Quan điểm cứng rắn trong quan hệ thương mại với Trung Quốc
Những từ ngữ không mấy tốt đẹp và thiện cảm như "ký sinh, nhà máy ung thư, đồn cảnh sát lớn nhất thế giới,..." từng được ông Peter Navarro dùng để miêu tả chính phủ Trung Quốc - Guardian cho hay.
Ông Navarro vừa được Donald Trump cất nhắc làm lãnh đạo Hội đồng Thương mại Nhà Trắng ngày 21/12.
Hội đồng Thương mại Nhà Trắng là một cơ quan vừa được thành lập mới, giúp thực thi chương trình "Mua hàng Mỹ, thuê nhân công Mỹ" (để thúc đẩy việc làm trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng và công nghiệp quốc phòng) của chính quyền Trump.
Hội đồng này cũng sẽ cố vấn cho tổng thống Mỹ các "chiến lược sáng tạo trong đàm phán thương mại", cũng như góp phần đánh giá khả năng sản xuất của quốc gia, điều phối hoạt động với các cơ quan khác và giúp đỡ các công nhân thất nghiệp.
Peter Navarro là giáo sư 67 tuổi của đại học California Irvine (UCI). Ông có bằng tiến sĩ tại Harvard và là tác giả của 3 cuốn sách cùng 2 bộ phim tài liệu gây tiếng vang, với nội dung vạch trần sự ảnh hưởng rất xấu của Trung Quốc tới kinh tế toàn cầu.
Bị thuyết phục bởi những nội dung trong các cuốn sách của Navarro, Trump cũng có quan điểm rằng Trung Quốc đã trợ giá những hàng hóa xuất khẩu giá rẻ (và thậm chí cả độc hại) xuất sang Mỹ, và làm người Mỹ mất việc làm.
"Nhiều năm trước, tôi đã đọc một trong những cuốn sách của ông ấy [Navarro] về các vấn đề thương mại của Mỹ. Tôi rất ấn tượng với cách đưa ra luận điểm và phương pháp nghiên cứu của ông", trích lời Trump trong thông cáo báo chí về thành lập Hội đồng Thương mại Nhà Trắng.
Navarro, trong bộ phim "Cái chết gây ra bởi Trung Quốc" năm 2012 của mình, đã cho rằng Trung Quốc chính là nguyên nhân Mỹ mất 57 nghìn nhà máy và 25 triệu việc làm. Hàng hóa Trung Quốc không chỉ được trợ giá một cách bất hợp pháp, mà còn "gây ô nhiễm, gây ung thư, gây dị dạng".
Ông từng nhấn mạnh Mỹ cần giải quyết vấn đề thương mại với Trung Quốc một cách "mạnh mẽ và toàn diện".
Với quan điểm chống Trung Quốc, người lãnh đạo Hội đồng Thương mại Nhà Trắng trong tương lai cũng từng kêu gọi người dân Mỹ hãy bảo vệ gia đình và bảo vệ nước Mỹ bằng cách không mua hàng Trung Quốc.
Navarro thẳng thắn tuyên bố có cùng quan điểm với Trump, khi tổng thống đắc cử phát biểu trong quá trình tranh cử rằng Trung Quốc đã "cưỡng bức nền kinh tế Mỹ".
Một hình ảnh từ bộ phim "Những cái chế gây ra bởi Trung Quốc" năm 2012 của ông Navarro. (Ảnh: Netflix)
Trung Quốc không mất hy vọng
Trước động thái bổ nhiệm này, Christopher Balding, giáo sư tài chính tại Đại học Bắc Kinh nhận định, Navarro sẽ không thể theo đuổi những quan điểm "gieo hoang mang" và "khiêu khích" như thế nữa, một khi ông có vị trí trong chính phủ.
"Tôi cho rằng Navarro sẽ mau chóng nhận ra các hạn chế của mình", Balding nói.
"Họ là những giáo sư, những doanh nhân, rồi một ngày bỗng dưng làm bộ trưởng, sớm thôi, họ sẽ nhận ra rằng không thể nào thực thi được mớ lý thuyết trong lớp học vào thực tế", Balding nói và nhấn mạnh thêm rằng cộng đồng doanh nghiệp Mỹ sẽ phản đối nếu hàng hóa Trung Quốc bị áp những mức thuế khổng lồ.
Báo Guardian bình luận, việc Trump tin tưởng và lựa chọn một người có quan điểm cứng rắn trong thương mại với Trung Quốc như ông Navarro, sẽ làm Bắc Kinh "hơi lo lắng".
Trả lời Guardian, Li Yonghui, Hiệu trưởng trường Quan hệ Quốc tế thuộc Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh nói: "Việc ông Navarro được bổ nhiệm là một động thái dễ hiểu, trong bối cảnh Trump có tư tưởng ‘diều hâu’ đối với Trung Quốc.
Bắc Kinh sẽ ở trong trạng thái cảnh giác,chuẩn bị kỹ. Ông Trump tất nhiên sẽ gây ra những áp lực chưa từng có tiền lệ đối với Trung Quốc".
Tuy nhiên, vị hiệu trưởng người Trung Quốc vẫn tin rằng những "xáo trộn lớn" trong quan hệ Mỹ -Trung khó có khả năng xảy ra.
(Ảnh: AFP)
Phản ứng chính thức trước động thái bổ nhiệm Navarro của Trump, Bắc Kinh cho biết họ đang theo dõi chặt chẽ quá trình chuyển giao chính phủ ở Mỹ và các định hướng chính sách sắp tới.
"Là hai cường quốc, Mỹ và Trung Quốc có rất nhiều lợi ích chung. Hợp tác là lựa chọn duy nhất đúng!" phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói.
Cho tới nay, các kế hoạch cho mối quan hệ với Trung Quốc của Trump vẫn còn là ẩn số, dù nhiều nhân vật có thái độ "diều hâu" với Bắc Kinh đã được chọn vào chính quyền mới.
Guardian dẫn lời nhà khoa học chính trị Andrew Nathan tại đại học Columbia, cho rằng Trump đã cho thấy 2 mặt trong tính cách của mình khi việc xử lý mối quan hệ với tất cả mọi người. Một mặt, ông sẽ nói "hãy thương lượng", nhưng mặt khác, ông sẽ la lên "anh đã làm tôi tổn thương và tôi sẽ trừng phạt anh, vì tôi không bao giờ thua, tôi luôn thắng".
"Tôi không biết có phải ông Trump đang dàn dựng để bắt Trung Quốc nhượng bộ hay không. Liệu những động thái đó của Trump là cố ý hay chỉ là sự thay đổi tâm trạng liên tục trước cách mà người ta đối xử với ông ấy", giáo sư Nathan nói.
"Trung Quốc hiểu rõ rằng việc Trump một doanh nhân là một tia hy vọng đối với họ, tôi tin rằng Trung Quốc vẫn đang nghiêng về kịch bản họ có thể thắng nhà tài phiệt Mỹ trong các cuộc thương lượng."