Chủ tịch Đà Nẵng bị dọa giết: Đề nghị làm rõ "có ai xúi giục, đứng sau không?"

Hoàng Đan |

Các luật sư cho rằng, cơ quan công an cần làm rõ nội dung tin nhắn đe dọa và mục đích việc đe dọa của ông Đào Tấn Cường đối với Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng để xử lý đúng tội danh.

Có thể chịu án cao nhất 7 năm tù

Sáng 20/8, Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an) đã di lý ông Đào Tấn Cường, Phó Giám đốc Cty CP nhiên liệu bay Petrolimex, chi nhánh Đà Nẵng (anh trai CVP Thành ủy Đà Nẵng) ra Hà Nội để phục vụ công tác điều tra về hành vi đe dọa giết người khi nhắn tin đe dọa Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ.

Trao đổi với PV, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Hà Nội) cho rằng, trong vụ việc ông Cường đang bị cơ quan công an điều tra về tội Đe dọa giết người được quy định tại Điều 103 BLHS 1999.

Theo đó, tội này được quy định với hình phạt cao nhất đến 7 năm tù khi thuộc một trong các trường hợp, đối với nhiều người, với người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân…

Theo luật sư Thơm, hành vi đe dọa giết người thể hiện bằng lời nói, hành động như tuyên bố bằng lời, viết thư, gửi tin nhắn qua điện thoại, thư điện tử...

Hành vi đe dọa giết người có thể trực tiếp hoặc gián tiếp đối với người bị đe dọa. Hành vi dù là trực tiếp hay gián tiếp đe dọa nhưng phải làm cho người bị đe dọa tin rằng người phạm tội sẽ thực hiện hành vi giết người.

Căn cứ để xác định mức độ đe dọa nguy hiểm đến tính mạng với nạn nhân phụ thuộc vào sự đánh giá qua các tiêu chí, nhân thân của người đe dọa và người bị đe dọa; nguyên nhân xảy ra mâu thuẫn khi có hành vi đe dọa giết người…

Với việc đe dọa giết người thi hành công vụ hoặc lý do công vụ của nạn nhân được thể hiện việc thi hành công vụ hay lý do công vụ đó có ảnh hưởng trực tiếp đến người phạm tội nên đối tượng đã chủ động đe dọa giết nạn nhân. Mục đích nhằm ngăn cản nạn nhân thi hành công vụ được giao.

Trong trường hợp người thực hiện hành vi xâm phạm tính mạng, đe dọa xâm phạm tính mạng, uy hiếp tinh thần, xâm phạm tự do thân thể của người khác, nhưng không nhằm gây sự hoảng sợ trong công chúng, không nhằm chống chính quyền nhân dân thì tùy từng trường hợp cụ thể, người phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng như tội Đe dọa giết người theo Điều 103 BLHS.

Về mặt khách quan đều có hành vi giống nhau nhắn tin đe dọa xâm phạm tính mạng đến người có chức vụ quyền hạn đang thực thi công vụ. Nhưng động cơ mục đích phạm tội là khác nhau.

"Các vấn đề liên quan đối với việc xảy ra ở Đà Nẵng sẽ được các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.

Tuy nhiên, nếu kết quả điều tra xác định do mâu thuẫn trong việc điều hành quản lý hành chính của lãnh đạo UBND TP. Đà Nẵng đã có liên quan trực tiếp hay gián tiếp đến đối tượng phạm tội nên đã thù tức đe dọa giết người, thì hành vi thuộc phạm vi điều chỉnh của tội Đe dọa giết người.

Hành vi phạm tội được xác định do mâu thuẫn cá nhân, không nhằm mục đích chống chính quyền nhân dân", Luật sư Thơm nêu quan điểm.

Nếu có chủ mưu, đồng lõa xử lý như thế nào?

Luật sư Ngô Hương Giang (Hà Nội) cũng nhấn mạnh, cơ quan điều tra cần làm rõ nội dung tin nhắn đe dọa và mục đích của việc đe dọa của ông Đào Tấn Cường.

Nếu đe dọa tước đoạt tính mạng đích danh người đó dẫn đến người bị đe dọa tin rằng việc đe dọa đó sẽ diễn ra thì cấu thành tội Đe dọa giết người theo Điều 103 BLHS.

"Nếu nội dung tin nhắn không phải để tước đoạt tính mạng người đó mà mục đích như xâm phạm quyền sở hữu tài sản thì có thể cấu thành tội Cưỡng đoạt tài sản. Nếu mục đích chống chính quyền thì thành tội Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân", luật sư Giang nêu rõ.

Luật sư Giang cũng nhấn mạnh, trong vụ việc này, cơ quan công an cũng sẽ phải làm rõ xem có ai là người đứng sau xúi giục, đồng lõa hay không.

"Nếu có người đứng sau và người đó có hành vi xúi giục, chủ mưu thì sẽ bị xử lý theo Điều 103 Bộ Luật Hình sự năm 1999 còn nếu giúp sức, đồng lõa, bao che thì cũng sẽ bị xử lý theo quy định tại các điều 20, 21 và 22 cả của Bộ Luật Hình sự năm 1999", luật sư Giang nêu thêm.

Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng đề nghị cần làm rõ xem có ai xúi giục, đứng sau ông Đào Tấn Cường không?

Đồng thời, ông Thuận cũng cho rằng, việc cơ quan công an di lý nghi can này ra Hà Nội để điều tra sẽ giúp làm rõ các vấn đề liên quan.

"Việc di lý nghi can ra Hà Nội sẽ giúp làm rõ ra các vấn đề có liên quan một cách khách quan, không chịu áp lực, điều này về nghiệp vụ chuyên môn là cần thiết.

Còn việc quan trọng bây giờ cần làm rõ, động cơ của ông Cường vì sao dọa giết ông Thơ, nếu chỉ vì bức xúc thì chỉ cần làm đơn tố cáo chứ hành vi như vậy là sai, vi phạm pháp luật.

Đồng thời, trong sự việc này cũng cần làm rõ, đằng sau ông Cường có cá nhân nào xúi giục, chủ mưu, giúp sức hay không", ông Thuận nêu rõ.

Điều 103 luật hình sự năm 1999 quy định về tội đe dọa giết người:

1. Người nào đe doạ giết người, nếu có căn cứ làm cho người bị đe doạ lo sợ rằng việc đe doạ này sẽ được thực hiện, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Đối với nhiều người;

b) Đối với người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;

c) Đối với trẻ em;

d) Để che giấu hoặc trốn tránh việc bị xử lý về một tội phạm khác.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại