Thời gian gần đây, thanh khoản trên thị trường bất động sản ghi nhận sự sụt giảm do các chính sách tiền tệ như tín dụng ngân hàng, trái phiếu bị kiểm soát chặt chẽ. Theo đó, thị trường bất động sản thời gian gần đây ngập tràn các thông tin rao bán cắt lỗ, thanh lý,... Một số nhà đầu tư có tiền mặt, giai đoạn này vẫn sẵn sàng xuống tiền để săn hàng “ngộp”. Tuy nhiên, mức giá người mua đưa ra cũng khiến người bán “lắc đầu” ngao ngán.
Đang rao bán cắt lỗ 3 lô đất tại Hưng Yên, anh Nguyễn Tài (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, dù qua gần 3 tháng nhưng vẫn chưa tìm được chủ mới. Những người tới xem đất, hầu hết chỉ đi xem cho vui và không có ý định mua.
Theo anh Tài, 3 lô đất có tổng diện tích 300m2 được mua vào cuối năm 2021 với mức giá 8 tỷ đồng, tương đương hơn 26 triệu đồng/m2. Trong đó, có 4 tỷ đồng là anh đi vay. Tuy nhiên, thị trường đột ngột rơi vào trầm lắng, lãi suất lên cao, đồng thời dòng tiền của anh Tài bị ảnh hưởng nên đành rao bán cắt lỗ 30%, tương đương giá bán là 5,5 tỷ đồng, từ đầu tháng 3 tới nay.
“Cũng có nhiều người tới xem mảnh đất này, hầu hết đều không liên hệ lại, chỉ duy nhất một người ngỏ ý thương lượng thêm về giá sẽ mua ngay. Nghĩ sớm bán được đất nên tôi đồng ý sẽ bớt thêm 200 triệu đồng”, anh Tài nói.
Tuy nhiên, người mua không đồng ý với mức giá 5,3 tỷ đồng và đưa ra mức giá sốc khiến anh Tài cũng cảm thấy ngao ngán, từ chối bán. “Tôi sẽ mua cả 3 mảnh với mức giá 4 tỷ đồng. Không bán tôi sẽ chốt mua ngay mảnh đất khác đã thương lượng xong giá cả”, anh Tài thuật lại lời của người mua.
Đồng cảnh ngộ, anh Đỗ Văn Khang (Hà Nội) cũng đang bán cắt lỗ 25% mảnh đất có diện tích 120m2 tại Hải Dương với giá 2 tỷ đồng. Tuy nhiên, người mua đều liên tục ép giá xuống mức thấp nhất là 1,4 tỷ đồng.
“Cũng có nhiều người tới xem, một số thì không thấy quay lại, còn lại đều muốn giảm giá thêm 20 - 30% so với giá bán tôi đưa ra. Vì đang cần tiền xử lý công việc gấp nên tôi cũng gật đầu đồng ý bán”, anh Khang kể.
Thực tế, trong bối cảnh thị trường trầm lắng, việc chủ đất bị ép giá diễn ra không ít. Tuy nhiên, việc chốt bán mức giá nào sẽ còn phụ thuộc vào đánh giá, nhu cầu, khả năng tài chính,... của người mua. Với diễn biến thị trường bất động sản như hiện nay được đánh giá là thời của người mua. Song trước khi xuống tiền, người mua vẫn cần cân nhắc tới nhiều yếu tố khác ngoài mức giá.
Ông Trần Khánh Quang, Tổng Giám đốc công ty đầu tư bất động sản Việt An Hòa, cơ hội mua được hàng giá tốt sẽ nhiều hơn trong năm 2023 khi áp lực gia tăng, cuộc đua xả hàng mạnh dần, mức giảm có thể đạt đến 50% đối với những chủ tài sản tháo hàng do khó khăn tài chính.
"Trong thời điểm hiện tại, nếu xuống tiền, nhà đầu tư cần cân nhắc 3 yếu tố. Thứ nhất là đầu tư các loại bất động sản có pháp lý hoàn chỉnh, tính thanh khoản cao, vị trí gần trung tâm, hoặc kết nối thông thoáng về khu trung tâm. Thứ hai, chọn sản phẩm mà mình có kinh nghiệm đầu tư để dễ dàng mặc cả, mua vào giá tốt. Thứ ba, phải "săn" các sản phẩm của dự án có chính sách giảm giá nhiều bằng chiết khấu", ông Quang nhận định.
Mặc dù thời điểm này được đánh giá là cơ hội 10 năm có 1 lần, song với những nhà đầu tư chưa có tiềm lực tài chính vững vàng, phải sử dụng vốn vay cần cân nhắc tới khả năng chi trả. Bởi, việc lướt sóng trong bối cảnh hiện nay gần như không thể, do vậy người mua cần đặt rõ mục tiêu đầu tư trung hoặc dài hạn.