xu hướng như IOT (Internet of Things - Vạn vật kết nối) hay Cloud Services (Dịch vụ điện toán đám mây).
- Lúc mới về FPT Software, anh nói lãnh đạo và nhân viên ở đây đều nghèo. Còn bây giờ thì sao?
- Đúng là đội ngũ anh em làm phần mềm khi đấy nghèo so với các bộ phận khác của FPT, cả lãnh đạo cũng vậy. Bây giờ, muốn biết người làm phần mềm của FPT Software có nghèo hay không thì phải hỏi các bạn ấy. Trên thực tế, những người làm phần mềm trên thế giới không bao giờ nghèo nhưng cũng ít người giàu.
Ngành phần mềm khá vất vả. Những lúc "chạy tiến độ dự án", mọi người phải làm việc rất căng từ 8 tới 12 giờ mỗi ngày và có thể phải làm thêm vào ngày nghỉ và những người làm phần mềm trên cả thế giới đều vậy.
Tuy nhiên, trong ngành phần mềm vẫn có những người rất giàu, chẳng hạn như Bill Gates. Và có lẽ do Bill Gates giàu quá nên những người làm phần mềm còn lại không giàu bằng. Nhiều lãnh đạo của công ty phần mềm hàng đầu Ấn Độ (Infosys) đều là tỷ phú.
Tuy nhiên, khi gặp Narayana Murthy – người sáng lập Infosys, tôi thấy cuộc sống của ông ấy và gia đình rất giản dị. Đây là điểm chung của những người làm phần mềm dù họ giàu hay nghèo.
- Lãnh đạo của các công ty phần mềm sống giản dị nhưng anh đâu có vậy?
- Do đặc thù nghề nghiệp thôi. Trước đây, khi còn làm công việc cũ, chúng tôi bán những mặt hàng xa xỉ như điện thoại Vertu giá từ 10.000 đến hơn 300.000 USD. Công việc đòi hỏi tôi phải ăn mặc cho phù hợp. Còn bây giờ, khi làm phần mềm, tôi lại quay trở về với ba lô, máy tính và những bộ vest của dân làm phần mềm.
- Từng là thành viên HĐQT FPT nhưng giờ anh không còn nằm trong danh sách đó nữa. Anh cảm thấy như thế nào?
- Đây là một trong những cải tiến về mặt quản trị của FPT. Trước đó, chúng tôi có 11 thành viên HĐQT nhưng giờ chỉ còn 7 nên phải cân nhắc rút một số người. Đại hội đồng cổ đông, HĐQT bao gồm cả tôi cũng nhận thấy tầm quan trọng của việc quốc tế hóa HĐQT nên một số người rút ra. Tôi cảm thấy bình thường khi không còn là thành viên HĐQT.
- Không phải là thành viên HĐQT nhưng lại có tin đồn, anh sẽ là CEO kế tiếp của FPT?
- Thì khi không có chuyện gì hay người ta có tin kiểu vậy để bàn tán. Còn nguyện vọng cá nhân của tôi là sẽ dạy ở đại học FPT sau khi làm phần mềm. Tôi muốn tham gia công tác quản lý và giảng dạy của trường. Hiện nay, tôi theo học tiến sĩ tại Nhật Bản để hoàn thiện kiến thức và đảm bảo cho công việc ở Đại học FPT sau này (nếu có).
Tuy nhiên, trong tập đoàn, chúng tôi như người lính. Ban lãnh đạo giao nhiệm vụ gì cũng phải thực hiện và hoàn thành.
Khởi nghiệp và bỏ ngang đại học: "Trừ khi bạn nghĩ mình là con của Bill Gates hay Larry Ellison"
- Trong một buổi giao lưu với sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội, anh thừa nhận mình không đủ tư cách và tài năng để khởi nghiệp. Vì sao Chủ tịch FPT Software lại nói vậy?
- Điều đó là hiển nhiên. Từ khi ra trường năm 1993, tôi chỉ làm duy nhất ở một công ty là FPT. Tôi chưa làm ở công ty nào khác và cũng không có chút kinh nghiệm gì với những lĩnh vực nằm ngoài phạm vi FPT. Nói về khởi nghiệp, tôi chẳng có chút kinh nghiệm nào.
Tôi nghĩ người có kinh nghiệm khởi nghiệp chắc là chuyên thất bại, kiểu 9 tháng đổi công ty một lần hoặc 9 tháng lại mở một công ty mới. Thông thường, người ta đã bảo rồi mà, thành công thì khó học nhưng học để tránh thất bại thì dễ hơn.
- Anh nói như vậy có làm chạnh lòng những bạn trẻ đang nung nấu quyết tâm khởi nghiệp?
- Đây là vấn đề khác. Tôi rất tự hào khi làm ở bất cứ đơn vị nào của FPT, chúng tôi luôn tạo được môi trường khởi nghiệp trong một doanh nghiệp lớn. Đây là điều cực khó bởi các doanh nghiệp lớn thường có những quy trình chặt chẽ và chi tiết.
Tuy nhiên, khởi nghiệp trong công ty lớn cũng có những lợi thế riêng. Các bạn sẽ có một đội ngũ lo tất cả những việc mà bình thường bạn phải dành nhiều công sức như thành lập công ty thế nào, quản lý tài chính, nhân sự ra sao….
Vấn đề ở đây là cần một cơ chế không tuân theo những chuẩn mực của những tập đoàn lớn nhằm giúp những bạn trẻ có cơ hội khởi nghiệp. Tuy nhiên, khi một người quyết tâm khởi nghiệp, họ phải toàn tâm toàn ý và vô cùng vất vả trong nhiều năm.
Về phía công ty, chúng tôi phải hiểu ý tưởng ấy có tương lai hay không để có thể đưa ra những cơ chế khác biệt với chuẩn mực của công ty để có thể hỗ trợ các bạn ấy.
Gần đây, có một bạn muốn làm về xe tự lái và chúng tôi đã ủng hộ. Công ty đã hỗ trợ bạn ấy tiền mua ô tô để tháo dỡ, xem từng chi tiết của chiếc xe, cơ chế hoạt động của các cảm biến và phương thức vận hành của phương tiện.
Công ty cũng hỗ trợ kinh phí mua các thiết bị khác để phục vụ quá trình nghiên cứu. FPT Software đang đi cùng xu hướng mới của thế giới giống Google, Apple hay Tesla dù còn khoảng cách về đầu tư.
- Khi giao lưu sinh viên, tại sao anh lại khuyên các bạn nên học tốt để làm người làm thuê xuất sắc mà không tư vấn khởi nghiệp hay làm những sản phẩm được cả thế giới ngưỡng mộ?
- Chuyện khởi nghiệp thì như tôi nói ở trên rồi. Còn về sản phẩm thì tôi không biết vì lý do gì các doanh nhân được mời tới nói chuyện với sinh viên thường khuyến khích các bạn trẻ làm ra những sản phẩm cả thế giới phải dùng và ngưỡng mộ.
Tôi nghĩ rằng một ngày đẹp trời nào đấy, Việt Nam sẽ có những sản phẩm như vậy. Tuy nhiên, chắc điều này không dành cho số đông.
Phần lớn các em sau khi ra trường sẽ đi làm cho các tổ chức, doanh nghiệp. Vì vậy, trước khi nghĩ tới việc làm ra các sản phẩm xuất sắc mà cả thế giới ngưỡng mộ, tin dùng, tôi khuyên điều nhỏ hơn là các em nên thật chăm chỉ, học giỏi trong trường và học tiếng Anh cho tốt.
Nếu không học tiếng Anh tốt thì học một thứ tiếng như Nhật, Đức, Trung Quốc… cho thật giỏi và hãy trở thành nhân viên xuất sắc rồi hãy mơ là một người chủ xuất sắc.
- Anh có lời khuyên gì tới những bạn sinh viên muốn làm ngành phần mềm?
- Bây giờ là thời buổi Internet, các em hay đọc về bài học của những người quá thành công như kiểu Mark Zuckerberg nên cũng hơi... Tôi nghĩ có giấc mơ đẹp là tốt nhưng mơ xong rồi cũng phải tỉnh và vẫn phải đi làm. Vậy các em nên học tốt 2 ngôn ngữ, một là lập trình và hai là một ngoại ngữ nào đó nhưng đều phải thật tốt.
- Nhiều tỷ phú trong ngành CNTT thì không thích các môn học ở trường, bỏ ngang đại học. Anh cũng rất lười, không thích các môn học ở trường khi ngồi trên giảng đường nhưng lại khuyên các bạn sinh viên phải chăm chỉ. Sao anh lại khuyên ngược với trải nghiệm của mình như vậy?
- Tôi công nhận những năm đầu tiên của đại học tôi hay bỏ học, gần như không đến trường, và bị ác cảm; nhưng cũng cần nói thêm là năm thứ 5, tôi được học bổng đặc biệt của trường do năm thứ 4 tôi học rất tử tế.
Thực ra, học công nghệ thông tin thì rất cần toán nhưng trường dạy với giáo trình cũ không theo kịp với xu hướng của thế giới. Phần lớn là phải học tích phân, vi phân… nên tôi thấy khá phí thời gian.
Năm cuối, tôi hào hứng đi học vì ý thức rõ mình cần học những gì nên rất chăm chỉ. Còn với các bạn sinh viên, trừ khi các bạn nghĩ rằng mình là con của Bill Gates hoặc Larry Ellison thì nên bỏ học, còn lại cố mà chăm chỉ.
By: Linh Anh-Hoàng Ly; Photographs by: Kiên Trần; Designed by: 7pm; Deverloped by: Hà Trần