Để bán hàng trong thời điểm có dịch COVI-19, anh Nguyễn Văn Tình, bán bún chả đường Hoàng Công Chất cho biết: "Ngay sau khi có thông báo của thành phố Hà Nội về việc các cửa hàng ăn mở cửa phải tuân thủ các quy định phòng chống dịch COVID-19 tôi đã thực hiện triệt để: Đeo khẩu trang, luôn có sẵn cồn sát trùng, tuân thủ khoảng cách, làm vách ngăn… nhưng vẫn rất vắng khách. Đêm đi ngủ mà cứ nghĩ đến là trắng đêm mất ngủ".
"Tôi đã trả tiền thuê cửa hàng nửa năm rồi, bây giờ không bán thì làm sao hồi được vốn thuê nhà. Dù mở cửa từ sáng đến đêm chỉ có mấy người khách nhưng có còn hơn không. Đóng cửa nghỉ cũng chẳng biết làm gì", anh Tình ngao ngán.
Anh Tình cho biết cả buổi sáng cửa hàng anh có 3 người phục vụ cho 3 vị khách quý. Ảnh Hà An
Chị Anh, chủ một nhà hàng trên đường Tô Hiệu (Cầu Giấy, Hà Nội) buồn bã: "Không có khách nhưng giá thuê mặt bằng đắt đỏ, tiền thuê nhân viên... vẫn phải lo, khách lại không có. Không biết trụ được bao lâu nữa, dịch bệnh COVID-19 kéo dài liên tục thế này người kinh doanh sao cầm cự nổi".
Chủ cửa hàng cho biết, nhà hàng khách đẹp cả buổi sáng bán được 2 suất bún chả. Ảnh: Hà An
Những con phố tập trung nhiều nhà hàng, quán nhậu như: phố Kim Liên, Tô Hiến Thành, Lê Đức Thọ, Vũ Phạm Hàm, Trần Thái Tông... ngay cả lúc cao điểm cũng không còn cảnh ăn uống đông đúc như trước đây. Các hàng quán đều trong cảnh vắng khách, thậm chí nhiều cửa hàng còn trong cảnh đóng cửa then cài.
Chị Dương Minh cho biết hôm nay chị mới mở cửa hàng dọn dẹp để thứ 2 tuần mới mở cửa bán hàng trở lại. Ảnh: Hà An
Chị Dương Thị Minh, chủ cửa hàng Phở Bò Nam Định, phố Kim Liên cho biết: "Tôi đóng cửa hàng từ trước Tết vì kinh nghiệm 2 lần dịch trước cũng đều không có khách. Nhiều đêm mất ngủ nghĩ đến cửa hàng mà bật khóc rưng rức.
Bất lực, khó chịu vì không làm gì được. Đóng hẳn cửa hàng còn thương lượng được tiền thuê nhà, mở cửa hàng thì tiền nhà cứ thế đóng. Điều quan trọng nhất là mở cửa hàng thì rất vằng khách trong khi tiền điện, tiền nước, tiền nhân công vẫn phải trả, sốt ruột lắm".
Nhiều cửa hàng chuyển sang hình thức kinh doanh online nhưng đơn đi giao cũng không nhiều, ít hẳn so với 2 lần trước.
Nhiều nhân viên văn phòng được hỏi cũng cho biết, họ chủ trương mang cơm nhà đi làm vì đặt hàng cũng tốn kém lại băn khoăn thêm khoản an toàn. Xử trí tốt nhất thời buổi khó khăn, có dịch COVID-19 là mang đồ ăn ở nhà đi, vừa tiết kiệm lại vệ sinh, đảm bảo an toàn.