Chớp mắt là một phản xạ vô điều kiện của con người. Chúng ta chớp mắt là để làm sạch mắt, dưỡng ẩm cho mắt, và để bảo vệ mắt trước sự tấn công từ bên ngoài.
Trung bình, một người lớn trưởng thành chớp mắt khoảng 17 - 20 lần mỗi phút. Một số người nhiều hơn, một số ít hơn tùy điều kiện.
Nhưng có bao giờ bạn tự hỏi, tại sao chớp mắt nhiều như thế mà bản thân chúng ta không bao giờ cảm thấy việc tầm nhìn bị gián đoạn? Chúng ta không thấy tối, cũng không thấy có gì đặc biệt. Làm thế nào vậy?
5-crop-crop-1539150118386709323829.gif
Đừng tưởng đây là câu hỏi dễ, vì cơ chế của hiện tượng này vẫn còn bí ẩn. Các nhà khoa học đã phải tốn rất nhiều thời gian để nghiên cứu về vấn đề này. Và mới đây, các chuyên gia từ trung tâm Y tế ĐH Göttingen (Đức) đã có câu trả lời.
Về cơ bản, nghiên cứu chỉ ra rằng nếu như trước khi chớp mắt, não bộ không kịp ghi nhận một hình ảnh mới nào, thì các hình ảnh trước đó sẽ được lưu lại và sử dụng. Vì thế dù có chớp mắt liên tục, bạn vẫn không cảm nhận được gì khác, và cảnh vật xung quanh vẫn hết sức rõ ràng.
Để nghiên cứu cách bộ não của chúng ta lưu trữ và gửi những ký ức ngắn hạn như thế nào, các nhà khoa học đã nhờ sự giúp đỡ của sáu bệnh nhân bị bệnh động kinh tham gia thử nghiệm.
Nhóm nghiên cứu muốn tìm hiểu rõ hơn về sự hoạt động của vùng não trước trán. Đây là vùng não quan trọng, đóng vai trò đặc biệt trong việc đưa ra mọi quyết định, và là nơi lưu trữ trí nhớ ngắn hạn của chúng ta.
Não của những người tham gia được kết nối với các điện cực. Đồng thời, các nhà khoa học cho họ liên tục nhìn thấy những dấu chấm dạng lưới trên màn hình.
Sau một khoảng thời gian, những người tham gia nghiên cứu được yêu cầu báo cáo rằng, liệu họ đang thấy các điểm đó có đang chạy theo chiều ngang hoặc theo chiều dọc hay không. Sau đó họ lặp lại bài kiểm tra.
Kết quả như thế nào?
Nếu những người tham gia lặp đi lặp lại cùng một câu trả lời, điều này cho thấy bộ não của họ đã nhớ thông tin từ bài kiểm tra đầu tiên.
Theo các tác giả cho biết, hoạt động chính của vùng não trước trán là ghi nhận, phản chiếu hình ảnh thông tin mà nó nhận được từ mắt trước đó. Điều này mang lại cho chúng ta trải nghiệm hình ảnh liền mạch mà không bị gián đoạn, ngay cả khi chúng ta chớp mắt.
Đây có thể xem là nghiên cứu đánh lừa thị giác của những người tham gia bằng các điện cực, thay vì thông qua máy quét MRI như trước đây. Từ đó, các nhà khoa học có cơ sở tìm hiểu về mối quan hệ giữa việc chớp mắt và quá trình lưu giữ hình ảnh trong não người.
Tác giả Caspar Schwiedrzik chia sẻ: "Nhóm nghiên cứu đã rất ngạc nhiên khi hiểu được rằng vùng não trước trán - thường liên quan đến các hoạt động thần kinh cấp cao - đã tham gia vào quá trình cảm nhận cơ bản này,"
"Những gì bạn đang trải qua luôn bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi những trải nghiệm trong quá khứ, ngay cả khi bạn không nhận thấy điều đó," - tác giả Caspar Schwiedrzik chia sẻ.
Tuy nhiên, do nghiên cứu được tiến hành trên nhóm người bị bệnh động kinh nên sẽ có những sai sót đáng kể, liên quan đến hệ thần kinh. Các nhà khoa học đang mở rộng đối tượng nghiên cứu để tìm hiểu được những thứ cơ bản về thần kinh trong lúc cơ thể nháy mắt.
Ông cũng nói thêm: "Đây là một cơ hội đặc biệt để khoa học có được cái nhìn rõ hơn về các cơ chế thần kinh trong não bộ."
Tham khảo: NewsWeek