Chống ùn tắc giao thông tại Hà Nội: Cần giảm mật độ xe giờ cao điểm

Nhóm PV Thời sự |

Để giảm được ùn tắc, nhiều nhà quy hoạch, chuyên gia cho rằng, thay vì xén vỉa hè, dải phân cách như lâu nay, cần giảm bớt mật độ một số loại phương tiện trên đường vào giờ cao điểm.

TS Trương Văn Quảng, Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia cho rằng, một đô thị phát triển, văn minh, đi lại thông thoáng thì không thể tất cả các loại xe cùng xuất hiện trên đường giờ cao điểm. “Không hiểu sao giờ cao điểm hiện nay, xe chở khách du lịch, xe hợp đồng như Limousine, thậm chí xe tải công trường vẫn hoạt động bình thường?”, ông Quảng nói.

Ghi nhận các loại phương tiện di chuyển trên đường tại nút giao Thanh Xuân (Nguyễn Xiển - Nguyễn Trãi) mấy ngày qua, PV Tiền Phong thấy rằng, dù giờ cao điểm nhưng ngoài lượng xe cá nhân còn có nhiều phương tiện kinh doanh vận tải hoạt động, như xe khách, xe hợp đồng, xe du lịch, taxi, xe tải, thậm chí cả xe ba bánh tự chế (loại xe đã bị thành phố cấm ra đường nhiều năm nay). Chỉ khoảng 100 mét đường Nguyễn Xiển hướng về nút Thanh Xuân trong giờ cao điểm, chúng tôi ghi nhận có khoảng 40 xe kinh doanh vận tải chờ qua nút, trong đó có cả xe tải trên 10 tấn. Thực trạng này cũng đang xảy ra với các nút giao thông lớn như: Ngọc Hồi- Pháp Vân, Trần Duy Hưng - Nguyễn Chánh, Phạm Hùng - Tôn Thất Thuyết, Giải Phóng - Đại Cồ Việt, nút giao Long Biên, nút giao cầu Chương Dương, Lê Văn Lương - Láng, Bưởi…

Năm 2017, HĐND thành phố Hà Nội thông qua đề án "Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP Hà Nội, giai đoạn 2017 - 2020 tầm nhìn 2030"

Trung tá Nguyễn Đức Thắng, Đội trưởng Đội CSGT số 7, Phòng CSGT, Công an thành phố Hà Nội (PC08), cho biết, nhiều trường hợp xe ba bánh và xe chở hàng cồng kềnh đã bị CSGT Đội 7 xử lý, tịch thu xe. Tuy nhiên, nhiều chủ xe là thương binh nên CSGT chỉ có thể xử phạt lỗi chở hàng cồng kềnh, còn xe họ sử dụng để đi lại không thể thu được.

Chống ùn tắc giao thông tại Hà Nội: Cần giảm mật độ xe giờ cao điểm - Ảnh 1.

Đã quá thời gian yêu cầu thu hồi, dừng hoạt động nhưng xe ba bánh không biển số vẫn nhan nhản trên đường Hà Nội

Đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, thành phố hiện có 264 xích lô được cấp phép để chở khách du lịch tại phố cổ, nhưng số lượng xích lô “dù” lên đến hàng nghìn. Điều này đã gây rối loạn giao thông và ảnh hưởng xấu đến hình ảnh du lịch Hà Nội.

Cơ quan chuyên môn thiếu sâu sát, quyết liệt

Chiều 24/11, cho ý kiến về Đề án thu phí xe cơ giới vào nội đô chưa hoàn thành, đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, dự thảo đề án đã được đơn vị tư vấn chỉnh sửa, cập nhật và báo cáo Sở GTVT lần thứ 3. Theo lộ trình dự thảo đặt ra, từ năm 2024, Sở GTVT Hà Nội sẽ phối hợp các đơn vị liên quan lập khoảng 100 trạm thu phí điện tử không dừng để thu phí ô tô vào nội đô từ Vành đai 3 trở ra.

Đánh giá về việc thành phố Hà Nội và các sở, ban ngành thực hiện đề án quản lý xe cá nhân để giảm ùn tắc, luật sư Bùi Sinh Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, cho rằng, nhiều nhóm nội dung thực hiện đang bị chậm tiến độ. Theo Luật Giao thông đường bộ, quy định của Nhà nước, xe không có biển số, xe tự chế bị cấm ra đường. Do vậy, việc vẫn còn xe ba bánh, xích lô, thậm chí cả xe tải, xe khách đi vào nội đô bất kể giờ nào cho thấy, các cơ quan chuyên môn thiếu sâu sát, quyết liệt, chưa hoàn thành trách nhiệm với thành phố, với xã hội.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại