Chọn Trump và Clinton, người Mỹ đang "đánh cược" với chính mình

Ngọc Việt |

Chưa khi nào chuyện tuổi tác và sức khỏe của các ứng viên lại trở thành đề tài nóng như vậy.

Trong bối cảnh cuộc đua vào chiếc ghế Tổng thống Mỹ đang vào giai đoạn nước rút, ứng cử viên đảng Dân chủ Hillary Clinton bỗng "gặp vận xui" liên quan đến sức khoẻ, khi bà gần như bị ngất xỉu trong lễ tưởng niệm 15 năm Cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9/2001, tại New York.

Việc bà Clinton phải dừng việc tham gia buổi lễ và phải nghỉ ngơi 90 phút tại nhà con gái Chelsea khiến giới truyền thông nhận định rằng bà sẽ gặp khó khăn trong đoạn đường đua sắp tới vào Nhà Trắng.

Nghiêm trọng hơn, giới phân tích đã có một số tính toán về việc nhân sự của đảng Dân chủ sẽ thay thế bà Hillary ra tranh cử trong cuộc bầu cử Tổng thống ngày 8/11. Những cái tên như Bernie Sanders hay Joe Biden đã xuất hiện trong phương án B của đảng này.

Dư luận Mỹ cho rằng đây cho là cơ hội cho ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump tận dụng nhằm tăng tỷ lệ ủng hộ, khi chỉ còn gần 2 tháng nữa là tới ngày bầu cử.

Tuy nhiên, sức khoẻ kém của bà Clinton sẽ không đem lại lợi thế rõ rệt cho tỉ phú bất động sản.

Chọn Trump và Clinton, người Mỹ đang đánh cược với chính mình - Ảnh 1.

Sức khoẻ của bà Hillary Clinton khiến cho người dân Mỹ phải mạo hiểm trong việc lựa chọn Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ. (Ảnh : The New York Times)

Bởi lẽ, cả Trump và Clinton đều đã cao tuổi. Vấn đề sức khoẻ là điểm yếu của cả hai.

Truyền thống bất thành văn trong bầu

Cử tri Mỹ đã quá mạo hiểm trong việc lựa chọn ứng cử viên cho cuộc đua tranh chiếc ghế Tổng thống thứ 45 của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ. Tại sao vậy?

Ngược dòng lịch sử, với mốc thời gian là cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đầu tiên thời hậu Thế chiến II, từ năm 1948 cho đến nay thì có thể thấy rằng, cuộc bầu cử năm 2016 là "vô tiền khoáng hậu".

Điều đó thể hiện rõ qua Bảng thống kê tuổi ứng viên qua các kỳ bầu cử.

Chọn Trump và Clinton, người Mỹ đang đánh cược với chính mình - Ảnh 2.

Bảng liệt kê tuổi các cặp ứng viên trong các cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ thời hậu Thế chiến II. (Người lập bảng: Ngọc Việt)

Nhìn vào Bảng liệt kê, có thể nhận thấy gần 70 năm qua với 17 cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đã diễn ra, chưa mùa bầu cử nào mà cả hai ứng viên của hai đảng chính trị lớn là Dân chủ và Cộng hoà cùng có độ tuổi trên 60.

Mùa bầu cử Tổng thống Mỹ năm 1984, ứng viên đảng Cộng hoà Ronald Reagan có độ tuổi kỷ lục khi tranh cử là 74, thì ứng viên đảng Dân chủ Walter Mondale mới 56 tuổi. Hay mùa bầu cử 1980 khi Reagan có tuổi 70 thì Jimmy Carter cũng chỉ 56 tuổi.

Mặc dù tuổi tác của các ứng viên không được đặt nặng trong tiêu chí lựa chọn người đứng đầu Nhà Trắng tại các kỳ bầu cử, nhưng thực ra người dân Mỹ luôn có độ an toàn trong lựa chọn các ứng viên đại diện cho các đảng khi tranh cử, trong đó có tuổi tác của các cặp ứng viên.

Cho dù Dwight D.Eisenhower được bầu làm Tổng thống Mỹ khi 66 tuổi hay Ronald Reagan ngồi vào chiếc ghế Tổng thống Mỹ năm 1984 ở tuổi 74 – độ tuổi kỷ lục của một Tổng thống Mỹ được bầu kể từ năm 1856, nhưng đua tranh cùng các ông luôn là những ứng viên có độ tuổi U60.

Điều này cho thấy, nếu sức khoẻ của các ứng viên U70 hay U80 có vấn đề thì người dân Mỹ vẫn còn ứng viên U60 để lựa chọn.

Vì vậy, cuộc tranh cử không phải thay ngựa giữa đường đua hay cuộc bầu chọn không phải rơi vào thế "không còn lựa chọn nào khác".

Phá truyền thống, rủi ro tăng cao

Như vậy, qua lịch sử các cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, cử tri Mỹ đã hình thành một luật bất thành văn là luôn có một phương án dự phòng trong trường hợp một ứng viên bị cho là có vấn đề về sức khoẻ do tuổi tác gây ra.

Tuy nhiên, trong mùa bầu cử năm 2016 này, người dân Mỹ đã không có phương án dự phòng, khi cặp đôi ứng cử viên Donald Trump – Hillary Clinton lập kỷ lục về độ tuổi tranh cử, với Trump ở tuổi 70, còn Hillary là 68 và tổng số tuổi của cặp đôi này cũng đạt kỷ lục là 138.

Rõ ràng, người dân Mỹ đã rất mạo hiểm khi phá vỡ truyền thống bất thành văn nói trên, nhất là khi không chỉ sức khỏe của bà Clinton có vấn đề mà sức khỏe của Trump cũng đang bị đặt câu hỏi.

Không những vậy, 1/4 thế kỷ qua, kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, cử tri Mỹ đã lựa chọn người đứng đầu nhà nước Mỹ theo khuynh hướng trẻ hoá về độ tuổi.

Tất cả các đời Tổng thống Mỹ thời hậu Chiến tranh Lạnh đều có tuổi đời dưới 60, trẻ trung và năng động. Song với cặp đôi Trump – Hillary thì khuynh hướng ấy đã kết thúc.

Thực chất, bước ngoặt lịch sử này đã diễn ra ngay từ khi Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa của bang Texas Ted Cruz - đối thủ đáng gờm nhất của cả ông Trump và bà Hillary - ngừng cuộc đua.

Tóm lại, vấn đề sức khoẻ của bà Hillary Clinton đang khiến cho cuộc đua vào chiếc ghế Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ nóng hơn bao giờ hết, nhất là khi dư luận đang kêu gọi công khai hồ sơ sức khoẻ của các ứng viên.

Điều đó có nguy cơ khiến đời sống chính trị Mỹ dậy sóng và người dân Mỹ phải chấp nhận mạo hiểm với lựa chọn của mình.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại