Chủ hãng xà bông tán gia bại sản
Trong căn nhà cũ kỹ, ẩm thấp ở Phường 12, Quận 8 (TP.HCM), ông Trương Lâm (64 tuổi) vẫn ngày ngày cặm cụi tô vẽ, trang trí tấm giấy gói cho bịch đậu phộng rang. Từng là chủ hãng xà bông ở vùng Chợ Lớn - Sài Gòn với khối tài sản kếch xù cùng vợ đẹp và 2 đứa con ngoan, thế nhưng biến cố ập đến, người đàn ông gốc Hoa phút chốc mất tất cả...
Ông Trương Lâm từng là chủ một hãng xà bông.
Kể về cuộc đời mình, ông Lâm trầm ngâm cho biết, ông là người con thứ 5 trong một gia đình có cha mẹ là người gốc Hoa. Trước năm 1975, ông Lâm đi làm mướn. Sau giải phóng, ông nhận bỏ mối xà bông cây của hãng xà bông Huê Vân khắp các chợ, hợp tác xã ở Sài Gòn, đồng thời tự mày mò kỹ thuật nấu xà bông. Bản tính chịu khó giúp ông học nghề rất nhanh.
Sau khi cưới vợ, có 2 con, ông Lâm vay mượn thêm anh em để mở xưởng nấu xà bông, xây dựng hãng xà bông cây Thuận Phát.
"Tôi lấy xà bông đi bỏ mối ở các chợ, quận... thành ra mới tích được ít vốn. Tôi mua máy dập điện, máy ép tay, máy tấu ký... Từ từ làm nên sự nghiệp. Xà bông cây không giúp gia đình tôi sống dư dả, chỉ đủ ăn qua ngày, lấy sức lao động thôi. 50 chục ký xà bông cây chỉ lời 15 ngàn đồng mà tôi còn phải nuôi vợ nuôi con, trả tiền điện nước...", ông Lâm nói.
Ông Lâm sống cô độc trong căn nhà ở Quận 8, TP.HCM
Đi lên từ khó khăn, ông Lâm tự dằn lòng không dám sa đà vào cám dỗ. Ấy vậy mà một ngày nọ, trong một lần đi giao hàng qua trường đua ngựa, ông Lâm bị cuốn vào bởi tiếng hò hét huyên náo phía bên trong. Tò mò, ông mua vé vào xem thử. Khi nghe giới thiệu về giải thưởng, cách đặt cược, ông Lâm hứng thú, lập tức rút tiền ra liều chơi thử. Ngay hôm đầu tiên, con ngựa mà đại gia xà bông đặt cược thua cuộc, về cuối chặng.
Thú vui đỏ đen trong người dâng cao, sau hôm ấy, ngày nào ông Lâm cũng đến xem đua ngựa, mong gỡ gạc lại. Vợ ông Lâm từ trách móc chuyển sang khuyên nhủ chồng nên tỉnh ngộ, để vốn lại còn mua nguyên liệu nấu xà bông. Nhưng đam mê ngấm vào máu, ông không thể dứt ra cho đến ngày những đồng tiền cuối cùng dần tiêu tán.
Xưởng hãng xà bông cây Thuận Phát cũng phá sản. Ông Lâm trở thành kẻ trắng tay, vợ giận nên cũng ôm 2 con về nhà ngoại sinh sống.
Đam mê trò cá cược đua ngựa, ông Lâm đã mất tất cả
20 năm cô độc, đợi vợ con quay về
Đã hơn chục năm qua, ông Lâm sống một mình trong căn nhà ẩm thấp, không có điện, không có một tài sản nào đáng giá. Ông chắt chiu nước mưa vào những bao tải lớn, dùng làm nước ăn uống, sinh hoạt.
Ngoài những vật dụng gắn với kỷ niệm của vợ con, mọi vật dụng khác trong nhà, ông Lâm đều di dời để lấy không gian trữ nước. Ông chất đầy nước trong nhà để mùa khô còn có nước dùng. Giữa phố thị sầm uất, người đàn ông gốc Hoa có một thế giới của riêng mình.
Chiếc đèn pin là vật dụng thắp sáng cho cả ngôi nhà
Cách đây ít lâu, ông Lâm nảy ra ý tưởng đi bán đậu phộng rang. Những gói đậu phộng nhỏ, được trang trí tỉ mẩn bằng tờ giấy bọc bên ngoài. Ông Lâm bảo do không có tiền đi in nên đành tự viết tay, bỏ vào bên trong mỗi gói thông tin về thành phần, địa chỉ "xưởng sản xuất".
Mỗi gói đậu phộng như thế, ông bán với giá từ 2000 - 3000 đồng. Ai đến thăm nhà, ông đều hào hứng giới thiệu, khoe rằng hãng đậu phộng của ông sẽ phát triển khắp các tỉnh thành. Ông dự định, đó là kế hoạch "tái khởi nghiệp" sau cú sốc trắng tay cách đây 40 năm, gây dựng lại thương hiệu Thuật Phát.
Nhiều người hỏi mua hoặc thuê lại căn nhà nhưng ông Lâm nhất quyết không bán. Ông nói đây là căn nhà kỷ niệm của vợ chồng và các con, là nơi ông sẽ đợi các con trở về. Nhưng đã 20 năm trôi qua, những người thân yêu nhất cuộc đời ông đã một đi không trở lại, chỉ còn ông Lâm gặm nhấm nỗi cô đơn tuổi già qua ngày. Ông vẫn hy vọng, một ngày ông gây dựng lại được sự nghiệp, vợ con ông sẽ nhớ đến người chồng, người cha từng lầm lỡ.
"Tôi muốn làm lại từ đầu bằng những bịch đậu phộng 2.000 đồng này. Phải thành công thì vợ con mới quay về bên mình được”, ông chủ hãng xà bông trầm ngâm.
Tham khảo: Kênh Youtube Lê Thân Thiện, Tổng hợp