Chồng chăm vợ ung thư tuyến giáp phát hiện mình bị ung thư gan và vô số chuyện buồn xóm trọ bệnh viện K

Hà Phương |

Thủ đô có biết bao khu trọ. Thường đó là nơi lưu trú để người ta học hành, làm việc phấn đấu cho tương lai, nhưng cũng có những xóm trọ buồn, mà khi người ta tìm đến đã là đoạn đường đời cuối.

Khu trọ buồn

Ông Phan Tâm Đồng (67 tuổi) chủ 8 căn phòng trọ cho thuê ở tổ 15 đường Cầu Bươu (phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội) tâm tư: “Có nơi nào gần bệnh viện mà vui đâu. Hơn thế, đây là địa bàn “đóng đô” của bệnh viện K. Toàn chuyện buồn, hầu như là cảnh khổ khắp nơi góp lại. Mỗi lần, khách chào tạm biệt chủ nhà, sau đó gặp lại được mấy ai”.

Ông Đồng kể, thuở trước vùng đất ông sinh ra và lớn lên vắng vẻ, thưa thớt, “chẳng khác gì quê”. Từ ngày Bệnh viện K cơ sở Tân Triều đi vào hoạt động thì mỗi ngày hàng trăm bệnh nhân và người nhà về đây điều trị. Vùng đất thưa vắng ít người biết đến bỗng trở nên đông đúc, chật chội.

Trong số hàng nghìn bệnh nhân cùng người nhà ở tỉnh xa tìm đến bệnh viện chữa bệnh chỉ có một số ít người bệnh được điều trị nội trú, đa số phải điều trị ngoại trú. Vì vậy, họ phải thuê trọ tại nhà các hộ dân lân cận.

Các tổ 14, 15 và một số địa bàn lân cận của phường Kiến Hưng là nơi trú ngụ của hàng nghìn người bệnh và thân nhân đi cùng chăm sóc. Theo thống kê, trung bình mỗi tổ dân phố có gần 200 hộ gia đình, bây giờ đa số xây dựng phòng ốc, mở dịch vụ cho bệnh nhân thuê ở.

Mỗi hộ có từ 2 đến 5 phòng cho thuê. Trong đó, mỗi phòng lại chia nhỏ thành nhiều diện tích khác nhau, trung bình từ 4-6m2/gian, ngăn cách với nhau bằng những tấm vách nhựa mỏng. Có nhiều gia đình xây dựng nhà trọ 5 - 6 tầng, lắp thang máy cho bệnh nhân thuê.

Giá thuê phòng trọ giao động từ 60.000 đồng đến 200.000 đồng/ngày đêm tùy vào tiện nghi. Nhu cầu tạm trú gần bệnh viện là rất lớn, vậy là khu trọ mọc lên. Người ta gọi là khu trọ u buồn, bởi khách lưu trú lại chủ yếu là những người mang trọng bệnh.

Ngôi nhà gần cuối ngõ đối diện với 30 đường Cầu Bươu nơi bà Nguyễn Thị Nhung quê ở Nghĩa Đàn, Nghệ An vừa đặt thuê cũng gần đầy. Bà Nhung thuê trọ 1 căn phòng ở tầng 2. Căn phòng chưa đầy 10m2 có vệ sinh khép kín, có điều hòa nhiệt độ nhưng không có bếp.

Ở tầng 2, ngoài phòng bà Nhung còn có 2 phòng khác. 1 phòng, khách chuyển đến đã được 20 ngày, phòng còn lại, khách là bệnh nhân ung thư tuyến giáp vừa mới ra đi. Cũng có không ít người bệnh đang trú ngụ ở căn trọ này ở vào giai đoạn cuối bệnh, ranh giới giữa sự sống và cái chết mong manh như sợi chỉ mành treo chuông. Những người thuê phòng trọ riêng như bà Nhung hoặc là gia đình có điều kiện, hoặc là bệnh rất nặng không thể sinh hoạt tập trung.

Ngày mới ở xóm trọ đầu trọc bắt đầu khá muộn vì chủ yếu phục vụ bệnh nhân ung thư vốn yếu mệt. Buổi sáng khá lặng lẽ, những món điểm tâm cũng khá đơn giản như bánh mì, bánh ướt, bún riêu, cháo lòng, giá cả hết sức bình dân. Đó là những bữa sáng chiếu lệ để bệnh nhân cầm cự, chống chọi với các đợt xạ trị.

Bà Lê Thùy Linh, chủ hàng ăn ở gần số 30 đường Cầu Bươu nói: “Bán những món khác đắt tiền hơn, đầy đủ chất dinh dưỡng cho người bệnh thì họ không đủ tiền để ăn. Bữa sáng của họ chỉ tầm 10.000-20.000 đồng. Có người chỉ ăn ổ bánh mì không hay tô cháo trắng giá 5.000 đồng coi như xong bữa hoặc ăn uống thật tiết kiệm, chờ bữa cơm nhân đạo để cải thiện”. Theo bà Linh, mở cửa buổi trưa cũng chẳng có mấy khách. Trưa, chiều bệnh nhân ung thư nhận cơm từ thiện ở bệnh viện.

