Chống béo phì bằng… thuế tiêu thụ đặc biệt: Bắc thang lên hỏi ông giời?

Thanh Xuân |

Đề xuất của Bộ Tài chính về việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt nhằm điều tiết tiêu dùng với đồ uống có đường và theo thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, đề xuất này vấp phải nhiều ý kiến phản đối vì thiếu căn cứ và không công bằng.

Chống béo phì bằng… thuế tiêu thụ đặc biệt: Bắc thang lên hỏi ông giời? - Ảnh 1.

Ngày 15/8, Bộ Tài chính đưa ra báo cáo định hướng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của một số luật thuế. Nổi bật trong đó là đề nghị sửa đổi nội dung về thuế tiêu thụ đặc biệt theo hướng bổ sung các đối tượng chịu thuế mới.

Theo đó, nước ngọt bao gồm loại có ga, không ga, tăng lực, thể thao, trà, cà phê uống liền đóng gói, trừ nước trái cây, nước rau quả 100% tự nhiên, sữa được đề xuất là đối tượng chịu thuế tiêu thụ với mức thuế suất 10% áp dụng từ năm 2019.

Lý giải cho đề xuất này, Bộ Tài chính cho rằng dù là đồ uống được ưa thích nhưng các loại thức uống có đường lại gây ảnh hưởng xấu đến cơ thể, nguyên nhân của chứng béo phì và gây những hậu quả về tim mạch và tiểu đường với người sử dụng.

Tuy nhiên, đề xuất và lý giải này đã vấp phải sự phản đối của các chuyên gia cũng như doanh nghiệp trong ngành. Theo nhiều chuyên gia, vấn đề lớn nhất của đề xuất này là công bằng khi lựa chọn đối tượng đánh thuế và những tác động đến doanh nghiệp, người tiêu dùng khi luật thuế được áp dụng.

Đồ uống có đường - thủ phạm hay nạn nhân?

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, bất cứ thức ăn nào, ngay cả các loại gia vị quen thuộc với người Việt như muối ăn, nước tương... cũng không tốt cho sức khỏe nếu dùng quá mức. Thực tế, nếu ăn quá nhiều muối có thể gây ra bệnh cao huyết áp, bệnh tim, loãng xương, thận, tăng nguy cơ ung thư dạ dày và giảm tuổi thọ.

"Không lẽ chúng ta cũng tăng thuế muối, thuế nước chấm? Hơn nữa, tại sao lại chỉ đánh thuế nước ngọt trong khi các thực phẩm chứa đường khác như bánh kẹo... lại được loại ra khỏi đề xuất này?

Bộ Tài chính đã dẫn thống kê về tỷ lệ 25% dân số Việt Nam trưởng thành bị thừa cân, béo phì, nhưng theo điều tra quốc gia của Bộ Y tế về nguy cơ bệnh không lây nhiễm năm 2009-2010 thì tỷ lệ này hiện chỉ ở mức 12%.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng không nói rõ nguyên nhân của hiện tượng này đến từ những yếu tố nào, gây ảnh hưởng bao nhiêu... Nếu không có những số liệu, căn cứ khoa học dựa trên nghiên cứu, khảo sát thì rất khó có thể thuyết phục được", bà Nguyễn Việt Thu, Hội bảo vệ người tiêu dùng TP HCM nêu ý kiến.

Cùng có ý kiến này, ông Nguyễn Tiến Vỵ, Phó chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát, cũng đặt câu hỏi "liệu áp thuế tiêu thụ đặc biệt có làm giảm được tỷ lệ béo phì và tiểu đường không?" trong khi những tác động tiêu cực của đề xuất thuế nếu đưa vào thực hiện đã thấy rất rõ.

Trước đó, trong một phản hồi từ năm 2014 đối với đề xuất về việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có ga vì loại nước này có thể gây bệnh béo phì, loát dạ dày, ông Mark Gillin, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham) đã từng khẳng định "đề xuất này dựa trên chứng cứ khoa học mơ hồ".

Ngoài ra, theo các chuyên gia, đánh giá về việc sử dụng thực phẩm gây béo phì phải tính toán tới cả tỷ lệ chất tạo ngọt.

"Cần phải hiểu rõ sử dụng quá nhiều mới gây ra nguy cơ, vì đường vẫn là một loại gia vị phổ thông và cần thiết. Ngay cả khi xem xét áp thuế với tất cả các hàng hóa, thực phẩm có chứa đường thì cũng cần chia theo hàm lượng đường để áp mức thuế khác nhau, chứ không thể đánh đồng", ông Vỵ nói trong một hội thảo của VCCI tổ chức vào tháng 9/2017.

Trước câu hỏi nước ngọt có gas có phải là thủ phạm gây nên béo phì không, TS Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, ngoài nguyên nhân bệnh lý chiếm khoảng 5% thì nguyên nhân chính của béo phì là do chế độ ăn không hợp lý và lối sống thiếu hoạt động gây nên.

Dùng quá nhiều nước ngọt có gas được coi là một trong những nguyên nhân dẫn đến béo phì bởi trong nước ngọt chứa nhiều đường đơn nếu tiêu thụ nhiều hơn mức 5% tổng năng lượng trong ngày như mức của WHO khuyến cáo thì có thể gây rối loạn chuyển hoá, rối loạn chất béo dẫn đến bệnh béo phì, nhất là ở trẻ em.

TS Nguyễn Trọng Hưng cũng cho biết, không nên khuyến khích trẻ uống nước ngọt có ga đều đặn và thường xuyên, tuy nhiên nếu dừng lại ở mức 1 – 2 lon/ tuần thì có thể chấp nhận được.

Tuy nhiên cha mẹ lưu ý là cần kiểm soát cả lượng bánh kẹo ngọt con ăn vào trong ngày, vì đường không chỉ đến từ con đường nước ngọt có ga. Nếu chỉ kiểm soát nước ngọt mà không kiểm soát những loại thực phẩm kể trên thì tổng lượng đường đơn trẻ tiêu thụ trong ngày rất dễ vượt mức cho phép.

Trong trường hợp kiểm soát tốt các loại thực phẩm chứa đường, thì lượng 1 – 2 lon nước ngọt/ tuần có thể chấp nhận được.

Tác động tiêu cực tới doanh nghiệp và người tiêu dùng

Trước thông tin về đề xuất thuế, rất nhiều doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp cho rằng đề xuất này sẽ làm khó cho các doanh nghiệp, ảnh hưởng tới lợi ích của người tiêu dùng. Theo đánh giá chung, nếu thuế tiêu thụ đặc biệt được áp dụng, giá thành sản phẩm sẽ tăng khoảng 12% và làm mất đi cơ hội tiếp cận sản phẩm có chất lượng của người tiêu dùng.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng,  nếu việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt áp dụng ngay cả với các sản phẩm thức uống dinh dưỡng  thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới người tiêu dùng, đặc biệt là trẻ em, đối tượng cần được bổ sung dinh dưỡng..., trong khi mục đích của luật thuế tiêu thụ đặc biệt  là để  áp dụng cho các  sản phẩm có thể  ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe cộng đồng.

Cùng với đó, việc đặt cả trà, cà phê uống liền đóng gói - những sản phẩm sử dụng nguyên liệu thô là hàng hóa sản xuất truyền thống của Việt Nam - vào danh sách sẽ khiến khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt vốn thấp lại càng trở nên khó khăn hơn.

Doanh nghiệp tiêu thụ khó khăn hơn sẽ hạn chế sản xuất, tác động ngược lại đến người trồng, trong khi Việt Nam đang tìm cách đứng vào chuỗi sản xuất và giá trị cà phê toàn cầu.

"Doanh nghiệp sẽ mất tinh thần, không còn mạnh dạn đầu tư sản xuất, ", CEO cà phê Phúc Sinh Phan Minh Thông băn khoăn.

Theo các nhà sản xuất, việc kiểm soát vấn đề béo phì phải có biện pháp tổng thể của nhiều bên, thay vì áp dụng một chính sách cưỡng chế bằng thuế như đề xuất của Bộ Tài chính.

"Với các nhà sản xuất, truyền thông có trách nhiệm là một giải pháp hữu hiệu góp phần giảm thiểu tình trạng thừa cân , béo phì.

Bên cạnh đó, việc cung cấp cho người tiêu dùng những thông tin minh bạch trên bao bì cho từng khẩu phần sử dụng của sản phẩm về mức đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của một số nhóm dinh dưỡng chính hàng ngày - GDA (Guideline Daily Amount) là một trong những yêu cầu bắt buộc tại các nước khối Châu Âu, trong khi ở Việt Nam mới có rất ít đơn vị thực hiện",  đại diện công ty Nestlé nêu ý kiến.

Đăng ký tham dự Hội thảo Phòng chống béo phì, thừa cân cho trẻ em: "Lời cảnh báo của chuyên gia"

Đây là hội thảo do Hội Dinh dưỡng Việt Nam, Soha.vn - Báo điện tử Trí Thức Trẻ đồng tổ chức ngày 18/10/2017 tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, số 11 Lê Hồng Phong, Ba Đình, Hà Nội.

Hội thảo quy tụ 250 nhân vật, gồm chuyên gia dinh dưỡng – y tế hàng đầu, đại biểu, doanh nhân, người nổi tiếng (MC Thảo Vân và NSND Lan Hương) đến Bộ Y tế, Hội Dinh dưỡng Việt Nam, Viện Dinh dưỡng Việt Nam, Bệnh viện Nhi TƯ, Hiệp hội KHKT an toàn thực phẩm Việt Nam, lãnh đạo các trường phổ thông, mầm non, các Hội cha mẹ học sinh và những người quan tâm đến dinh dưỡng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại