Trào lưu "sớm nở tối tàn"
Trào lưu "bỏ phố về quê" nở rộ trong thời gian qua đã khiến loại hình đất vườn, biệt thự nhà vườn ven đô nổi sóng, giới đầu tư liên tục đổ bộ về vùng ven "săn" tìm. Tuy nhiên, khảo sát trên thị trường cho thấy, nhiều nhà đầu tư lại đang tích cực rao bán, thậm chí bán cắt lỗ nhà vườn.
"Cần bán nhanh", "bán gấp", "bán cắt lỗ càng nhanh càng tốt" đất nhà vườn, biệt thự nghỉ dưỡng ven đô… là những cụm từ đang xuất hiện nhan nhản ở các trang mạng rao bán nhà đất trong thời gian gần đây.
Một biệt thự nhà vườn nghỉ dưỡng ở huyện Quốc Oai đang được rao bán trên các kênh điện tử.
Theo các môi giới, nhiều nhà đầu tư mua biệt thự, nhà vườn tại khu vực vùng ven như Quốc Oai, Ba Vì, Sơn Tây, Sóc Sơn (Hà Nội), Lương Sơn (Hòa Bình), Vĩnh Phúc… đang cần bán cắt lỗ nhà vườn sau 1-2 năm đầu tư (có người chỉ sau vài tháng đầu tư) do không còn hứng thú với loại hình này.
"Xu hướng tìm đất xây nhà vườn nghỉ dưỡng tại Hòa Bình và một số khu vực ven đô khác vẫn đang diễn ra, tuy có phần chững lại so với vài tháng trước. Nhiều chủ nhà đã tậu vườn, xây nhà ở vị trí đẹp, nội thất trang bị đầy đủ nhưng không ở nhiều, cho thuê cũng không hiệu quả nên bán.
Nhiều người bán do muốn chuyển sang hình thức đầu tư khác hiệu quả hơn. Cũng có người mới mua tháng trước, tháng sau đã gửi bán", anh Trần Tuấn, một môi giới bất động sản tại Hòa Bình cho hay.
Theo ghi nhận của PV Dân Việt, vài năm trở lại đây, phân khúc đất nhà vườn, second-home, trang trại nghỉ dưỡng ven đô nổi sóng do xu hướng bỏ phố về quê. Những mảnh đất hàng nghìn m2 ở vùng ngoại ô ven Hà Nội có cảnh quan thiên nhiên đẹp, thoáng mát, có lợi thế về du lịch sinh thái, trải nghiệm nông nghiệp rất được các nhà đầu tư ưa chuộng. Nhiều người có tiền nhàn rỗi săn tìm làm nhà vườn sinh thái nghỉ ngơi cuối tuần cho gia đình.
Xu hướng này càng được quan tâm khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát. Nhiều hộ gia đình có điều kiện từ Hà Nội xuống các khu vực vùng ven này "tậu" đất xây "căn nhà thứ hai" để nghỉ dưỡng cuối tuần, hoặc "cách ly an toàn" trong thời kỳ dịch bệnh.
Nắm bắt tâm lý này, cũng có không ít nhà đầu tư đổ bộ về vùng ven "săn" đất để bán lại kiếm lời khiến giá đất tăng trung bình 3-5%/tháng.
Tuy nhiên, động thái bán tháo của nhiều chủ nhà vườn trong thời gian gần đây đã cho thấy một thực tế nhiều người "bỏ phố về quê" chỉ vì vui thích nhất thời. Và thực tế, xu hướng đầu tư bất động sản ven đô trong hơn chục năm trở lại đây cũng đã không ít lần chứng kiến cảnh "sớm nở tối tàn".
Bán "cắt lỗ" biệt thự nhà vườn…
Cuối năm 2019, gia đình chị Cẩm Vân (37 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội) quyết định tìm mua một căn nhà vườn tại Sơn Tây để làm nơi nghỉ dưỡng cuối tuần cho cả gia đình gồm ông bà nội, vợ chồng chị và 2 con.
Chị Vân chia sẻ, ban đầu, hai vợ chồng rất thích thú khi có được căn nhà bao quanh là cây cối, vườn tược. Cuối tuần về trồng cây, trồng hoa, ăn gà đồi… Tuy nhiên, mới đây, chị vợ chồng chị đã phải ngậm ngùi bán rẻ đi, chấp nhận lỗ vài trăm triệu đồng do chi phí duy trì tốn kém hơn cả chi phí đi nghỉ dưỡng ở xa.
"Thời gian đầu, gia đình còn về nghỉ thường xuyên nhưng sau đó thì thưa thớt dần do đường đi hơi xa. Cuối tuần nhiều khi lại thích lên phố hơn nên có tháng không ghé lần nào. Do không ở thường xuyên nên chúng tôi phải thuê người trông coi, dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc vườn tược, khá tốn kém.
Để tránh lãng phí, tôi có cho thuê theo dạng homestay nghỉ dưỡng nhưng khách cũng thưa. Năm nay dịch bệnh hầu như không có khách nào", chị Vân chia sẻ.
Thông tin rao bán "cắt lỗ" biệt thự nhà vườn ven đô tràn ngập trên các trang môi giới, nhóm mạng xã hội.
Không chỉ chị Vân mà nhiều nhà đầu tư khác, xây nhà vườn với mục đích nghỉ dưỡng kết hợp cho thuê hoặc đơn thuần cho thuê cũng đành phải bán đi vì chi phí tốn kém, đầu tư không hiệu quả. Đặc biệt là khi dịch Covid-19 xảy ra, tình hình kinh doanh cho thuê càng tệ đi, buộc phải bán tháo, tìm kênh đầu tư khác.
"Mỗi tháng chi phí vận hành hết khoảng 15 triệu nhưng khách thuê đợt này chưa tới 10 lượt/tháng. Bản thân gia đình cũng không thường về nghỉ tại vì lũ trẻ thích đi chỗ mới mẻ hơn. Càng để càng thấy lãng phí nên tôi đành bán rẻ đi", anh Minh (39 tuổi, Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho hay.
Theo nhận định của các chuyên gia bất động sản, nguyên nhân dẫn đến tình trạng "sớm nở tối tàn" của bất động sản nghỉ dưỡng ngoại ô là do tình trạng đầu tư nhỏ lẻ, tự phát của các nhà đầu tư dẫn đến khó khăn trong bài toán vận hành cho thuê, kết hợp nghỉ dưỡng.
Mặt khác, có nhiều nhà đầu tư chỉ làm theo phong trào, hướng tới việc mua đi bán lại, tầm nhìn ngắn, không suy tính kỹ bài toán về vốn nên khi thị trường chững lại thì buộc phải thoát hàng nhanh nếu không muốn "thấm đòn".
"Tư duy phát triển của nhiều người Việt là tư duy đám đông, thấy thị trường bùng lên thì cũng nhảy vào cho nó bùng tiếp. Nhưng sau đó, khi thị trường bùng quá sức thì buộc phải giảm. Và khi thị trường suy giảm, mọi người lại thi nhau nhảy ra hết", GS.TSKH. Đặng Hùng Võ cho hay.
Để khắc phục điểm yếu của mô hình bất động sản nhà vườn, nhiều chủ đầu tư đã nhanh nhạy phát triển dự án nhà vườn nghỉ dưỡng ngoại ô theo mô hình chìa khóa trao tay.
Theo đó, các dự án nhà vườn sẽ được phát triển sẵn các hệ sinh thái nông nghiệp, cây ăn trái, nông sản trên đó để khách hàng có thể sử dụng ngay mà không tốn nhiều thời gian chăm sóc. Trong thời gian khách hàng không sử dụng có thể ủy thác cho chủ đầu tư khai thác cho thuê để sinh ra dòng tiền.
Về lâu dài, những dự án du lịch nghỉ dưỡng ven đô cần được đầu tư đồng bộ từ thiết kế, cảnh quan đến tiện ích, dịch vụ. Khách hàng sẽ mua các sản phẩm này như một ngôi nhà thứ hai vừa để ở, vừa để đầu tư.