 Chồng chăm vợ ung thư tuyến giáp phát hiện mình bị ung thư gan và vô số chuyện buồn xóm trọ bệnh viện K - Ảnh 1.

Xóm trọ buồn tổ 15 phường Kiếm Hưng. Ảnh: HP

Mấy ai thấu hiểu

Hiếm hoi lắm mới bắt gặp tiếng cười lạc quan từ người bệnh. Có lẽ vì căn bệnh quái ác kia đã khiến họ phải lặng lẽ, cướp đi của họ tiếng cười, phải khép mình bởi tinh thần và sức khỏe giảm sút. Người bệnh với nhau, những cuộc trò chuyện cũng hiếm thấy, ăn xong họ lầm lũi về xóm trọ hoặc trở lại bệnh viện.

Giọng bà Nhung buồn buồn: “Các đây 2 tháng, đến xóm trọ này còn có cả hai vợ chồng. Chúng tôi đã có quãng thời gian gần 3 tháng sống ở đây (khu trọ đối diện cổng viện). Chồng tôi, ông Lê Văn Thành vừa mới mất vì bệnh ung thư gan”.

Tôi lấy làm ngạc nhiên, chồng đã mất, bà Nhung quay lại khu trọ chết chóc, u sầu này làm gì? Thì ra, bà trở lại tiếp tục điều trị căn bệnh ung thư tuyến giáp của mình.

Thật đau đau đớn, năm 2013 bà Nhung phát hiện mình bị ung thư tuyến giáp buộc phải rời bỏ quê, ở lại Hà Nội điều trị. Đầu năm 2017, khi bệnh tình của bà có dấu hiệu phát triển chậm thì chồng bà bị ung thư gan.

“Không ngờ, số phận đảo ngược nhanh đến như vậy. Ông ấy ra đây để chăm tôi, nhưng rốt cuộc lại ra đi một cách đầy bất ngờ. Đôi khi, tôi không dám tin vào sự thật”.

Bà Nhung tâm sự, điều đau xót nhất đối với bà không phải lúc phải bán đi một nửa mảnh đất ở quê lấy tiền chữa bệnh, cũng không phải lúc bà cầm quyết định về hưu sớm của hai vợ chồng cùng một lúc mà nó đến vào thời khắc người chồng lâm chung. Trong cơn đau vật vã cuối cùng, ông Thành đã cố xua tay ra hiệu bà phải rời xa ông khi ông nhắm mắt xuôi tay bởi căn bệnh ung thư không cho phép tiếp xúc với hơi lạnh. “Tôi đau đớn gạt nước mắt, ôm túi quần áo chạy đi…”, bà Nhung nghẹn ngào.

Trở lại xóm trọ, sau khi cầm phác đồ điều trị căn bệnh “K giáp” trên tay, bà Nhung ra quán trà đá phía cổng viện tìm lại hòn gạch nung mà mấy tháng trước, đêm nào bà cũng mang ra hàng nước chè nung nóng.

Lá ngải cứu bó với viên gạch nóng để chườm bụng, xoa dịu những cơn đau chồng bà ngày nào. Bà Nhung mang viên gạch vô tri vô giác cất vào túi đồ coi như kỷ vật…

Bà nói giọng đầy ngao ngán: “Đâu chỉ mình mình khổ. Hai chị em phòng bên cạnh đây cũng éo le. Chị đưa em ra khám bệnh, thấy đau ngực, nốt công kiểm tra sức khỏe. Cùng một lúc nhận được kết quả 2 chị em đều bị ung thư vú. 2 người bệnh chăm sóc nhau. Mệt rồi”.

Tại đây, tôi gặp anh Hồ Quang Chiến quê ở Quỳnh Lưu, Nghệ An. Chiến 30 tuổi vừa cưới vợ được 1 tháng, vợ đã báo tin vui đã mang bầu. Trước đó mấy hôm, Chiến ho ra máu, ù tai bèn đi kiểm tra sức khỏe sửng sốt biết mình bị ung thư vòm họng giai đoạn 2.

Chiến bảo: “Cầm kết quả xét nghiệm mà bủn rủn chân tay”. Ngồi một xó trong căn trọ chờ phác đồ điều trị mới biết những ngày sau sẽ ra sao, Chiến lẩm bẩm: “Biết sớm chút nữa thì chưa lấy vợ có phải tốt hơn không?”. Chiến nói trong tâm trạng rất bi quan.

Còn hàng trăm, hàng nghìn hoàn cảnh éo le như bà Nhung, anh Chiến Đến xóm trọ tá túc chữa bệnh. Không khó để bắt gặp những nét mặt đầy ưu tư, lo lắng, căng thẳng và cạn dần hy vọng sống. Nhưng cũng không ít những đứa trẻ vẫn đang hồn nhiên, vô tư chưa hình dung được trọng bệnh mình đang mang, chúng hồn nhiên trong sự lo lắng của cha mẹ, người thân.

Số phận nghiệt ngã đưa họ đến sống cùng một khu xóm trọ. Đáng buồn hơn, theo lời ông Phan Tâm Đồng, càng ngày càng nhiều bệnh nhân hơn, khu trọ ngày một đông hơn. Đông nhưng không vui bởi không khí luôn nặng nề buồn bã.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại