Chủ quán bún riêu bị nhầm là gái ế không chồng, 36 năm thầm lặng vun đắp hôn nhân

Thủy Tiên |

Chồng đi làm từ sáng đến khuya, một mình bà Mai - chủ quán bún riêu ở quận 11 mưu sinh vất vả, gánh vác gia đình. Đến nỗi bạn hàng bỏ mối mấy năm cứ tưởng bà là gái ế không chồng.

Quán bún riêu ốc có tuổi đời hơn 30 năm ở Quận 11, TP.HCM của bà Trần Thị Mai (SN 1962) là địa chỉ yêu thích của những người sành ăn ở Sài thành. Câu chuyện hôn nhân của bà Mai và ông Bùi Minh Thông (SN 1964) cũng khiến không ít người cảm phục. Từ tay trắng, hai ông bà đã gây dựng nên sự nghiệp vững chắc, nuôi 2 con trai khôn lớn.

Tiếng sét tình yêu đêm Noel

Ông Thông và bà Mai quen nhau qua sự mai mối của những người bạn. Nhà bà ở bên quận Tân Bình, còn nhà ông ở quận 11. Trong một lần đi chơi Noel, ông và bà được ghép cặp chung xe đạp, chở nhau ra nhà thờ Đức Bà chơi. Ông Thông hồi hộp, lo lắng khi lần đầu chở cô thiếu nữ xinh đẹp phía sau. Nhưng cuộc vui vừa bắt đầu chưa được bao lâu, nhớ lời dặn của cha không được về trễ, ông đã bỏ bà ở lại.

"Ông bỏ tôi lại nhà thờ Đức Bà. Mà ngồi xe khung ngang, tôi tê chân, đến nơi mới biết mất cả chiếc dép", bà Mai bật cười khi nhớ lại kỷ niệm.

Chủ quán bún riêu bị nhầm là gái ế không chồng, 36 năm thầm lặng vun đắp hôn nhân - Ảnh 1.

Bà Mai và ông Thông thời còn trẻ

Kể từ đêm Noel, ông Thông biết đã dành cho bà tình cảm đặc biệt. Khoảng 7, 8 tháng sau, ông đi bộ đội, trong nhóm bạn 10 người, chỉ có mình bà Mai ra tiễn. Có nhiều mối tán tỉnh, xin làm quen nhưng bà Mai không có cảm tình gì, chỉ ấn tượng với sự hiền lành, cần cù chịu khó của ông Thông.

Trong thời gian đi bộ đội, ông Thông liên tục gửi thư về nhưng không nhận được hồi âm. Cha bà Mai rất khó tính, những bức thư của ông năm ấy, bà đều giấu nhẹm lên trần nhà. Đến năm 1985, tức sau 3 năm, ông Thông mới về và chính thức thưa chuyện tìm hiểu bà. Ông rất lo lắng, sợ sự nghiêm khắc của cha bà Mai.

"Tôi vẫn nhớ hôm tới chơi, gặp ba, ba hỏi: Anh tìm ai vậy? Tôi bảo cháu đi tìm em Mai, ba mới nói tiếp: Sao đàn ông đi tìm đàn bà chi vậy? Tôi ngớ người, không biết trả lời sao luôn", ông Thông kể.

Chủ quán bún riêu bị nhầm là gái ế không chồng, 36 năm thầm lặng vun đắp hôn nhân - Ảnh 2.

Bà Mai lưu giữ khoảnh khắc hạnh phúc của gia đình trong cuốn album

Nhờ tình cảm chân thành, kiên trì, về sau ông dần thuyết phục được ba vợ. Nhưng ngặt nỗi, đến lượt gia đình ông Thông cũng phản đối vì không cho lấy vợ hơn tuổi. Ông Thông nói với cha mẹ: "Con chỉ muốn lấy Mai thôi". Thấy sự cương quyết của con trai, cha mẹ ông đành gật đầu.

Nối nghiệp mẹ chồng, quán đắt khách không kịp bán

Năm 1986, đám cưới ấm cúng của hai ông bà diễn ra. Hai bên nội ngoại đều nghèo, của hồi môn của bà Mai chỉ có 1 cặp nhẫn cưới. Bà Mai khởi nghiệp, mua máy thêu, nhận dạy học trò được khoảng 4 năm thì gặp khó khăn. Bà bàn kế sinh nhai, xin má chồng cho theo nghiệp bán cháo giò heo.

"Má can tôi: "Con ơi đừng theo, cực lắm". Nhưng tôi bảo con theo được. Thế là hai mẹ con bán ngay trước cửa nhà, nào canh bún, ốc, trứng vịt lộn, sò, ngêu... Khách càng ngày càng đông, cứ người này người kia mách tới ăn", bà Mai nói.

Chủ quán bún riêu bị nhầm là gái ế không chồng, 36 năm thầm lặng vun đắp hôn nhân - Ảnh 3.

Tiệm bún riêu của bà Mai đắt khách

Tiệm đắt khách, bà Mai xin thuê thêm mặt bằng ở con hẻm gần đó để mở rộng kinh doanh. Được 6, 7 năm, chủ cho thuê thấy quán bún ăn nên làm ra nên đòi lại nhà. Bà Mai buồn rầu, lo lắng sợ không có tiền nuôi con. Trong lúc tủi cực nhất, một người hàng xóm thấy thương, cho bà ngồi ké ở vỉa hè lề đường. Bà Mai xúc động, yên tâm buôn bán tiếp.

“Bà ấy cho tôi ngồi những mấy năm. Hàng ngày tôi dọn ra bán từ 12h, tới 3h tôi bán được 60kg bún, 8 người phải phụ. Có nhiều nghệ sĩ cũng đến quán tôi ăn lắm, Phi Nhung, Lam Trường…”, chủ quán bún kể.

Sau kết hôn, bà Mai sinh 2 người con trai. Ông Thông làm ở Đầm Sen, đi từ sáng sớm tới 12h khuya. Cuộc sống mưu sinh vất vả, một mình bà gánh vác từ chuyện buôn bán, gia đình đến con cái, một ngày chỉ được ngủ vài tiếng. Đến nỗi bạn hàng bỏ mối mấy năm cứ tưởng bà là gái ế không chồng.

“Trời thương, con tôi nuôi dễ, cứ vất lên võng là con ngủ, hoặc cứ vứt đồ đấy là tự chơi. Bà nội khi nào không bận sẽ trông giúp. Nhưng tôi không tủi thân vì nhìn thấy đồng tiền bàn tay mình tự tay làm ra, cảm giác vui sướng lắm”, bà Mai tâm sự.

Đến chính bản thân ông Thông cũng thừa nhận không có thời gian đỡ đần vợ con. Có lần ông mải đi làm, bỏ quên con ở trường, may có bảo vệ trông giúp. Đến tối sực nhớ ra con, ông mới tới đón.

Cuộc sống hôn nhân những năm tháng khó khăn cũng vì thế vô tình tạo khoảng cách giữa hai vợ chồng. “Cả hai ít tâm sự, ông đi làm về rồi cũng lăn ra ngủ. Tôi bảo, ông nghỉ đại ở Đầm Sen đi, chứ ông cứ đi như vậy nuôi con sao đủ. Nhưng không, năm có 15 ngày phép ông không nghỉ ngày nào”, bà Mai nói.

Chủ quán bún riêu bị nhầm là gái ế không chồng, 36 năm thầm lặng vun đắp hôn nhân - Ảnh 4.
Chủ quán bún riêu bị nhầm là gái ế không chồng, 36 năm thầm lặng vun đắp hôn nhân - Ảnh 5.

Dẫu vất vả nhưng chủ tiệm bún riêu luôn lạc quan

3 năm trước, ông Thông mới chính thức nghỉ hưu, phụ vợ bán bún riêu. Mọi sự vất vả, khổ cực trước kia, ông cố gắng bù đắp thay cho bà. Hôn nhân 36 năm của hai vợ chồng bà Mai giờ đây kết trái ngọt viên mãn khi hai con trai khôn lớn, trưởng thành, yên bề gia thất.

Ông Thông gửi lời nhắn nhủ tới vợ: “Chúng ta đã có quá trình đồng hành, cùng nhau vượt qua những khoảnh khắc mất mát, tưởng chừng nhấn chìm cả hai ta. Em đã không bỏ cuộc, luôn tin tưởng anh, vượt mọi thử thách, sóng gió để gia đình mình có ngày hôm nay. Anh trân trọng em và chỉ biết nói lời chân thành, không lời nào diễn tả. Chỉ biết xin thiên chúa bảo vệ tình yêu này, và cho chúng ta cùng gia đình mình mãi bền vững”.

Nguồn: Tình trăm năm

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại