Nghề hái trái thông rừng gian nan và nguy hiểm nhưng đã tồn tại nhiều năm. Tuy nhiên, nghề này ít người dám làm vì rất nguy hiểm.
Người làm nghề này phải dậy từ lúc sáng sớm, lo vắt cơm vội, chuẩn bị một số đồ nghề như cây móc quả thông,… bắt đầu một ngày rong ruổi khắp núi đồi để tìm những vạt thông có trái hiếm hoi vào mùa khô và về khi trời bắt đầu chập choạng tối.
Để hái được quả thông, họ phải leo lên cây thông cao chót vót và ở trên cây nhiều hơn cả thời gian ở dưới đất.
Mặc dù nguy hiểm nhưng những người làm nghề này không dây bảo hiểm, vắt vẻo trên đỉnh những ngọn thông cách mặt đất tới hàng chục mét, thỉnh thoảng cơn gió mạnh thổi về cả người lẫn cây đong đưa khiến chúng tôi thót tim.
Nếu sơ suất, những người này sẽ phải trả giá bằng chính mạng sống của mình.
Được biết, ở đất Tây Nguyên, một năm có hai mùa có thể hái trái thông rừng, tập trung nhiều vào tháng 5 tới tháng 8 (mùa thông hai lá).
Thời điểm này, hái trái thông rừng rất dễ, cây thông hai lá thấp, trái to chỉ cần trèo lên cây rung thật mạnh hoặc đập cho thông rụng xuống là lượm trái về bán.
Nhưng từ tháng 9 tới tháng 3 năm sau là mùa thông ba lá, các nhà buôn chỉ mua trái thông già, trái còn xanh.
Để hái những trái thông này, đòi hỏi người dân phải trèo lên những cây thông cao 20-30m mới hái được quả. Công việc chủ yếu do những thanh niên to khỏe, dám “liều mình” mới làm.
Sau khoảng một tháng mưu sinh, họ thường gom được chục tấn trái thông tươi chở bán cho các nhà buôn các nơi tại TP. Đà Lạt, Đức Trọng, Đơn Dương... với giá 4.000 đồng/ kg.
Tại cơ sở của ông Tạ Hải (64B đường Hoàng Hoa Thám, P.10, TP Đà Lạt), những trái thông xanh khi thu mua từ Đơn Dương về được phơi dưới nắng cho nở bung sau đó đóng gói khoảng 6-7 tấn xuất xuống TPHCM cho các công ty nước ngoài chế tác.
Ngoài ra, công nhân còn chế tác những mẫu quà bằng trái thông mới nở, có màu đẹp mắt bán cho khách hàng khi có yêu cầu…
Chùm ảnh "choáng" với nghề hái thông: